Lịch sử hình thành bản thánh ca : Lớn Bấy Duy Ngài

LỊCH SỬ CỦA SỰ HÌNH THÀNH BÀI THÁNH CA NỔI TIẾNG « HOW GREAT THOU ART » – « LỚN BẤY DUY NGÀI »

Thưa quý vị, nếu chúng ta hỏi rằng bài thánh ca nào được cả thế giới biết đến nhiều nhất trong nhiều thập niên qua, thì chắc chắn câu trả lời phải là bài « How Great Thou Art ». Hầu hết cơ-đốc nhân Việt Nam đều quen biết bài này dưới tên gọi là « Lớn Bấy Duy Ngài », được in trong quyển Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, bài số 513.

Khi bài hát được hát lên, chúng ta có thể hình dung ra cảnh đồi núi chập chùng, cảnh thung lũng với những dòng suối nhỏ nước chảy róc rách, những cánh đồng cỏ xanh tươi được phủ bóng mây trắng, những khu rừng bí hiểm và những đêm tối với bầu trời đầy sao…. Khi bài hát được hát lên, chúng ta có thể dễ dàng hòa lòng mình theo giai điệu ngọt ngào và trầm bổng của dân ca Thụy Điển. Phải, bài thánh ca này mang giai điệu của dân ca Thụy Điển. Thế nhưng, bài đã được chuyển ngữ qua nhiều thứ tiếng khác nhau, được hát lên trong giờ thờ phượng Chúa ở những quốc gia khác nhau.
Thật là một bài hát đặc biệt !

Bài thánh ca này được sinh thành từ một bài thơ của ông Boberg, mục sư người Thụy Điển. Ông đã viết bài thơ này vào năm 1885, vào thời điểm ông tận mắt chứng kiến một cơn bão lớn và sự tĩnh lặng êm đềm lạ lùng, đến theo sau cơn bão ấy.

Mời quý vị đi ngược lại dòng thời gian để khám phá ra lịch sử của bài thánh ca này nhé.

1. Lớn Bấy Duy Ngài – Lịch sử của bài thánh ca
Lịch sử của bài thánh ca « Lớn Bấy Duy Ngài » được bắt đầu với ông Carl Gustaf Boberg (1859-1940). Ông là một mục sư người Thụy Điển, là biên tập viên, và là hội viên của Nghị Viện Thụy Điển. Lúc bấy giờ, ông đang thưởng thức một buổi đi dạo thì thình lình, một cơn bão lớn ập tới từ đâu đó. Gió mạnh bắt đầu thổi. Sau khi cơn bão đã qua, ông Boberg từ trên cao nhìn xuống thấy cảnh vịnh trong lành, kế theo, ông nghe xa xa có tiếng chuông nhà thờ đổ… Và thế là, những lời về « Lớn Bấy Duy Ngài » bắt đầu hình thành trong lòng ông – Ô Chúa, Thượng Đế của con, khi con ở trong điều lạ lùng tuyệt vời này, xem xét vạn vật do tay Ngài làm ra… Quý vị có thể tưởng tượng Boberg đang cảm nhận điều gì trong lòng khi ông nghĩ ra những lời này không ? Phải có một sự yên tĩnh đặc biệt như thế nào đó sau trận cuồng phong để đến nỗi ông chỉ có thể thốt ra những lời bình an như vậy…
Bài thơ này được đặt tên « Ô Thượng Đế vĩ đại », đã được đăng lên vào năm 1891 trong tờ « Chứng cớ về Sự thật », một tờ báo hàng tuần mà Boberg đã biên tập. Sau đó, bài thơ được dịch sang tiếng Đức. Vào năm 1927, bài thơ được phát hành với bản dịch bằng tiếng Nga, là bản được dịch từ bản tiếng Đức.

