SỰ GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA CÁC SÁCH PHÚC ÂM CỘNG QUAN NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?

Trước tiên gọi 4 sách Phúc âm là các sách Cộng quan (Synoptic Gospels) là vì có nhiều tương đồng, nhiều câu chuyện giống nhau hơn là khác nhau, đặc biệt ở 3 sách Phúc âm đầu tiên. Từ “cộng quan” bắt nguồn từ từ tiếng Hy Lạp là Syptikos, có nghĩa là “có thể được nhìn thấy cùng nhau.”

1. Sự giống nhau của của 3 sách cộng quan đầu tiên, hay là vấn đề của sách cộng quan (Synoptic Problem)

Các sách Phúc âm của Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca trong Tân Ước, trình bày những tường thuật tương tự về cuộc đời và cái chết của Chúa Giê-xu Christ. Kể từ những năm 1780, ba cuốn sách đầu tiên của Tân Ước đã được gọi là Phúc Âm Cộng Quan (hay Tin Mừng Nhất Lãm) vì chúng rất giống nhau về cấu trúc, nội dung và cách diễn đạt, chúng có thể dễ dàng đặt cạnh nhau để so sánh khái quát về nội dung của chúng. (Phúc âm Theo Giăng có một cách sắp xếp khác và đưa ra một cái nhìn hơi khác về Đấng Christ.) Những điểm tương đồng nổi bật giữa ba sách Phúc âm đầu tiên gợi lên những câu hỏi liên quan đến mối quan hệ văn học thực sự tồn tại giữa chúng. Câu hỏi này, được gọi là Vấn đề của sách cộng quan, đã được nghiên cứu công phu trong thời hiện đại[1].  

Phúc âm Giăng dù được liệt vào sách cộng quan nhưng có hơn 90% nguồn dữ liệu của sách không được tìm thấy trong bất kỳ sách nào trong ba sách phúc âm khác. Trong khi có hơn 90% dữ liệu xuất hiện trong Ma-thi-ơ hoặc Lu-ca, và trong nhiều trường hợp cách diễn đạt không thay đổi hoặc cùng một cách kể và tường thuật (xem câu chuyện Chúa và con trẻ trong 3 sách Ma-thi-ơ 19:13-14; Mác 10:13-14; Luca 18:15-16) [2]. Một số học giả cho rằng Phúc Âm Mác được viết trước tiên và các sách còn lại hầu hết đều dựa theo câu chuyện của Mác (như là một nguồn dữ liệu) và được thuật lại dưới góc nhìn của từng tác giả (trong khi Augustine thì cho rằng Mác và Luca dựa vào Phúc Âm Ma-thi-ơ)[3]

Các học giả và nhà nghiên cứu Kinh Thánh từ đầu đã đặt câu hỏi liệu Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca có sao chép lẫn nhau? (copy) Tại sao chúng ta lại có những điểm tương đồng như vậy giữa ba cuốn sách này? và họ gọi đó là Các vấn đề của sách cộng quan (Synoptic problem).

Một số học giả đã gợi ý rằng tất cả họ đều sử dụng tài liệu từ một thứ được gọi là Nguồn Q (Q Source). Nguồn Q là một tài liệu giả định đầy truyền khẩu, v.v. có thể đã cung cấp cho những người viết phúc âm không phải nhân chứng, chẳng hạn như Lu-ca, một số tường thuật trực tiếp về thánh chức của Chúa Giê-xu. Tất nhiên, lý thuyết này không phải là không có vấn đề của nó[4].

Từ đây có thêm những khẳng định tác giả của 3 sách cộng quan đầu tiên là nhân chứng về Chúa Giê-xu là chính yếu để tường thuật về Chúa Giê-xu cho dù họ có truy cập vào nguồn Q nào đó để có dữ liệu và dành rất nhiều thời gian để biên soạn lời tường thuật của mình như một nhân chứng để cung cấp một câu chuyện phúc âm chính xác (Lu-ca 1: 2).[5]

Có ý kiến cho rằng dù 3 sách cộng quan giống nhau nhưng có sự tường thuật không khớp nhau. Chẳng hạn như những người phụ nữ chứng kiến sự sống lại ngay lập tức nói với các môn đồ trong Ma-thi-ơ 28:8, nhưng dường như họ không nói với ai trong Mác 16: 8. Tuy nhiên bằng chứng này lại giúp cho chúng ta thấy 3 tác giả đã đưa ra những chi tiết khác nhau về các sự kiện. Đây không phải là sự mâu thuẫn nhưng ngược lại nó cho thấy những người viết phúc âm đã không sao chép nhau từng chữ một.

2. Tại sao Phúc âm của Giăng lại khác biệt so với 3 sách cộng quan khác?

Nếu những tác giả viết sách Phúc âm thực sự làm việc độc lập với nhau, thì tại sao Giăng lại đưa ra thông tin về chức vụ của Chúa Giê-xu mà chúng ta không thấy trong ba bản tường thuật khác?

Chúng ta nên xem xét thời điểm các sách phúc âm được viết. Mặc dù một số học giả đã cố gắng đẩy lùi niên đại của các sách Phúc âm đến năm 90 sau Công nguyên (thay vì khoảng năm thứ 70)

– Ma-thi-ơ: Khoảng 41-50 sau Công nguyên

– Mác: Giữa năm 41-55 sau Công nguyên

– Lu-ca: 60-65 sau Công Nguyên

– Giăng: Khoảng trước năm 70 sau Công nguyên

Qua số liệu ở trên, chúng ta thấy dường như Giăng có nhiều thời gian nhất để biên soạn phúc âm của mình. Có khả năng, trước năm 70 sau Công nguyên, ông đã đọc ba câu chuyện Phúc âm và nhận thấy những khoảng trống hoặc những câu chuyện khác mà ông muốn đưa vào (Giăng 21:25).

