cạy bát / bát cạy

Cạy Bát

Chiều 5/13/18 tôi có đưa câu hỏi qua email tới một số vị về 2 chữ “cạy bát” thấy trong câu Gia-cơ 3:4 “Hãy xem những chiếc tàu: dầu cho lớn mấy mặc lòng, và bị gió mạnh đưa đi thây kệ, một bánh lái rất nhỏ cũng đủ cạy bát nó, tùy theo ý người cầm lái

Cám ơn nhiều vị đã trả lời và cho nhiều ý kiến rất hay. 

Cạy bát dùng như động từ kép có nghĩa là điều khiển hay lèo lái con thuyền, con tàu bằng bánh lái.  Nhưng mỗi con chữ lại có nghĩa riêng.

Chúng ta thấy hai chữ « cạy bát » hay « bát cạy » trong những câu hát, hò :

Anh ơi sóng gió liên miên,
Ra công bát cạy cho thuyền tới nơi. CD

Một con thuyền cạy, bát bến giang

Anh em Công Giáo có bài hát xưa “Sao Biển” (nhạc sĩ Tâm Bảo) có câu:

Giúp con yên hàn chèo bơi bát cạy.

Ông Thiên Ân (OK City), chắc có tinh thần « tầm nguyên » (etymology), đã chịu khó tra khảo nhiều tự điển xưa nay:

1) Từ Điển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm 2003 ghi :

CẠY (đg) : Lái thuyền sang trái bằng mái chèo hoặc bánh lái; trái với bát

BÁT (đg) : Lái thuyền sang phải bằng mái chèo hoặc bánh lái; trái với cạy.

2) Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của ghi :

CẠY BÁT : Bẻ bánh lái, hoặc chèo day mũi ghe qua phía tả hay là phía hữu.

3) VIỆT NAM TỰ ĐIỂN của Hội Khai Trí Tiến Đức in năm 1931 ghi :

CẠY : Tiếng lái thuyền, đối với bát : Cạy cho thuyền vào bên tay trái.

BÁT : Bẻ lái khiến thuyền đi về phía tay phải, trái với tiếng cạy là khiến thuyền đi về phía tay trái.

MS Jacob VNT :

Tôi lớn lên ở vùng biển miền Trung, VN (Phú Yên), làm nghề chài lưới cho nên hai chữ này là biết, quen thuộc, và thường sử dụng.

“Cạy” là quay trái và “bát” là quay phải.

Xuồng, ghe ở quê tôi có 2 cái chèo. Chèo trước thì mục đích cho ghe đi nhanh, chèo sau thì để lái. Khi văng chài hoặc thả lưới, thì người văng chài cho biết là “cạy” hoặc là “bát”. “Cạy bát” chỉ dùng cho xuồng, ghe trên đầm, biển.

MS NTP (South Florida) viết :  Theo Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt Q1 của Bác Sĩ  Nguyễn Hy Vọng  thì : Cạy là cho mũi thuyền qua trái để rời bến, chống đò ra khỏi bến/ bát là ngược lại.  Bát là lái cho thuyền vào bên phải, vào bến, cập bến.

Một điều khá thú vị là chúng ta có lẽ nghĩ rằng chỉ người ngư phủ miền Trung mới dùng hai chữ cạy, bát này, nhưng BS LHN cùng nhiều vị khác  cho biết có nghe dân chài trong Nam dùng hai tiếng này.   Chúng ta cũng thấy trong tự điển Hồ Biểu Chánh có giải thích 2 chữ này như sau : Động tác lái ghe, xuồng để thay hướng, cạy: đổi hướng tay trái; bát: đổi hướng tay mặt.   

(http://www.hobieuchanh.com/pages/ChuThich/chuthich_c.html)

Tự điển này do những người ái mộ văn chương của cụ Hồ Biểu Chánh* lập ra. Vậy trong tiểu thuyết của HBC, cạy và bát có được sử dụng. 

Thật ra thì không có gì ngạc nhiên vì trên bước đường Nam tiến, nhiều người từ miền Trung vào lập nghiệp tại Lục tỉnh, Nam phần.

Nhân luận bàn 2 chữ đặc biệt của dân chài, chúng ta nhớ tới đặc ngữ của dân cày khi ra lệnh cho trân là dí và thá. Hai con trâu khi cột vào ách cày thì con bên phải là dí, con bên trái là thá.   Hai con trâu phải đi song hành và đồng bộ, khi một con chểnh mảng thì đường cày sẽ lệch.  Thợ cày lúc đó, la to lên tên con nào đang lo ra : dí nếu là con trâu bên mặt, thá nếu là con trái.  Trâu nghe và hiểu ý chủ mà bươn tới.  Để trâu không bị hoang mang, lẫn lộn thì trâu nào ở vị trí phải trái nào cứ giữ nguyên vị trí đó.

Nói tóm lại, dân chài, dân đi ghe, xuồng có 2 tiếng đặc biệt :  cạy là lèo lái mũi ghe về trái, bát là hướng về phải.  Cạy còn có nghĩa là tách bến, bát là cập bến.  Để giúp vui, MS NTP có đưa ra câu đố :

Buồm ai đang chạy giữa dòng,
Đố ai cạy bát cho lòng nàng xiêu,
Thuyền ai xuôi ngọn nước triều,
Đố ai cạy bát cho xiêu lòng nàng – Là ai?

Quí vị nào biết xin gửi câu đáp về hiepnchau@gmail.com

* Hồ Biểu Chánh (1884–1958), tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên; là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.