Trong nhà hàng sang trọng, cậu bé vô tình tuột tay và để rơi chiếc thìa xuống đất. Mẹ bé dịu dàng chỉ ra phía quầy thu ngân và nói: “Con trai, con tự đi lấy một cái nào!”. Cậu bé ngước đầu nhìn về hướng tay mẹ chỉ, nũng nịu nói rằng: “Ứ ừ, con muốn mẹ lấy giúp con cơ!”
Cậu bé ngần ngừ một hồi lâu, cuối cùng người mẹ không còn giữ được bình tĩnh, đứng dậy quát lớn lên: “Ở ngay đằng kia mà con không nhìn thấy à!? Có chút việc nhỏ cũng không làm được!”.
Nhìn cậu bé phụng phịu chạy về phía tôi, vẻ mặt ngơ ngác ngó nghiêng xung quanh, tôi bèn nhắc cháu: “Thìa để ở trên cái bàn đỏ ấy, cháu chỉ cần rẽ phải là nhìn thấy!”
Cậu bé nhìn theo hướng tay tôi chỉ, rồi đột nhiên cười rạng rỡ, nhanh chóng đi lấy một chiếc thìa về.
Bạn thử nghĩ xem, vì sao cậu bé lại chần chừ không muốn đi? Bởi nếu theo lời mô tả của mẹ thì sẽ thật khó để nhận ra nơi để thìa ở đâu. Với chiều cao của mình, cậu bé chỉ có thể nhìn thấy chân bàn và đám đông người qua lại, và không thể biết được “đằng kia” mà mẹ nói là nơi nào.
Chúng ta thường nhìn từ góc độ của người lớn mà cho rằng những việc trẻ cần làm là điều dễ dàng, vậy nên mới trách mắng vì sao con mình “không ngoan”. Nếu có thể đứng từ góc độ của trẻ để nhìn nhận thì sẽ thấy rằng, yêu cầu của chúng ta thật khó hiểu. Cha mẹ muốn giải quyết những việc này, kỳ thực có một cách tuyệt vời, đó chính là: Hãy – cúi – xuống.
Hãy ngồi xuống, để thấy rằng thế giới của con thật khác biệt
Có một em bé rất ghét cùng mẹ đi chợ. Ban đầu tôi cho rằng điều ấy thật lạ, chẳng phải trẻ nhỏ thích những nơi náo nhiệt hay sao? Mãi cho tới một lần tình cờ, khi ngồi xuống chọn đồ, tôi bất giác ngước đầu lên và thấy rằng, thì ra trong mắt trẻ khu chợ sầm uất chỉ toàn… chân và chân. Điều này khiến cuộc dạo chơi trở nên nhàm chán, cho nên trẻ mới khăng khăng đòi về nhà.
Những lần tới, nếu con cái đột nhiên đòi hỏi và quấy nhiễu, chỉ mong các bậc phụ huynh đừng vội nổi nóng mà trút cơn thịnh nộ vô lý lên đầu trẻ. Bạn có thể ngồi xuống, nhìn mọi thứ xung quanh từ tầm mắt của trẻ, có lẽ bạn sẽ phát giác ra nguyên nhân thật sự là thế nào.
Hãy ngồi xuống, để không còn ‘đứng nói không biết mỏi lưng’
Chúng ta biết rằng, trong khi nói chuyện thì giao tiếp bằng ánh mắt là phép tắc xã giao cơ bản. Những khi không hài lòng với trẻ, chúng ta lại thường đứng từ trên cao nhìn xuống, mắng con một trận, kết thúc còn thêm vào một câu: “Mẹ nói con có nghe không? Không biết đường trả lời à?”
Lần tới, nếu bạn định phê bình trẻ thì xin hãy cúi xuống. Khi bạn cúi xuống gần bằng với chiều cao trẻ nhỏ, thì tâm trạng lo lắng và hoảng sợ ấy cũng được hóa giải, trẻ cũng dễ dàng mở lòng với bạn hơn. Bởi khi cơn thịnh nộ trút xuống từ trên cao, cha mẹ đã vô tình khiến con cái trở nên căng thẳng và khủng hoảng tinh thần.
Đôi khi bạn sẽ phát hiện ra rằng, những lúc bạn cáu giận thì trong mắt trẻ chứa đầy sự sợ hãi. Cha mẹ trách mắng một hồi khiến con không biết đã làm sai ở đâu, thì sao dám thừa nhận lỗi lầm mà sửa chữa?
Hãy cúi xuống, vì cha mẹ không cần phải tức giận như vậy!
Có những điều quả thực rất kỳ lạ: Một phút trước bạn còn đang tức giận “thở phì phò”, thì một phút sau, khi đã cúi người xuống, bạn bỗng thấy tâm trạng mình không còn tồi tệ như lúc đầu.
Có lẽ khuôn mặt bé nhỏ đáng thương của con đã hóa giải cơn giận dữ trong lòng bạn, hoặc cũng có thể khi trọng tâm cơ thể hạ thấp xuống thì tâm trạng của bạn cũng thay đổi tích cực hơn lên. Và trên tất cả, giờ đây bạn có thể giữ bình tĩnh và tỉnh táo để giải quyết vấn đề.
Có những bậc cha mẹ, khi cúi xuống buộc dây giày cho con thì như “kẻ nô bộc”; nhưng khi bất mãn với con thì lại giống như “bạo chúa” nghiêm khắc khó gần…
Lại có những bậc cha mẹ, khi giúp con thay quần áo thì đứng thẳng người để khiến con cảm thấy mình độc lập; và khi bất mãn với con thì nghiêng mình lắng nghe để con cảm nhận được sự bình đẳng chân thành…
Minh Nguyệt