Vương Quốc Trường Tồn

Với thế hệ người Việt sống trong thời kỳ 1955—1975, hai từ “chiến tranh” khơi gợi nhiều ác mộng: tiếng bom đạn, pháo kích, gào thét, rên rỉ, máu, mồ hôi ,và nước mắt! 


Ác mộng ngày xưa của dân Việt là ác mộng ngày nay của các dân tộc khác. Ngày 24 tháng 2 năm 2022, người dân lành Ukraine hoảng hốt trước những đợt tấn công thình lình của quân Nga. Gần 6 triệu người tị nạn Ukraine trốn chạy đến các quốc gia lân bang. Chiến sự nóng bỏng từng ngày. Trong khi thế giới đang nín thở theo dõi chiến trường Ukraine, đột nhiên, vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, ngày sa-bát của người Do Thái, lúc sáng sớm, thình lình, quân Hamas pháo hàng ngàn phi đạn vào miền Nam Do thái, dọn đường cho quân khủng bố tiến vào thành phố, tàn sát dã man dân chúng, binh sĩ, bắt đi hàng trăm con tin. Là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy xa lạ với cuộc chiến này, thậm chí tự hỏi, vì sao chiến tranh ở Trung Đông, giữa Do Thái và Palestine và khối Ả-rập, lại luôn nóng bỏng trên chính trường thế giới? Qua bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đôi điều về quốc gia Do Thái, về người Palestine, về Hamas, lý do xung đột giữa Do Thái và Palestine, và cuối cùng, điều này liên quan gì đến chúng ta?

 Do Thái là quốc gia kỳ bí nhất trên thế giới. Sự kỳ bí không có nghĩa là Do thái có những bí mật khác người. Lịch sử người Do Thái phơi bày rõ ràng trong Thánh Kinh và trên từng trang sử thế giới. Nét đặc thù của Do Thái rất lạ. Nước Do Thái không lớn nhất, không giàu nhất, không mạnh nhất. Do Thái chỉ như người em nhỏ đứng cạnh các đàn anh Mỹ, Nga, Tàu, Anh, Đức, nhưng vị trí của Do Thái sừng sững như Thái Sơn giữa ba đào dậy sóng. Vậy, Do Thái kỳ bí và đặc biệt ở chỗ nào?

 Không có quốc gia nào trên thế giới như Do Thái, được thành lập dựa trên lời hứa của Đức Chúa Trời cho tổ phụ của họ, là ông Áp-ra-ham (Abraham). Ông Áp-ra-ham sống trong thời kỳ khoảng 2000 năm trước Công Nguyên, tức là cách chúng ta hơn 4000 năm. Ông sống sung túc tại vùng đất trù phú, văn minh của Lưỡng Hà (Mesopotamia), nhưng đã đáp ứng lời kêu gọi của Chúa, lìa bỏ xứ sở thờ hình tượng, ra đi trong đức tin, làm lữ khách tại một nơi xa lạ. Chúa đã hướng dẫn ông đi khoảng 600 dặm, là khoảng đường rất xa thời bấy giờ, đến đất Ca-na-an, vùng đất ngày nay là quốc gia Do Thái, với lời hứa ban cho ông và hậu tự xứ sở này mãi mãi. Người Do Thái, trước Liên Hiệp Quốc và diễn đàn quốc tế, đã dõng dạc tuyên bố rằng, lãnh thổ Do Thái của họ được Chúa ban cho từ nhiều ngàn năm trước, và lời hứa đó không bao giờ thay đổi. Khi xem xét về lịch sử của vùng đất ấy, người ta nhận thấy rằng thật sự, nó chỉ chính thức là chủ quyền của quốc gia Do Thái mà thôi. Trải qua nhiều ngàn năm, có nhiều dân tộc đã sinh sống tại đó như các bộ lạc, các nhóm người, các lãnh chúa, và có nhiều vương quyền đã thống trị vùng đất đó như một thuộc địa, chứ chưa từng có quốc gia nào xưng nhận vùng đất Do Thái là tên một quốc gia, với tổ chức chính quyền, dân chúng, kinh tế, quân đội, theo điều kiện của một quốc gia độc lập được thế giới công nhận.

