NGÔI SAO LẠ (Bài đăng của Văn Phẩm Nguồn Sống)
Hằng năm, vào khoảng tháng Chạp, lúc sáng sớm người ta thường thấy trên bầu trời một hiện tượng tuyệt đẹp, đó là ánh sáng rực rỡ của Kim Tinh, còn gọi là Sao Mai hay Sao Vệ Nữ.
Dưới mắt trần, điểm sáng ấy long lanh như một viên ngọc lớn. Kim Tinh sáng chói vào khoảng thời gian này vì đây là lúc sao ở gần địa cầu hơn cả. Có người gọi Kim Tinh là Sao Mục Đồng, và cho rằng đây chính là ngôi sao đã dẫn đường các nhà thông thái Đông phương đến gặp Chúa Cứu Thế khi Ngài giáng sinh. Sự thật không phải như vậy, vì các nhà thiên văn thời ấy không lạ gì với hiện tượng Kim Tinh đến gần địa cầu theo chu kỳ 18 tháng một vòng quỹ đạo. Nếu chỉ thấy hiện tượng đó, các nhà thông thái Đông phương đã không lên đường tìm Chúa Cứu Thế.
Thánh Kinh ghi lại câu chuyện họ theo ngôi sao để gặp Chúa như sau: “Chúa Giê-xu giáng sinh tại thành Bết-lê-hem miền Giu-đê, vào thời trị vì của Vua Hê-rốt, có mấy nhà thông thái ở Đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem hỏi rằng: Vua dân Do Thái vừa sinh tại đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao Ngài bên Đông phương nên đến để tôn thờ Ngài” (Phúc Âm Ma-thi-ơ 2:1, 2).
Suốt nhiều thế kỷ qua, các nhà thiên văn đã đưa ra nhiều thuyết giải thích hiện tượng ngôi sao Giáng Sinh. Có người cho rằng đây là một sao chổi đã xuất hiện vào tháng Ba, năm thứ năm trước Công Nguyên, giữa chòm sao Capricorn và chiếu sáng suốt 70 ngày. Một số nhà thiên văn khác cho rằng đây có thể là một ngôi sao mới (nova) chiếu rực giữa chòm sao Aquila vào tháng Tư, năm thứ tư trước Công Nguyên.
Ông Johannes Kepler, nhà toán học và thiên văn học người Đức, đã tính ra rằng vào tháng Năm, tháng Chín, và tháng Mười Hai, năm thứ bảy trước Công Nguyên, Mộc Tinh (Jupiter) và Thổ Tinh (Saturn) đã gặp nhau trong quỹ đạo, tạo ra ánh sáng chói lọi khác thường. Các viện thiên văn có mô hình vũ trụ ngày nay thường dùng hệ thống hành tinh nhân tạo để chứng minh sự kiện đó.
Gần đây, một nhà khoa học giải thích: Hiện tượng ngôi sao dẫn đường các nhà thông thái phương Đông đến tìm Chúa Cứu Thế là sự xuất hiện của sao Spica sáng chói giữa chòm sao Virgo vào tiết thu phân trước giờ mặt trời mọc.
Dù giải thích bằng thuyết nào đi nữa, đối với chúng ta, những người sống hơn hai mươi thế kỷ sau khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, ý nghĩa và mục đích thực tiễn của vì sao mới là điều quan trọng.
Các nhà thiên văn sử dụng các viễn vọng kính tối tân ở Palomar, Kitt Peak, Zelenchukskaya, các máy chụp hình trên các phi thuyền không gian có thể căn cứ vào tốc độ, quỹ đạo, quang phổ, hình ảnh của một số định tinh, hành tinh để giải thích ý nghĩa ngôi sao Giáng Sinh trên bình diện khoa học. Nhưng đối với những người tìm chân lý, chúng ta chỉ cần biết rằng đây là một hiện tượng khác thường trong vũ trụ, một hiện tượng quan trọng trong cõi nhân sinh, đã đập vào mắt người quan sát, khiến người ấy phải lưu ý, tìm hiểu.
Các nhà thông thái phương Đông thời ấy đã sử dụng kiến thức khoa học, văn học, sử học, đạo đức, và tôn giáo để tìm hiểu ý nghĩa của hiện tượng lạ. Họ đã kết luận rằng đây là dấu hiệu báo tin một số biến cố vô cùng quan trọng trong lịch sử, có liên quan mật thiết đến cá nhân, gia đình, và dân tộc của họ cũng như cho cả nhân loại. Dưới mắt của các nhà thông thái đang quan sát và nghiên cứu, ngôi sao ấy là một tấm bảng chỉ đường hướng về vị Cứu Tinh của cả thế giới. Nó tượng trưng cho tiếng gọi của Đấng Tạo Hóa, tha thiết khuyên mời con người đến với Chúa Cứu Thế.