2. Lớn Bấy Duy Ngài – Được chuyển ngữ bởi Stuart K. Hine
Stuart K. Hine, một giáo sĩ người Anh đến sống tại Ukraine, đã tìm thấy bài thơ bằng tiếng Nga và ông đã hát bài này với vợ của ông trong một buổi họp truyền bá Phúc Âm. Sau đó, ông liền chuyển ngữ ba đoạn đầu của bài hát sang tiếng Anh, bài hát này đã được hát trong một cuộc hội họp truyền bá Phúc Âm tại Anh Quốc đang trong thời Thế Chiến thứ Nhất.
Vào năm 1949, ông cho đăng ba đoạn đầu của bài hát vào tờ « Ân điển và Bình an », một tờ báo truyền bá Phúc Âm cho người Nga do chính ông Hine biên tập. Sau đó, ông đã viết thêm đoạn thứ tư cho bài hát như là một thông điệp vui mừng của một đời sống vĩnh cửu.
Về điểm trọng yếu của bài thánh ca, ông nói : « Khi chúng ta chạm được đến quê hương trên trời, chúng ta sẽ hiểu được sự vĩ đại của Thượng Đế một cách trọn vẹn, và sẽ cúi xuống trong sự thờ phượng khiêm nhường, thưa với Ngài rằng : Ô Chúa, Thượng Đế của con, Ngài thật vĩ đại thay ! Mong cho tất cả chúng ta đây đều sống trong một cách như thế để chúng ta sẽ sẵn sàng khi Cứu Chúa Giê-xu hiện ra để đón những thánh đồ. Nhà trên trời đang chờ đợi chúng ta, là những ai đã vâng lời tiếp nhận Cứu Chúa ».

Tiến sĩ J. Edwin Orr thuộc Fuller Theological Seminary là người mà, người ta cho rằng, đã mang bài thánh ca này đến nước Mỹ. Sau khi đã nghe bài thánh ca được hát bằng tiếng Ấn độ, ông đã giới thiệu bài này cho nhiều nhóm Cơ-đốc khác nhau ở bên Mỹ.

Vào năm 1954, tiến sĩ Cyrus Nelson thuộc Gospel Light Publication đã giữ được quyền tác giả và đã cho phát hành bài hát.

3. Lớn Bấy Duy Ngài – Được hát bởi George Beverly Shea
Vào năm 1954, George Beverly Shea đã hát bài thánh ca « Lớn Bấy Duy Ngài » tại buổi truyền giảng London Crusade, thuộc đội truyền bá Phúc Âm của Billy Graham. Sau đó, tại một Chiến dịch của Billy Graham ở New York, ông lại hát bài này hơn cả trăm lần trong suốt thời gian của cuộc phấn hưng tại đây. Điều này đã làm cho bài thánh ca lại nhận được sự chú ý mới tại Thụy Điển và tại Mỹ, và bài đã được đăng lên trong một số quyển sách bài hát.

Ngày nay, hàng triệu người ngang dọc khắp thế giới đều tiếp tục hát bài hát hay này. Hãy dâng lên cho Đức Chúa Trời mọi lời ngợi khen, vinh hiển và tôn kính vì Đấng mà Ngài là – chính là Đấng Sáng Tạo vũ trụ này.

4. Lớn Bấy Duy Ngài – Lời bài hát
• Câu 1
Khi xem muôn vật do tay Chân Chúa sáng tạo chúng,
Cứu Chúa của tôi, lòng cảm xúc bao kinh sợ.
Tôi xem sao trời, tôi nghe muôn tiếng sấm rền nổ,
Khắp khắp đó đây, quyền của Chúa ôi vô bờ.

Điệp khúc
Hồn ngợi khen Chúa, Cứu Chúa tôi Đức Chúa Trời,
Lớn bấy duy Ngài, quyền bính thay Ngài!
Hồn ngợi khen Chúa, Cứu Chúa tôi Đức Chúa Trời.
Duy Ngài đại năng, cao cả quyền oai.

• Câu 2
Tôi vô sâu rừng muôn cây chen chúc cỏ mọc xanh,
Ríu rít tiếng chim mừng hót khúc ca thanh bình.
Khi tôi lên ngọn non cao trông xuống dưới vực thẳm,
Suối róc rách reo, hòa tấu khúc ca êm đềm.

