Trong lần hiện ra trước đó, Chúa Phục Sinh đã hẹn gặp các môn đệ tại Ga-li-lê nên họ đến đây chờ đợi. Từng ngày trôi qua, Chúa vẫn chưa đến. Dường như các môn đệ đã mất dần kiên nhẫn đợi chờ. Phúc Âm Giăng không giải thích lý do tại sao ông Phi-e-rơ quyết định đi đánh cá và các môn đệ khác cũng đi theo. Việc họ đi đánh cá có gì đáng trách? Trong khi chờ gặp Chúa chẳng lẽ họ ngồi không? Phải chăng họ cần đánh cá để kiếm sống và giải quyết những nhu cầu thực tế? Phải chăng một khi giấc mơ “khanh tướng” tan biến thì việc trở về nghề cũ cũng là chuyện bình thường? Hay là họ đáng trách vì đã trở lại cuộc sống dân chài mà Chúa đã từng kêu gọi họ từ bỏ? Dù thế nào thì ý định ban đầu của Chúa khi kêu gọi các môn đệ vẫn không thay đổi. Chúa vẫn theo đuổi mục đích của Ngài trên đời sống họ. Dù kiên trì đánh cá suốt đêm, những tay lưới chuyên nghiệp vẫn không được mẻ lưới nào. Những tay lưới rã rời lên bờ. Và bây giờ Chúa mời họ ăn sáng.
Bữa ăn sáng có một mục đích cho các môn đệ. Chúa không nhắc lại những thất bại, khiếm khuyết của họ đã qua. Chúa không trách họ là những người phản thầy, vô tín. Chúa gọi họ là “các con” cách yêu thương, thân mật. Họ đang đói mệt và chán nản, Chúa mời họ ăn sáng để thể xác được phục hồi và tinh thần được nâng lên. Họ đang bán tín bán nghi, Chúa kéo họ lại gần để trò chuyện với Ngài bên bếp lửa. Nhưng trên hết, bữa ăn sáng đánh dấu một khởi đầu mới trong hành trình theo Chúa của họ.
Thô-ma, người từng nghi ngờ về Chúa phục sinh; một Gia-cơ, một Giăng, những người từng có quan niệm hẹp hòi và đầy tham vọng; một Na-tha-ni-ên, con người mà cuộc sống dường như lẩn khuất. Và chắc chắn cũng đánh dấu một khởi đầu mới cho hai môn đệ khác – bạn và tôi – như ánh bình minh khởi đầu cho một ngày mới.