 Vùng đất Do Thái được dành cho người Do Thái, bắt nguồn từ 4000 năm trước, qua lời hứa của Đức Chúa Trời Chí Cao. Khi họ phạm tội cùng Chúa, lìa bỏ Chúa, thờ lạy thần tượng, họ bị Chúa phạt phải chịu lưu đày. Lần thứ nhất, họ bị Vua Nebuchadnezzar lưu đày sang Babylon 70 năm, trong khoảng thời gian 600 năm trước Công Nguyên. Sau đó, họ được trở về lập quốc, rồi lại phạm tội cùng Chúa và bị lưu đày lần nữa. Lần thứ nhì, họ thảm bại dưới tay tướng La Mã Titus vào năm 70 sau Công Nguyên, bị tản lạc khắp nơi trên thế giới, cho đến khi họ được trở về, chính thức tái lập quốc gia Do Thái vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, được Liên Hiệp Quốc công nhận. Từ năm 70 đến năm 1948, trong 1878 năm lưu lạc của người Do thái, đất nước của họ là một nơi hoang tàn, đổ nát, không phải là lãnh thổ của một quốc gia chính thức nào, chỉ là vùng đất ở dưới quyền cai trị của các thế lực mạnh mẽ đương thời, trong đó có Đế chế Ottoman thuộc ảnh hưởng Hồi giáo. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Đế chế Ottoman sụp đổ, nước Anh chiếm lấy quyền cai trị vùng đất này.

 Trong thời gian người Do Thái bị lưu đày, đất nước hoang vu đó cũng có người sinh sống. Họ là ai? Họ gồm ba nhóm người. Thứ nhất, đó là thiểu số người Do Thái nghèo khổ, không bị lưu đày, vẫn tiếp tục ở trong xứ. Thứ hai, họ là những người ngoại quốc, không phải Do Thái, đang cư ngụ tại xứ Do Thái, không bị lưu đày. Thứ ba, họ là các dân tộc lân bang thuộc nhóm Ả-rập, thấy nước Do Thái vườn không nhà trống nên dọn tới ở. Nhóm thứ hai và thứ ba là dân tộc Palestine như chúng ta biết ngày nay. Họ nói tiếng Ả-rập bản xứ, có nguồn gốc Ả-rập và theo Hồi giáo.

 Người Do Thái và người Palestine có truyền thống bất hòa lâu đời. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai bên gia tăng từ khi quốc gia Do Thái thành lập vào năm 1948. Người Palestine cho rằng họ đã sống ở nơi này lâu năm, nên đây là đất nước của họ. Người Do Thái cho rằng đất nước này là do Chúa ban cho họ đời đời, một lời hứa không hề thay đổi. Vả lại, với quyết nghị của Liên Hiệp Quốc công nhận quốc gia Do Thái vào năm 1948, họ có đầy đủ thẩm quyền về lịch sử và chính trị để xác nhận chủ quyền hợp pháp trên vùng đất này. Xung khắc hai bên càng căng thẳng khi người Palestine ở chung với người Do Thái có những động thái quân sự khủng bố gây khó khăn cho người Do Thái. Vì thế người Do Thái buộc phải cô lập và di dời người Palestine ra nơi khác, để không tiếp tục gây hại cho họ. Vào năm 2005, với sức ép từ bên ngoài, Do Thái buộc phải giao vùng phía Tây sông Jordan (vùng West Bank), và dãy Gaza cho người Palestine, nhưng Do Thái vẫn kiểm soát bầu trời, bờ biển, và biên giới. Người Palestine tranh đấu cho một quốc gia Palestine được thành lập. Tuy nhiên, thế giới chưa ủng hộ ý tưởng phức tạp này, ngoại trừ các quốc gia Ả-rập.

 Chiến sự giữa Do Thái và Palestine trở nên căng thẳng khi trong vùng Palestine nổi lên những nhóm khủng bố quá khích, thù nghịch với Do Thái và muốn tiêu diệt Do Thái. Hamas là một trong những nhóm đó. Hamas hiện nay là thế lực cầm quyền tại khu vực thuộc Palestine. Với tâm thế thù địch muốn loại trừ Do Thái, Hamas đã bất ngờ tấn công vùng miền Nam Do Thái, giết hại hàng ngàn thường dân và binh sĩ, bắt đi hơn 200 con tin. Động thái này khiến Do Thái tuyên chiến với Hamas và quyết liệt đáp trả để tiêu diệt mầm mống khủng bố.

 Người Do Thái là tuyển dân của Chúa. Trong muôn dân trên đất, Chúa đã chọn người Do Thái là dân tộc thuộc riêng về Ngài. Chúa gọi họ là “con trưởng nam” của Chúa. Họ có nhiều kẻ thù, là những người muốn tiêu diệt người Do Thái. Trong quá khứ, hiện tại, và cả tương lai, người Do Thái đã, đang, và sẽ trải qua nhiều khổ nạn, nhưng chắc chắn một điều là không ai có thể tiêu diệt được người Do Thái, vì Chúa bảo vệ họ. Khi Chúa Giê-xu đến trần gian, Ngài sinh ra làm người Do Thái. Chúa muốn dùng người Do Thái để truyền bá Phúc Âm cho thế giới, nhưng tiếc thay, người Do Thái đã từ chối Đấng Cứu Thế, từ chối nhiệm vụ Chúa giao phó. Vì thế, họ cứ bị hoạn nạn mãi, cho đến khi họ ăn năn, quay về cùng Chúa. Quốc gia Do Thái trải qua bao thăng trầm, đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới gần 2000 năm, thế mà họ vẫn sống, vẫn còn đó, vẫn tồn tại với văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, niềm tin của họ. Đó là điều lạ thường, chỉ bởi ơn Chúa, họ mới được như vậy.

 Chuyện kể rằng, một ngày kia, Đại đế Frederick của nước Phổ (Prussia) hỏi vị bác sĩ của mình hãy đưa ra bằng cớ chứng minh Đức Chúa Trời hiện hữu. Vị bác sĩ điềm tĩnh trả lời: “Tâu bệ hạ, đó là sự tồn tại của người Do Thái.” Đây cũng là điều khiến người Do Thái liên quan đến chúng ta và cả thế giới. Họ là chiếc đồng hồ của Đức Chúa Trời. Họ là vạch chỉ điểm trong chương trình của Đức Chúa Trời. Thời kỳ tận thế và sự tái lâm của Chúa Giê-xu sẽ xảy ra vào đúng cột mốc quyết định trong số phận người Do Thái. Nhiều lời tiên tri trong Thánh Kinh hé mở cho chúng ta một số dữ kiện, nhưng chính xác cột mốc đó là gì, xảy ra khi nào, chúng ta không biết, chỉ có Chúa biết.

 Do Thái là dân tộc chịu nhiều khổ nạn nhất trên thế giới. Ngay từ ngày lập quốc, Do Thái đã bị khối Ả-rập to lớn vây chung quanh, muốn nghiền nát xứ sở non trẻ này. Một đất nước chưa tới 10 triệu người, phải đối đầu với khối Ả-rập hơn 500 triệu người. Họ trở thành biểu tượng của câu ca dao Việt Nam: “Nực cười châu chấu đá xe, Tưởng rằng chấu ngã, nào dè xe nghiêng.” Khối Ả-rập là hậu thuẫn vững chắc, là đồng minh kiên định của người Palestine, cùng hợp sức nhau để hủy diệt đất nước nhỏ bé này. Người Do Thái thông minh, quả cảm, sẽ chiến đấu mãnh liệt để bảo vệ dân tộc và xứ sở của họ.

 Các đế quốc trên thế giới, hưng, rồi phế. Các cường quốc hiện đại, thịnh, rồi suy. Ai nấy như diễn viên, thay phiên nhau xuất hiện chốc lát trên sân khấu cuộc đời trong vai trò của mình. Khi vai diễn kết thúc, họ lui vào. Quốc gia Do Thái sẽ tồn tại lâu dài trong chương trình của Chúa. Tuy nhiên, chỉ có một vương quốc sẽ trường tồn mãi mãi, đó là Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Một ngày kia, Chúa sẽ đến, xóa sạch tội lỗi, tiêu diệt mọi thế lực gian ác, thành lập Vương Quốc của Ngài. Chúng ta hồi hộp theo dõi tình hình chiến sự khắp nơi, hãy biết rằng, tất cả chỉ là tạm thời, dù là chiến tranh hay hòa bình. Chỉ khi Vương Quốc của Chúa được thiết lập, lúc ấy mới có hòa bình vĩnh cửu.

 Trong Mùa Giáng Sinh và Năm mới, thay vì lo lắng cho số phận thế giới và con người, ước mong Bạn mở lòng đón nhận Chúa Cứu Thế để được gia nhập Vương Quốc trường tồn của Chúa.

Bình Minh

(www.hoithanhvuonnhoaz.com)

Hãy Trả Lại Ý Nghĩa Thật Của Cái Cầu Vồng

(Bài viết bởi MS. David B Lê)

Tôi đã chán ngấy với việc “cướp” biểu tượng giao ước hòa bình của Đức Chúa Trời được tạo ra sau điều mà Kinh thánh gọi là “trận đại hồng thủy”, muốn đánh thức các Cơ đốc nhân khỏi giấc ngủ thờ ơ và “đòi lại cầu vồng” từ những người sử dụng biểu tượng để kêu gọi chống lại luật Chúa trong Kinh thánh, đặc biệt là định chế hôn nhân – đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới.

Continue reading “Hãy Trả Lại Ý Nghĩa Thật Của Cái Cầu Vồng”