Ờ, Sài Gòn kỳ cục vậy đó, nhưng thử sống ở đây đôi ba tháng, vài ba năm là tự dưng thương cái nết, cái tình của Sài Gòn. Để rồi khi đi xa khỏi nó, mới chợt thèm da diết được quay trở về…
Đất Sài Gòn tính ra không trù phú, đi đâu cũng thấy toàn người là người. Nhưng được cái thiên nhiên giao đãi công bằng nên thị dân ở cái đất này đều dư giả một thứ đặc sản mà họ sẵn sàng cho không – đó là chữ tình. Thứ sản vật tình người này, từ muôn đời nay đã góp phần làm nên một kiểu văn hoá rất riêng giữa lòng thành thị, nó giúp nối những mảnh đời, những câu chuyện riêng của mỗi cá thể để rồi giúp họ trở thành… người thân. Dù cho giữa họ, không có chút liên hệ huyết thống nào trong lồng ngực..
Chẳng hạn như thằng nhỏ sinh viên dưới quê lên ở trọ, sáng nào trước khi đi học cũng sà vào làm ly đen đá của bà cô bán nước đầu hẻm, hai ba lần quen mặt nhớ tên, tự dưng họ thành người thân. Hoặc cô bé xa quê lên Sài Gòn làm việc, chiều nào cũng ghé mua vài ba tép hành, một hai củ tỏi ở cái sạp chợ chiều của bà cụ trong hẻm gần nhà, vậy là họ thành người thân.
Mà thân ở Sài Gòn đâu phải là “thân ai nấy lo”. Người Sài Gòn sẵn sàng san sẻ giúp đỡ lẫn nhau những khi khó khăn, dù cho cả người giúp và người được giúp cũng không khá giả giàu có gì cho cam. Một vài tép hành, một chút cơm trắng, thêm chút đỉnh thịt thà, đôi ba ổ bánh mì, hay chai dầu gió, mớ lá mồng tơi, ly trà đá,… cho đến, đôi dép lành, tấm bảng chỉ đường giản dị… Sài Gòn cho hết, miễn phí hết. Tiền bạc khỏi lo, có nhiêu đó mà tính toán với nhau cũng hổng có giàu lên bao nhiêu.
Có lẽ vì thế mà không ít người xa lạ, lần đầu đến cái đất này không khỏi ngạc nhiên và tự nói trong bụng: “Người Sài Gòn sao mà tánh kỳ, toàn lo chuyện bao đồng”. Ờ, Sài Gòn kỳ cục vậy đó, nhưng thử sống ở đây đôi ba tháng, vài ba năm là tự dưng thương cái nết, cái tình của Sài Gòn. Để rồi khi đi xa khỏi nó, mới chợt thèm da diết được quay trở về…
Không tin thì đọc bài viết dưới đây với nhan đề “Sài Gòn tánh kỳ” của cô gái có tên Trần Hoàng Khánh Vân để thấy, Sài Gòn không chỉ là một cái tên của thành phố sầm uất, mà nó còn là cụm từ giúp người ta liên tưởng tới sự hào phóng, nghĩa hiệp, tràn đầy tình người của những lương dân tử tế sống giữa lòng thành thị.
***** Sau đây là bài viết của cô Trần Hoàng Khánh Vân *****
“Sài Gòn tánh kỳ: Con nhỏ hỏi dĩa cơm nhiu, bả kêu 25k nha, cái nó biểu bỏ bớt thịt ra được hông dì, con hông đủ tiền. Cái bả hỏi chớ mày có nhiu, con nhỏ kêu dạ 20k, bả phủi tay xời, thì ăn đi mốt trả tao sau.
Sài Gòn tánh kỳ: Thằng sinh viên ra chợ hỏi mua cá, chị bán cá hỏi em ở ngoải mới vô học hả, thằng nhỏ dạ, cái chỉ kêu thương hen, vô mình ên hả cưng, mốt mua gì nói chị, chị chỉ chỗ mua cho ngon nghe hơm. Cá của cưng nè, đưa 10k được rồi. Mai ghé nha!
Sài Gòn tánh kỳ: Lái xe buýt lương tháng nhiu hổng biết, nhưng cứ để ngay cửa lên xuống cái rổ nho nhỏ, có tiền lẻ, có kẹo, có bao nilon cho ai cần thì lấy mà xài. Mà kỳ hơn là hổng cho ai bỏ vô thêm. Bao đồng thấy ớn!
Sài Gòn tánh kỳ: Đi Thảo cầm viên chơi thấy có cái bà kia bả khùng muốn chết. Bán đồ hông lo bán, tối ngày đi cho mấy con sóc ăn. Chắc bả giàu lắm há?! Nhìn mấy con sóc chạy lon ton theo bả, thấy cũng cưng!
Sài Gòn tánh kỳ: Đi 1 khúc là thấy nước uống miễn phí, đi 1 khúc là thấy bánh mì miễn phí. Lâu lâu lại thấy cắt tóc miễn phí cho người nghèo, trẻ lang thang, hay đánh giày, sửa giày miễn phí cho người bán vé số, người già cô đơn… Làm như dư tiền quá hông biết làm gì hay sao á ha!?
Sài Gòn tánh kỳ: Tết nhà người ta đông thiệt đông, dui thiệt dui. Tết Sài Gòn vắng hoe!!! Một hai bữa đầu thấy thích thích, vì chạy sướng rơn. Bữa sau bắt đầu thấy buồn buồn, thấy nhớ cái đặc sản kẹt xe, nhớ mấy xe hủ tíu gõ, nhớ luôn mấy tiếng lạch xạch lạch xạch cạo gió giác hơi…
Sài Gòn kỳ lắm! Đi xa vài hôm là nhớ. Mà cái nhớ Sài Gòn nó cũng kỳ lắm! Kỳ lắm luôn… Nên mới nói. :
Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và Anh
(Sưu tầm)