Như Cây Tre

NHƯ CÂY TRE

“Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau.
Bóng tre ru bên mấy hàng cau.
Đồng quê mơ màng! (Làng Tôi –Chung Quân)

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc,
Nước gương trong soi tóc những hàng tre” (Tế Hanh)Cây tre gắn bó với nước Việt Nam, với người Việt Nam, đó là lý do khi tôi có dịp đi xem những thắng cảnh ở miền Nam California như San Diego Zoo, Huntington Library, được nhìn ngắm những bụi tre cao to được trồng ở những nơi này, tôi rất ngạc nhiên và thích thú. Tôi không ngờ ở Hoa Kỳ lại có những bụi tre to và đẹp như vậy.

Là người Việt, tôi bị lôi cuốn khi thấy những thứ mang sắc thái Việt Nam. Cây tre mang sắc thái đặc biệt Việt Nam, và rất đặc biệt đối với tôi vì khi nhỏ tôi từng sống nhiều năm ở vùng quê. Cây tre nhắc tôi nhớ lại những kỷ niệm thời ấu thơ và quê hương tôi.

Cây tre gần gũi với người Việt vì nhiều người Việt từng sống trong làng có lũy tre, ở trong những căn nhà làm bằng tre, trong vườn sau nhà có bụi tre. Tre là loại cây rất hữu ích, được dùng làm nhiều thứ như làm nhà, ống máng dẫn nước, bàn, ghế, giường chõng, thúng, đòn gánh, rổ, sàng, rế lót nồi, quạt nan, bồ lúa, bừa, cào, vó bắt cá, cần câu, đôi đũa, cây tăm… Tre non hay măng được chế biến ra nhiều món ăn ngon, còn tre khô và rễ nó dùng làm củi đốt.

Tôi thích cây tre hơn hết vì nó có những đặc điểm tương hợp với niềm tin và cốt cách Cơ Đốc nhân. Tre mọc thẳng, vươn cao cứng cáp thích hợp để mô tả phẩm chất công bình, ngay thẳng, cam kết, quyết tâm, trung tín của con cái Đức Chúa Trời.

Cây tre có khả năng đương đầu trước cuồng phong bão táp để tồn tại và phát triển. Nó nhẫn nhục oằn mình, trước gió to, bão lớn, để sau đó vươn mình đứng thẳng lên, biểu tượng cho phẩm chất nhẫn nhục, hiền lành, mềm mại của Cơ Đốc nhân.

Tre mọc từng bụi, từng khóm chứ không riêng lẽ từng cây, tiêu biểu tinh thần hiệp một, yêu thương, đùm bọc của con cái Chúa.

Đặc điểm nổi bật tôi thích nhất về cây tre là nó có thân rỗng. Sự trống không của thân tre mang ý nghĩa triết lý đặc biệt đối với người Á châu. Văn hóa người Á châu đề cao sự trống không. Triết học Đông phương là triết học về sự hư vô. Quan điểm về trống không và hư vô là tinh hoa của Đạo học. Theo Triết học Đông phương, Đạo là nguồn gốc sinh ra vạn vật. Bản chất của Đạo là hư vô, trống không. Lão Tử nói, “Đạo thì trống không, rót mãi không bao giờ đầy.” Bàn về con người, Lão Tử nói sự giàu có thật của con người không nằm ở chỗ tràn đầy nhưng ở chỗ trống không: “Tấm lòng có trống không mới giàu vô lượng, cho mãi mà không bao giờ cạn.” “Bậc thành nhơn không thủ giữ; càng vì người, mình càng thêm có; càng vì người, mình càng thêm nhiều.”

Người Đông phương coi sự trống không có giá trị hơn sự đầy ấp, bề bộn. Quan sát một căn nhà truyền thống của người Á châu, người ta không thấy có nhiều đồ đạt. Nhà của người Nhật hay người Hàn quốc không có bày biện nhiều đồ đạc trong nội thất. Một trong những ngôi đền nổi tiếng ở Tokyo ở Nhật là đền Ryo-an. Đền nầy được nhiều người biết đến vì có một sân vườn hầu như trống không. Trong vườn người ta không nhìn thấy gì ngoài cát trắng, những hòn sỏi, với vài tảng đá trơ trụi. Dù vậy, mỗi ngày có hàng trăm người đế đây để xem và tĩnh tâm.

Tôi thích đặc tính rỗng ruột của cây tre vì nó làm tôi liên tưởng về Chúa Cứu Thế Giê-xu và đời sống người tin theo Chúa. Chúa Cứu Thế là Đấng “đã làm cho mình trở nên trống không,” và tiến trình theo Chúa của Cơ Đốc nhân là một tiến trình từ bỏ, làm trống không chính mình, dành nhiều chỗ hơn cho Chúa trong đời sống mình.

Trong thư Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô luận về sự giáng sinh và sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên thập tự giá là hành động hạ mình, tự làm trống không, và thuận phục ý muốn Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ông viết: “Đức Chúa Giê-xu Christ vốn có hình Đức Chúa Trời, nhưng Ngài chẳng coi sự bình đẳng của mình đối với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, chính Ngài đã làm cho mình trở nên trống không, lấy hình tôi tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã tự hạ mình xuống, Chịu vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá” (Phi-líp 2:6-8).

Lẽ đạo về sự trống không (Kenosis) là một trong những lẽ đạo cao trọng của Cơ Đốc Giáo. Chúa Cứu Thế đã trút bỏ bản thể vinh quang của Ngài là sự vinh quang bình đẳng với Đức Chúa Trời. Ngài cầm quyền trên muôn vật nhưng Ngài từ bỏ địa vị của Ngài để trở thành một tạo vật Ngài đã tạo nên. Bằng cách làm trống không chính mình, Con Đức Chúa Trời đã mang lấy hình hài bé bỏng, yếu ớt của một hài nhi, sinh ra làm người trong chuồng chiên, máng cỏ, để phục vụ cho sự cứu rỗi của con người.
Người muốn tiếp nhận Chúa cần làm trống không chính mình bằng cách hạ mình xưng tội, ăn năn tội trước mặt Đức Chúa Trời, và tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào đời sống để được tái sinh làm con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12).

Tiếp tục làm cho mình trống không là tiến trình tăng trưởng trong sự nên thánh của người tin Chúa. Cơ Đốc nhân làm cho đời sống mình trở nên trống không theo gương của Chúa Giê-xu để Chúa có chỗ nhiều hơn trong đời sống trong mình. Giống như một cái bình đựng nước cần phải đổ hết nước ra để có chỗ trống, người tin Chúa cần một đời sống trống không bản ngã xác thịt và ý riêng để dành chỗ cho ý muốn của Chúa. Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh một người say rượu, thân thể bị rượu tác hại để mô tả một đời sống phước hạnh được điều động bởi Chúa Thánh Linh. Sứ đồ Phao-lô viết, “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18). Cơ Đốc nhân đầy dẫy Chúa Thánh Linh không có nghĩa là có thêm Chúa Thánh Linh, nhưng là một đời sống làm trống không bản ngã xác thịt và ý riêng nhường quyền cai trị đời sống của mình cho Chúa.

Chúa kêu gọi người theo Chúa phải từ bỏ chính mình để có thể theo Ngài (Ma-thi-ơ 16:24). Khi tre còn là măng non, ruột nó không rỗng, nhưng khi già thì rỗng ruột. Cũng vậy, đời sống Cơ Đốc nhân càng trưởng thành, càng trở nên giống Chúa thì cái tôi, bản ngã xác thịt, của chúng ta càng trở nên nhỏ đi và Chúa càng lớn lên trong đời sống chúng ta. Cái tôi của chúng ta chết đi để Chúa sống trong chúng ta. Đây chính là kinh nghiệm của Sứ đồ Phao-lô khi ông viết: “Tôi bị đóng đinh vào thập tự giá với Chúa Cứu Thế. Nay tôi sống, không còn là tôi nữa nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống trong thân xác, tức là sống trong đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và hiến chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20).

Trở nên giống như hình ảnh Chúa Cứu Thế Giê-xu là một mục đích của đời sống Cơ Đốc nhân (Rô-ma 8:29). Cha chúng ta ở trên trời muốn chúng ta trở nên giống Chúa Giê-xu trong sự hạ mình, từ bỏ và vâng phục (Phi-líp 2:8).

Tưởng nhớ sự thương khó và sự chết của Chúa Giê-xu, chúng ta nhớ sự từ bỏ, hạ mình, và vâng phục của Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã dâng chính mạng sống Ngài trên cây thập tự như một tế lễ sống và thánh để cứu chuộc chúng ta. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi chúng ta đáp ứng công ơn lớn lao của Chúa bằng cách “hãy có cùng một tâm tình như Chúa Cứu Thế Giê-xu đã có,” tâm tình từ bỏ, hạ mình và vâng phục giống như Chúa.

Mùa Chay 2018
Mục sư Trần Trọng Luật

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.