• Câu 3
Khi tôi suy nghiệm: Cha sai Con giáng thế chịu chết,
Đã chẳng tiếc Con Ngài phó cả cho tôi rồi.
Ôi ơn sâu rộng xưa tôi đâu nghĩ đến dường ấy.
Chúa chết huyết tuôn vì gánh thế tôi muôn tội.

• Câu 4
Khi Christ lai hồi vang vang muôn ức tiếng tụng tán,
Đến tiếp rước tôi về với Chúa trên thiên đàng,
Tâm tôi vui mừng, khiêm nhu cung kính bái phục mãi,
Ở đó chúc tôn Ngài lớn bấy ơn tuôn tràn.

Nguồn: https://www.allaboutgod.com/how-great-thou-art.htm

Nghe bài hát “How Great Thou Art”: https://youtu.be/tXQpDDcrN-w

Nghe bài hát “Lớn Bấy Duy Ngài”: https://youtu.be/wzA9D86pd64

Kính thưa quý vị,

Trong Kinh Thánh, sách Thi-Thiên chương thứ 104 đã mô tả vô cùng sống động về các công việc Đức Chúa Trời làm trong thiên nhiên, và cho thiên nhiên. Chương được mở đầu bằng lời tuyên bố của vua David: “Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Hỡi Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, Chúa thật lớn lạ kỳ. Mặc sự sang trọng và oai nghi!” Khi đọc tiếp những câu sau của chương này, quý vị sẽ thấy dường như mình đang được lời Chúa đưa dẫn vào trong một bức tranh khổng lồ mô tả cảnh thiên nhiên: Ngài mời quý vị quan sát, xem xét mỗi một góc cạnh của bức tranh này để thấy rằng không có điều chi trong thiên nhiên mà có thể thoát ra khỏi quyền điều khiển của Chúa, Đấng Sáng Tạo : Ngài cai trị cả vũ trụ bằng sự khôn ngoan, sức mạnh, và sự hào phóng của Ngài.
Càng bước sâu vào trong bức tranh thiên nhiên này, quý vị sẽ càng nhận thấy sự vĩ đại, sự oai nghi, sự sang trọng, sự tinh tế và quyền năng của Chúa : sự thật về Ngài và sự sống động của Ngài được Ngài bày tỏ ra qua thiên nhiên thật rất rõ ràng !

1000 năm sau thời của Vua David, vào thế kỷ đầu của thời chúng ta, Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định rằng : “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài.” (Kinh Thánh, sách Rô-ma 1.19-20)

Thưa quý vị, lời Kinh Thánh cho chúng ta biết : Chúa dùng thiên nhiên để bày tỏ chính Ngài ra cho con người, mục đích là để cho con người biết Ngài – Đấng Sáng Tạo là vĩ đại như thế nào để kính sợ Ngài và thờ phượng Ngài.

Chúa ban cho mỗi một chúng ta một tâm hồn rất nên thơ, một tình cảm rất dịu dàng, và một sự nhận thức rất nhạy bén. Mục đích của sự ban cho này, trên hết tất cả, là để cho chúng ta có thể nhận biết được sự hiện diện cùng bản chất và quyền năng của Chúa qua thiên nhiên.

Khi chúng ta đối diện với phong cảnh thiên nhiên và những hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên : cho dù là tiếng suối róc rách hay tiếng thác đổ ầm ầm ; những con sóng lăn tăn dễ thương hay những ngọn sóng thần khủng khiếp ; tiếng gió thổi dịu dàng hay tiếng sấm nổ vang rền ; ánh hoàng hôn lộng lẫy hay chớp nhoáng trong giông bão… cho dù là thấy cảnh nào hay hiện tượng nào của thiên nhiên, cho dù là chúng ta cảm thấy dễ chịu hay kinh-sợ, Chúa muốn chúng ta xem xét mọi điều Ngài làm để cúi đầu thuận phục Ngài hoàn toàn.

Ba tháng hè đang chào đón chúng ta. Chúng ta sẽ có một ít (hoặc nhiều) thời gian để đi nghĩ hè, có dịp tiếp cận với thiên nhiên trong thư nhàn. Thân mời quý vị dành thời giờ suy gẫm Kinh Thánh, chương 104 của sách Thi-Thiên trong khi suy xét những công trình cùng công việc của Đấng Sáng Tạo làm trong thiên nhiên.

Nếu quý vị đã tin nhận Chúa rồi, thì hãy hát, hãy dâng lên cho Chúa lời ngợi khen và lời hứa nguyện: Đức Chúa Trời ôi, Ngài thật vĩ đại dường bao, Ngài thật quyền năng thay, Ngài thật đáng được tôn thờ biết bao! Trọn đời con sẽ sống khiêm nhường trước mặt Ngài trong khi chờ đợi Chúa Giê-xu tái lâm để mang con vào sự sống đời đời.

Nếu quý vị chưa tin nhận Chúa, thưa quý vị, việc thấy và thừa nhận rằng Đấng Sáng Tạo là vĩ đại, là tồn tại và sống động vẫn không đủ để mang quý vị vào sự sống đời đời.
« Thấy và thừa nhận » là một điều khởi đầu Chúa ban cho quý vị để từ đó, quý vị đi đến bước kế tiếp, là bước mà quý vị phải quyết định : phải tin đến danh Con của Ngài – Giê-xu, tin vào công việc cứu rỗi Giê-xu đã làm trên Thập tự giá, nhận Giê-xu làm Chúa Cứu rỗi cho chính mình.

Ước mong quý vị đọc và tin vào lời Chúa viết trong Kinh Thánh. Việc vĩ đại nhất, quyền năng nhất mà Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo đã làm trong thiên nhiên đó là Ngài đã làm cho sống lại một Con Người đã chết trên thập tự giá, đã bị chôn trong mộ ba ngày. Người đó tên Giê-xu, có thân thể bằng xương bằng thịt như chúng ta, nhưng lại là một Con Người đặc biệt duy nhất : là Con của Đức Chúa Trời và có Thần tánh của Đức Chúa Trời. Lời trong Kinh Thánh viết : “Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó.” (Sách Công-vụ các Sứ-đồ, đoạn 2, câu 24)

Bởi quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời, Ngài đã khiến cho Giê-xu được sống lại một cách khải hoàn. Lời Kinh Thánh gọi đó là “quyền phép sự sống lại của Ngài” (viết trong sách Phi-líp, đoạn 3, câu 10).

Sự sống lại của Giê-xu đã mang lại sự trông cậy vào sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài. Lời Kinh Thánh viết : “…tới ngày Đấng Christ (Cứu Chúa) đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại.” (Sách Cô-rinh-tô thứ I, đoạn 15, câu 23)

Đó là lý do vì sao, trong bài hát « Lớn Bấy Duy Ngài », trong khi nội dung của câu 1 và câu 2 là tập trung vào sự ngợi khen quyền năng Chúa cai trị trên thiên nhiên, thì tiếp theo, nội dung của câu 3, câu 4 và phần điệp khúc là tập trung vào sự ngợi khen quyền năng cứu rỗi của Chúa làm cho con người. Vì chỉ khi nào quý vị nhận Giê-xu là Cứu Chúa, thì khi đứng trước sự Đức Chúa Trời bày tỏ về Ngài qua thiên nhiên, quý vị mới có thể cúi đầu khiêm nhường trước quyền năng vĩ đại của Ngài với đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa : Đức Chúa Trời tôi là Đấng Cứu rỗi tôi, là Đấng Sáng Tạo có quyền năng vô biên, sẽ làm cho tôi được sống lại để sống đời đời vào ngày Chúa Giê-xu trở lại.

Thương chúc quý vị trải qua những ngày hè bình an, vui tươi, thỏa lòng trong sự nhận biết Cứu Chúa Giê-xu.

Thương mến

(Phương Tâm – Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Paris 2018)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.