SỢI TÓC BẠC BÊN THỀM NHÀ CŨ
Hồi đó, lúc ngoại lui cui, cầm cái sào dài ơi là dài chọt bẻ mấy trái vú sữa chín tím rịm, bu xung quanh là đám cháu nhỏ, ngước những đôi mắt đen lay láy, tay chỉ trỏ trái này trái kia, rồi chờ ngoại chia phần, tôi nghĩ, ngoại của tôi sẽ không bao giờ già.
Ngoại không bao giờ già – bởi vì bà là một bà ngoại luôn xoay như chong chóng với việc này việc nọ, trong đó, luôn tìm đủ thứ món ăn thức uống cho đám cháu háu đói, ham ăn. Ngoại không thể già, dù búi tóc luôn phải vấn thêm một đầu tóc mượn mới dầy lên. Không già, bởi cái áo túi màu nâu nâu luôn có chiếc lược ngà nhỏ trong túi, để lúc thảnh thơi, ngoại đem đầu tóc mượn xuống, vuốt mướt rượt dầu dừa rồi chải.
Ngoại già sao được, khi vẫn cong cánh tay, để đứa cháu đu lên, rồi ngoại xách đứa cháu lúc la lúc lắc như xách cái thùng nước, từ dưới bến sông lên trên nhà. Sức lực đâu mà ngoại xách hết đứa này đến đứa khác, để khỏi đứa nào cà nanh. Ngoại không thể già, khi chiều chiều ngồi kỳ lưng gội đầu cho cháu, vừa càm ràm cái lưng dơ hầy, không có ngoại là mọc ghẻ tùm lum xấu hoắc. Cháu ngồi với ngoại bên bến nước, cúi đầu cho ngoại xối cái nước bồ kết ngoại nướng lửa than, nghe mùi hăng hắc của than củi đượm theo tay ngoại vuốt. Rồi cười hăng hắc khi nghe ngoại càm ràm, rằng tóc cháy nắng chẻ hoe vầy thì làm sao mà cho ngoại khúc đuôi làm tóc mượn như đã hứa. Ngoại không thể già, như những khoảnh khắc kiểu như vầy, chỉ có thế, không to tát, không mãi mãi, nhưng khắc nhớ và hằn sâu.
Ngoại đâu có già, lúc lấy mủ gòn rồi bày ê hề cả thau đười ươi hột é trong chiếc thau nhôm, dầm đá đường ngọt ngất, bắt mỗi đứa cháu phải húp một chén cho mát ruột. Mùa đó có bông gòn trong trái gòn chín bay trắng lớp lớp như mây, nhưng tóc bà ngoại thì vẫn còn rất đen chưa có cọng nào bạc hết.
…
Mỗi bà ngoại đều giống như một bà mẹ thứ hai. Hẳn vậy, mỗi bà ngoại đều thương những đứa cháu bằng tình yêu của người mẹ: bảo vệ, chở che, bênh vực. Đứa cháu lúc tủi thân luôn nấp vào bên ngoại để xoa dịu, như cách ngoại lấy dầu gió xức vào những vết roi hằn, tự nhiên vậy mà tan đau, cả trong tâm hồn chớ không riêng gì da thịt.
Lễ Vu lan năm nọ, áo ngoại cài bông trắng, còn cháu cài bông màu đỏ. Nghe ngoại giải thích ý nghĩa, đứa cháu đòi cài cả hai bông đỏ lên ngực áo mình, để một bông cho ngoại nữa, mà ngoại chỉ cười. Đứa cháu thỉnh thoảng có thắc mắc, rằng ngoại cầu hết cho người này người kia, rồi ai cầu cho ngoại. Người cười khà, gí ngón tay vô trán kêu thằng cha mầy, ngoại thì cần gì.
Ủa, tại sao những bà ngoại – những bà mẹ đều không cần ai đó làm gì cho mình hết. Dù họ trao cả đống tình thương mà những đứa con đứa cháu làm như xài hoài không hết. Giống như tôi, đứa trