TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC
Có một ông lão ăn mày áo quần rách rưới, đầu tóc bù xù, cả người đều bốc mùi hôi khó chịu dừng chân trước một tiệm bánh ngọt nổi tiếng trong vùng. Sau một lúc băn khoăn, ông quyết định bước vào và xếp hàng. Nhiều vị khách đang đứng xếp hàng bên cạnh đều tỏ vẻ khó chịu.
Có người còn bịt mũi và phàn nàn với nhân viên cửa hàng. Thấy vậy, anh chàng nhân viên bán hàng quát to: “Ông kia, ông vào đây làm gì đấy? Đi ra ngoài đi!”. Ông lão ăn mày run rẩy đáp: “Tôi đến mua bánh ngọt mà!”. Ông vừa vét trong túi những đồng tiền lẻ cáu bẩn, hỏi rằng: “Cậu ơi, loại bánh nào ở đây nhỏ nhất?”.
Đúng lúc này thì ông chủ tiệm bánh nhanh chân bước đến. Ông niềm nở lấy từ trong tủ kính ra một chiếc bánh ngọt nhỏ xinh, đặt vào trong túi giấy, gói ghém cẩn thận rồi đưa cho ông lão. Sau khi nhận số tiền từ ông lão ăn mày, chủ tiệm niềm nở tiễn ông lão ra ngoài cửa. Sau đó, ông chủ cúi gập người và nói: “Cảm ơn quý khách đã chiếu cố mua hàng! Hoan nghênh quý khách lần sau lại tới!”.
Ông lão ăn mày cầm chiếc bánh trên tay, nét mặt thể hiện rõ vẻ kinh ngạc, mắt rưng rưng lệ. Có thể đã lâu lắm rồi ông lão chưa được ai đối xử tôn trọng như vậy. Ông lão cười vui vẻ rồi quay người rời đi.
Cháu trai của ông chủ tiệm bánh cũng có mặt và chứng kiến toàn bộ sự việc. Cậu vô cùng thắc mắc nên gặng hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với ông lão ăn mày đó như vậy ạ? Ông ta có gì đặc biệt sao?”.
Ông chủ tiệm bánh mỉm cười, nói: “Điều đặc biệt nhất chính là ông ấy là khách hàng của chúng ta. Ông ấy đã phải chờ đợi rất lâu, chịu rất nhiều vất vả mới tích góp được những đồng tiền ấy. Sau đó, ông ấy dùng chúng để mua bánh ngọt của cửa hàng chúng ta. Sự ưu ái ấy không đáng để chúng ta niềm nở với khách hàng của mình hay sao?”.
Người cháu trai lại tiếp tục hỏi: “Nếu như vậy thì sao ông còn lấy tiền của ông ăn mày ấy làm gì? Nếu tặng miễn phí cho ông ấy có phải đặc biệt hơn không?”.
Ông chủ tiệm cười đáp: “Hôm nay, ông ấy đến đây với tư cách là khách hàng, chứ không phải đến để ăn xin, cháu ạ! Ông ấy hoàn toàn có đủ khả năng chi trả cho bản thân thì chúng ta phải tôn trọng điều đó. Nếu như cửa hàng chúng ta không lấy tiền thì chẳng phải đã làm nhục ông ấy rồi sao?”.
Sau đó, người ông cũng dạy cháu rằng: “Khi đã làm kinh doanh, nhất định cháu phải nhớ kỹ điều này: Hãy tôn trọng từng khách hàng, bất kể họ là ai, ngay cả đó là một người ăn mày. Bởi tất thảy những thứ chúng ta có được hôm nay đều là do khách hàng mang lại”.
Ông chủ tiệm bánh này chính là ông nội của tỷ phú Nhật Bản Yoshiaki Tsutsumi. Câu chuyện kinh doanh nhỏ chứa đựng bài học “đắt giá hơn vàng” đã giúp Yoshiaki Tsutsumi tìm được phương hướng đúng đắn để ngày một phát triển, khẳng định vị thế của mình trên thương trường.
Có thể thấy rằng, dù là ông lão ăn mày khó coi hay nhân vật sang trọng, họ đều xứng đáng được đối xử một cách công bằng và tôn trọng. Hơn thế nữa, sự tôn trọng cần được thể hiện bằng thái độ tận tâm thực sự, không phải vì nhắm đến lợi ích đằng sau đó. Vì khi đã có lòng tôn trọng khách hàng, lợi nhuận ắt tự đến.
Ông chủ của tiệm bánh đó chính là ông nội của Yoshiaki Tsutsumi, một doanh nhân Nhật Bản có tiếng (Trong thời kỳ bong bóng kinh tế Nhật Bản, Forbes đã liệt kê Tsutsumi là người giàu nhất thế giới trong giai đoạn 1987–1994 do các khoản đầu tư bất động sản lớn của ông thông qua Tập đoàn Seibu do ông điều hành). Yoshiaki Tsutsumi từng chia sẻ rằng, hành động năm đó của ông nội khiến ông khắc cốt ghi tâm, sau này, ông cũng thường chia sẻ câu chuyện này ở các buổi thuyết giảng, và yêu cầu nhân viên của mình luôn đặt tôn chỉ tôn trọng khách hàng lên hàng đầu.
Có thể thấy, sự “tôn trọng” ở đây, nó không phải là cái phép lịch sự trong xã giao nơi thương trường, mà nó bắt nguồn từ sự đồng cảm, sự thiện lương, sự quan tâm và sự chân thành từ sâu thẳm trong tâm của một người tử tế, sự tôn trọng ấy nó hoàn toàn là vị tha, không mang chút màu sắc vị tư hay lợi ích cá nhân nào trong đó cả, cũng không chịu ảnh hưởng của thân phận hay địa vị. Đây là cảnh giới đạo đức và sự giáo dưỡng của một người, nó vốn là điều không thể giả được, và nó sẽ luôn để lộ ra một mặt chân thật trong nhân cách của bạn.
Trong Thánh Kinh cũng đã dạy tín hữu về cách cư xử cho phải phép với nhau trong cuộc sống hàng ngày rằng: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Phi-líp 2:3). Chúng ta làm điều đó không chỉ giúp mình thành công trong cuộc sống mà còn tạo nên một phong cách sống gần gũi mọi người để truyền bá tình yêu của Chúa Jesus cho họ. Là con cái Chúa thì không nên trọng người này, khinh người khác như vậy sẽ tạo nên một môi trường lành mạnh nơi chúng ta sinh sống. Nguyện Chúa giúp tất cả chúng ta sống đạo làm sáng danh Ngài.
(Sưu tầm)