Truyền Cảm Hứng Đức Tin Cho Thế Hệ Tiếp Theo

Bài: Tim Keller; dịch: Ruth (Nguồn: thegospelcoalition.org)

Không thể quy hết trách nhiệm cho một thế hệ khi những người đi trước đã không chuyển giao được đức tin cho thế hệ tiếp nối.

Có phải là do thế hệ trước đã không đủ mạnh để tiếp cận, hay do thế hệ sau quá cứng lòng? Đáp án thường là cả hai. Sai lầm của một thế hệ Cơ Đốc thường được phóng đại lên trong thế hệ tiếp theo, là thế hệ chỉ mang danh Cơ Đốc.

Cam kết được thay thế bằng sự tự mãn – và sau đó là sự thỏa hiệp.

Một ví dụ thú vị là New England thời kỳ đầu. Gần như tất cả những người định cư đầu tiên vào năm 1620 đến 1640 đều là những Cơ Đốc nhân trưởng thành, tin kính. Nhưng đến năm 1662, thế hệ đầu tiên đó nhận ra rằng nhiều con cháu của họ chỉ là tín đồ trên danh nghĩa – chỉ mang danh Cơ Đốc. Cuối cùng, họ đã lập ra một “Giao ước trung dung”, cho phép trẻ sơ sinh được làm báp-têm dù cha mẹ chúng không phải là thuộc viên của Hội Thánh.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4–9 và 6:20–25 dạy về điều này. Chúng dạy cho chúng ta biết cần phải làm gì để chuyển giao đức tin cho con cháu mình.

1. Yêu Chúa thiết tha

Chúng ta phải hết lòng kính mến Đức Chúa Trời, ghi lòng tạc dạ những điều răn Ngài (c. 6). 

Điều này có nghĩa là chúng ta đừng giả hình hoặc thiếu nhất quán trong hành động. 

Đừng vâng giữ các điều răn một cách máy móc hay chỉ vâng giữ một phần; mà phải để Đức Chúa Trời có toàn bộ ảnh hưởng trên đời sống chúng ta.

“Lớp trẻ nhạy cảm với bất kỳ sự không nhất quán nào. Đó là lý do trước nhất khiến thế hệ trẻ xây bỏ khỏi đức tin của thế hệ cha ông”.

Lớp trẻ nhạy cảm với bất kỳ sự không nhất quán nào. Đó là lý do trước nhất khiến thế hệ trẻ xây bỏ khỏi đức tin của thế hệ cha ông. 

Ví dụ như cách các thanh niên thời Baby Boomer đã rời bỏ Cơ Đốc giáo chính thống sau khi họ nhìn thấy các Hội Thánh ngấm ngầm hoặc thậm chí tích cực ủng hộ các chính sách và thực hành phân biệt chủng tộc, và nhiều Hội Thánh chính thức lại phản đối phong trào dân quyền.

2. Gây ấn tượng với những lẽ thật thực tế

Chúng ta phải áp dụng Phúc Âm một cách thực tế, chứ không chỉ là lý thuyết hay trừu tượng. Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7 không dành cho các bài giảng thông thường về gia đình. Mà các từ “ngồi . . . ra ngoài. . . đi ngủ và . . . thức dậy” đề cập đến các sinh hoạt hàng ngày.

Vậy nên, sự dạy dỗ về lẽ thật của Đức Chúa Trời không phải là một loạt các bài giảng và lớp học; mà chúng ta phải “gây ấn tượng” với những lẽ thật về Chúa bằng cách liên hệ Chúa cách cụ thể vào trong đời sống hàng ngày. 

Đây là lời kêu gọi để trở nên khôn ngoan và sâu sắc khi các giá trị và phẩm hạnh của Phúc Âm ảnh hưởng rõ ràng đến các quyết định và ưu tiên của chúng ta.

3. Chia sẻ lời chứng cá nhân

Các câu 20–25 cho chúng ta biết phải liên kết giáo lý đức tin với công tác cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. 

Chúng ta phải chia sẻ lời chứng cá nhân về sự khác biệt mà Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, thể nào Ngài đã đem chúng ta ra khỏi cảnh nô lệ để đến với tự do: “Ngày xưa chúng ta là nô lệ . . . nhưng Đức Giê-hô-va đã đem chúng ta ra khỏi xứ ấy”. 

Chúng ta không chỉ nói về niềm tin và cách hành xử, mà còn về kinh nghiệm cá nhân của chúng ta với Chúa. 

Chúng ta phải cởi mở về những tranh chiến của mình hầu cho được tăng trưởng và thánh sạch nhờ đời sống ăn năn. 

Chúng ta đừng quá hình thức và xa rời thực tế khi bày tỏ đức tin mình.

“Chúng ta [lầm to khi] cho rằng chỉ cần dạy con mình giáo lý đúng, bảo vệ chúng khỏi những hành vi vô luân, đem chúng đến với Hội Thánh và các tổ chức tôn giáo, thì chúng ta xong trách nhiệm”.

Tóm lại, chúng ta phải nhất quán trong lối hành xử, khôn ngoan trong đời sống thực và nóng cháy trong đức tin mình. 

Lịch sử và kinh nghiệm đều cho chúng ta biết rằng ba điều này là khó thực hiện đối với phần đông. 

Phần đông các Cơ Đốc nhân dựa vào các tổ chức mục vụ và tài liệu chính thức để “chuyển giao đức tin”. 

Chúng ta cho rằng chỉ cần dạy con mình giáo lý đúng, bảo vệ chúng khỏi những hành vi vô luân, đem chúng đến với Hội Thánh và các tổ chức tôn giáo, thì chúng ta xong trách nhiệm. 

Song lớp trẻ xa cách Chúa không chỉ bởi những gương xấu, mà còn bởi các bậc cha mẹ không am hiểu về cuộc sống và thế giới mà con họ đang sống, hoặc chính họ không thể cởi mở về đời sống thuộc linh của mình. 

www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.