II Sử Ký 26:16-23
“Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va; Quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt” (Châm Ngôn 16:5).
Câu hỏi suy ngẫm: Các thầy tế lễ đã ngăn cản Vua Ô-xia như thế nào? Phản ứng của vua ra sao? Kết quả là gì? Chúng ta cần có thái độ nào khi bị cáo trách về điều sai phạm trong đời sống?
Đức Chúa Trời đầy ân sủng luôn tạo cơ hội để người có tội ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Ngài đã ban cho Vua Ô-xia cơ hội để tránh phạm tội bằng cách dùng Thầy tế lễ A-xa-ria cùng tám mươi thầy tế lễ đồng đi với ông phân tích thiệt hơn, can ngăn vua xông hương cho Đức Chúa Trời. Họ khuyên vua đi ra khỏi Đền thánh, Chúa sẽ không ban phước cho vua vì việc này đâu.
Thay vì nghe theo lời khuyên đúng đắn của các thầy tế lễ và rời khỏi Đền thờ, Vua Ô-xia lại phản ứng như một kẻ ngu muội, khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy (Châm Ngôn 1:7). Vua nổi giận vì bị chạm tự ái, tay vẫn cầm một bình hương chuẩn bị xông hương, nhất quyết làm theo ý mình. Đang khi vua nổi giận cùng các thầy tế lễ thì phong cùi nổi lên trên trán. Các thầy tế lễ ở đó nhìn thấy vậy, họ nhanh chóng đuổi vua ra ngoài. Lúc đó vua không còn cứng cổ nữa mà chính vua “cũng lật đật ra” vì biết mình đã bị Đức Giê-hô-va ra tay trừng phạt. Có người phạm tội với Chúa nhưng chỉ một mình họ và Chúa biết là họ đang chịu sửa phạt. Ở đây, mọi người đều thấy vua bị Chúa phạt, vì tội kiêu ngạo của vua rất nghiêm trọng và cũng để làm gương cho người khác.
Vua bị bệnh phong cùi phải sống cách ly khỏi cộng đồng trong một ngôi nhà biệt lập và không bao giờ còn được phép đến Đền thờ nữa cho đến chết (Lê-vi Ký 13:46; II Các Vua 15:5). Dù đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho đất nước (II Sử Ký 26:4-15) nhưng vua không được vinh dự chôn trong lăng mộ hoàng gia mà chỉ được chôn trong một miếng đất gần đó, thuộc sở hữu của các vua, vì bị mang tiếng là “người bị phung”. Từ một người được Chúa cho đứng trên đỉnh cao của vinh quang, danh tiếng đồn ra khắp phương xa, giờ đây vua phải sống trong sự xấu hổ, đánh mất tất cả, không còn trực tiếp cai trị, bị mọi người xa lánh, được an táng theo cách một người bị phung.
Lẽ ra, nếu nghe theo sự ngăn cản của các thầy tế lễ thì vua đã được Chúa tha thứ và không có gì đáng tiếc xảy ra. Nhưng lòng kiêu ngạo đã khiến vua bất chấp tất cả, bất chấp luật pháp của Chúa, xem thường lời khuyên của các thầy tế lễ, và như vậy là xem thường chính Ngài. Đức Chúa Trời gớm ghiếc sự kiêu ngạo, và kẻ có lòng kiêu ngạo chẳng thoát khỏi sự đoán phạt (Châm Ngôn 16:5). Cái giá phải trả cho tội kiêu ngạo thật là lớn. Xin chớ xem thường!
Có lời nói, việc làm nào của bạn thể hiện lòng kiêu ngạo không? Xin Chúa giúp nhận ra, nhanh chóng ăn năn.
Lạy Chúa, nếu con có những lời nói, việc làm nào thể hiện sự lên mình kiêu ngạo, xin Ngài bẻ trách, sửa trị, dạy dỗ con. Xin cho con có sự khôn ngoan để ăn năn và từ bỏ trước khi quá muộn. Nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!