Trong cuộc đời, có những lúc Bạn đã gặp những bảng chỉ đường ấy. Giữa cuộc sống bận rộn và phức tạp, có khi Bạn đã nghe được tiếng gọi tha thiết ấy. Có thể đó là một người Bạn gặp ở sở làm, trong siêu thị, tại lớp học, ngoài đảo vắng, hay trong trại tị nạn. Người ấy có một cuộc sống khác thường, không phải vì bộ áo khoác bên ngoài, nhưng vì trong tâm tình có điều gì đó chói sáng, ấm áp, từ ái, dịu dàng, vị tha, tỏa niềm vui, và hy vọng khác thường. Người ấy nói với Bạn về Chúa Cứu Thế, về tình yêu tuyệt đối, và sự hy sinh của Chúa. Người ấy đọc cho Bạn nghe những câu Thánh Kinh lúc đầu có vẻ xa lạ, khó hiểu, nhưng dần dần trở thành đầy ý nghĩa và đáp ứng được nhu cầu tâm linh của Bạn. Bạn cảm thấy như người ấy đang chỉ đường cho Bạn đến với Chúa Cứu Thế từ ái, đầy uy quyền.
Ngôi sao ấy có thể là một quyển sách nhỏ — chỉ nhỏ về hình thức, nhưng nội dung bao gồm Tin Mừng lớn cho mọi dân tộc, và Tin Mừng riêng cho chính Bạn. Tin Mừng đó là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng đã vào đời, tìm đến Bạn, và sẵn sàng sống với Bạn suốt đời.
Ngôi sao ấy có thể là một đoạn văn Thánh Kinh mà Bạn vô tình đọc được, một đoạn văn trình bày Chúa Cứu Thế như: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để khi nghe đến Danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải xưng nhận Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha” (Phi-líp 2:6–11).
Ngôi sao ấy có thể là một tiếng gọi của Chúa Cứu Thế qua một bài giảng Phúc Âm. Bạn nghe giải thích một lời kêu gọi như: “Những ai đang mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28).
Theo câu chuyện trong Thánh Kinh, các nhà thông thái phương Đông đã lên đường tìm Chúa Cứu Thế nhưng có lúc lạc đường. Thay vì đi thẳng theo hướng ngôi sao ấy, họ đã tẻ tách đi về
Giê-ru-sa-lem, một thủ đô mà theo họ là nơi hợp lý nhất để tìm Chúa Cứu Thế. Lập luận nghe rất hợp lý: Vua chúa phải sinh tại thủ đô, trong hoàng cung, nhưng trong trường hợp này họ đã lầm lẫn tai hại. Vua cả hoàn vũ đã rời thủ đô vũ trụ, không phải để đi tìm một thứ thủ đô chật hẹp, nghèo nàn, vô nghĩa trên địa cầu nhỏ bé, nhưng Ngài có thể giáng sinh bất cứ nơi đâu, kể cả chuồng chiên tối tăm, dơ bẩn của làng Bết-lê-hem hẻo lánh.
Khi những người đi tìm Chúa biết mình lầm lẫn vì đã quá chú trọng vào lý luận thông thường, truyền thống, hình thức, hay vẻ hào nhoáng bên ngoài, thì ngôi sao sáng của Chúa lại điều chỉnh hướng đi cho họ, để họ trở lại đúng con đường dẫn đến Chúa Cứu Thế.
Ngôi sao đã hướng dẫn các nhà thông thái vượt qua vô số trở lực, núi cao, đèo cả, rừng sâu, sông rộng. Không ai đi tìm chân lý, tìm Chúa Cứu Thế mà không gặp phải trở lực khó khăn. Nhưng mỗi khi gặp trở lực lớn lao, cứ nhìn lên ngôi sao của Chúa thì con người được khích lệ, soi sáng, và thêm dũng cảm để vượt thắng mọi trở lực cho đến khi tìm được Chúa. Ngôi sao đã đến mục đích tối hậu là Chúa Cứu Thế. Những người tìm Chúa Cứu Thế đều nhờ ngôi sao hướng dẫn mà gặp được Ngài.
Mùa Giáng Sinh năm nay, chắc hẳn Bạn đang tìm Chúa Cứu Thế. Nếu Bạn đã lỡ lạc bước, Chúa vẫn còn dùng ánh sáng của một ngôi sao gần Bạn để điều chỉnh hướng đi cho Bạn. Nếu gặp nhiều trở lực lớn lao, Bạn đừng nản lòng, Chúa sẽ giúp Bạn khắc phục cho đến khi tìm gặp Chúa Cứu Thế, là Chân Lý, Đường Đi, và Nguồn Sống. Chúa đang đến bên Bạn, dùng một thứ ngôi sao để chiếu sáng, kêu gọi và dìu dắt Bạn đến với Ngài.
Chúa đang gọi Bạn: “Con ơi, con đang mệt nhọc và nặng gánh ưu tư, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho con được nghỉ ngơi.” Bạn có sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Chúa Cứu Thế không?
CTM