Lòng tốt của An
An là người miền Bắc, từ ngày anh còn nhỏ, ông bà đã đưa cả gia đình đến thị trấn này mở tiệm phở sinh sống. Nay anh đã tiếp quản tiệm phở của gia đình.
Mặc dù nhiều năm kinh doanh bán phở nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến bớt lượng thịt hay nhập thịt rẻ tiền để có thêm lãi. Lượng thịt và phở ở mỗi bát đều như nhau trong suốt nhiều năm qua, thậm chí giá cũng chỉ tăng lên chút xíu. Có nhiều người thường xuyên đến ăn tại quán của anh trong nhiều năm liền chỉ vì bát phở có nhiều thịt, có thể giúp họ no bụng.
Trưa hôm đó, cửa hàng đang rất đông khách, lượng người đến ăn chủ yếu là công nhân và nhân viên văn phòng gần đó. Mọi người vừa ăn vừa cười nói. Bất chợt có một người ăn mày đến đứng ở trước cửa tiệm với mái tóc bù xù. Một người đàn ông đang ăn ở bên trong vội lên tiếng: “Tôi nghĩ người ăn mày này không có tiền đâu, đuổi ông ta đi thôi.”
Lão ăn mày nghe thấy liền cúi đầu rồi chìa cái bát ăn xin ra và lẩm bẩm: “Ông chủ, cho tôi xin bát cơm.” Người đàn ông đó lại nói: “Không có tiền thì đi chỗ khác đi, để chúng tôi ăn cho ngon.” Đúng lúc này, An vừa bước ra từ bếp, nhìn thấy người ăn xin già liền dấy lòng thương xót. Anh bước đến gần lão ăn mày rồi nắm tay lão đưa đến bên chỗ bàn ăn còn trống và mời ông chờ một chút. Lúc này, lão ăn mày không dám ngước nhìn ai ở trong tiệm vì sợ bắt gặp những ánh mắt ghẻ lạnh.
An liền quay lại bếp và bưng lên bát phở nóng hổi rồi đặt xuống trước mặt lão ăn mày. Vì quá đói, lão ăn mày húp một hơi đã hết. Sau khi ăn xong ông còn uống thêm mấy cốc nước. Lúc này An mới đến bên hỏi lão ăn mày mấy câu nhưng thấy những thông tin thu thập được khá lộn xộn. Anh nghĩ thần kinh của ông lão này có một chút vấn đề.
Nhìn thấy lão ăn mày ở trong trạng thái như vậy, ông chủ An không đành lòng mời lão ra khỏi quán và đành để ông ngồi lại. Một lát sau vẫn thấy ông lão ngồi đó, An tiến đến đưa ông lão 50 nghìn và nói ông cầm tạm số tiền này để mua bánh mỳ, mua xôi mà ăn. Lúc nào đói cứ qua đây, anh sẽ cho ông lão ăn phở. Ông lão rất cảm động, rưng rưng nước mắt nhìn An rồi rời đi.
Từ ngày đó, ông lão thường ghé qua cửa hàng phở của An, cứ 2, 3 hôm lại thấy ông lão xuất hiện. An vốn tính tình lương thiện, không tính toán thiệt hơn. Thấy ông lão quần áo rách rưới, anh cũng mua cho ông thêm bộ quần áo lành lặn. Cứ thế mà cũng nửa năm rồi, đột nhiên một ngày ông lão nhớ ra điều gì đó và nói vài lời. Thấy vậy, An chăm chú lắng nghe vì cảm thấy hơi tò mò, lời mà ông nói giống như một dãy số điện thoại.
Cố gắng giữ bình tĩnh, An bấm theo dãy số lão ăn mày vừa đọc, không lâu sau đầu dây bên kia có người trả lời. Sau khi An nói chuyện một lát thì người ở đầu dây bên kia liên tục nói lời cảm ơn. Cuối cùng An đã liên hệ được với người thân của lão ăn mày, giờ anh mới biết ông bị mắc chứng bệnh Alzheimer. Ông đã thất lạc với người thân hơn 2 năm nay. Gia đình ông đã tìm nhiều nơi mà không thấy.
Sau khi cúp máy, một lúc sau An đã nhìn thấy một chiếc xe sang đậu ở trước cửa. Để trả ơn sự giúp đỡ này, con trai của lão ăn mày đã tặng An 100 triệu hơn nữa anh ấy còn chia sẻ câu chuyện về An với 1 người bạn là nhà báo của mình. Anh bạn đó đã viết 1 câu chuyện về lòng tốt của An, vì vậy nhiều người hơn nữa đều biết đến quán phở của An. Từ đó về sau, tiệm phở của anh kinh doanh ngày một phát đạt.
Nhiều người thường than phiền, lúc vui lúc buồn, bận bịu với lo toan mà quên đi cảm thụ niềm vui của cuộc sống. Đôi khi việc cho đi hay giúp đỡ người khác cũng làm nên hạnh phúc. Biết cho đi và quan tâm đến người khác, biết nghĩ cho mọi người với tấm lòng bao dung và tình yêu chân thành thì điều mà người đó nhận về sẽ lớn hơn rất nhiều.
(Sưu tầm)