Luca có thể đã truy cập vào hai sách Phúc âm trước đó và đưa các thông tin hay dữ liệu vào Phúc âm của mình. Chúng ta phải ghi nhớ rằng mỗi tác giả có một nét tinh hoa văn chương khác nhau. Luca vốn là một bác sĩ và rất tỉ mỉ, ông muốn thực hiện đúng nghiên cứu theo khả năng của mình. Chúng ta có thể coi phúc âm của Lu-ca giống như một tác phẩm học thuật hơn (vì vậy ông muốn những câu chuyện của mình có những điểm tương đồng với hai câu chuyện đầu tiên). Sau cùng là Phúc âm theo Giăng với nhiều công sức và khác biệt hơn để dành cho độc giả sau đó.        

3. Tóm lại

Bốn sách Phúc Âm chúng ta có trong một thể thức văn chương riêng biệt. Klijn quả quyết rằng: “Các sách ấy không thể nào so sánh với bất cứ thể loại văn chương nào trong thế giới Hy Lạp”. Mặc dù các Phúc Âm thuật lại câu chuyện của một người trong lịch sử, nhưng không có tiểu sử theo một ý nghĩa hiện đại của từ ngữ này. Các Phúc Âm đã không có một sự ghi chép quân bình về đời sống của Chúa Giêxu người Na-xa-rét, nhưng lại tập trung đến những biến cố liên quan đến sư chết và sự sống lại của Ngài. Và chỉ có một Phúc Âm ghi chép lại một biến cố đặc biệt trong giai đoạn thơ ấu của Chúa Giêxu (Luca 2:40-52). Họ đã bỏ qua ba mươi năm của đời sống Chúa Giê-xu mà không ai có thể biết được. Người ta cho rằng chức vụ của Chúa Giêxu kéo dài ba năm rưỡi nhưng các biến cố đặc biệt đã được ghi chép lại một cách cụ thể xảy ra khoảng năm mươi ngày. Chỉ có tuần lễ cuối cùng cuộc đời của Ngài được kể lại tương đối đầy đủ. Rõ ràng là những người viết Phúc Âm không có ý định kể lại tất cả các sự kiện lịch sử có thể biết được về Chúa Giêxu (so sánh GiăngGa 20:30, 21:25). Không có lý do nào xác đáng để cho rằng tác giả không biết được một biến cố nào đó vì ông ta không đưa vào bản tường thuật của mình.

Bản tường thuật các Phúc Âm tương đối ít chú tâm đến các bối cảnh lịch sử đồng thời bên ngoài hoàn cảnh chung quanh của Chúa Giêxu. Họ không mô tả hình thức bên ngoài của Ngài thí dụ như quần áo của Ngài. Họ cũng không đề cập đến những ảnh hưởng khác nhau tác động trên những năm hình thành tính cách của Ngài lúc còn nhỏ, hoặc phản ứng của Ngài đối với những ảnh hưởng đó. Dĩ nhiên các sách Phúc Âm không được liệt kê vào các tiểu sử theo một ý nghĩa hiện đại của từ ngữ này[6].

4. Kết luận

Chúng ta vừa đi tìm những câu trả lời cho sự “giống nhau” của các sách cộng quan nhiều hơn là  sự “khác nhau”. Ngành phê bình Kinh Thánh và lịch sử khảo cổ học đã giúp Cơ Đốc Giáo có thêm bằng chứng cho tính logic và hợp lý của Kinh thánh chứ không làm điều ngược lại. Bốn sách Phúc âm cộng quan là một viên kim cương nhiều mặt để chúng ta hiểu biết về cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giê-xu nhìn từ ít nhất từ 4 nhân chứng đã từng ở với Chúa Giê-xu và rất nhiều nhân chứng khác đã được Ma-thi-ơ, Mác, Luca và Giăng ghi lại ở các thời điểm khác nhau, góc nhìn khác nhau. Chắc chắn sách Giăng đã cho chúng ta thấy mục đích và chương trình của Đức Chúa Trời qua Giăng là người cuối cùng để hoàn thành Phúc âm của mình trong sự cân nhắc của ông khi viết, đưa vào những yếu tố mới, nhất là sự mặc khải của Đức Chúa Trời và lẽ đạo Ngài qua sự cứu rỗi trong Đức Chúa Giê-xu cho nhân loại chúng ta.

Mục sư David Giang-Đông

(HTTL Báp-tít Vườn Nho Arizona, 02/2022)


[1] Britannica, The Editors of Encyclopaedia. “Synoptic Gospels”. Encyclopedia Britannica, Invalid Date, https://www.britannica.com/topic/Synoptic-Gospels. Accessed 22 February 2022.

[2] Zondervan Academic, “ What Are the Synoptic Gospels, and Where Do They Come From?” https://zondervanacademic.com/blog/synoptic-gospels Accessed 22 February 2022.

[3] Ibid.,

[4] Hope Bolinger, “What Are The Synoptic Gospels”. 21 Feb 2020. Online: https://www.christianity.com/wiki/bible/what-are-the-synoptic-gospels.html (Accesed 22/02/2022)

[5] Ibid.,

[6] Phúc Âm Cộng Quan. https://sites.google.com/site/codocnhandn/kinh-th%C3%A1nh/tra-c%E1%BB%A9u/ph%C3%BAc-%C3%A2m-c%E1%BB%99ng-quan?authuser=0 (Accessed 22/02/2022)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.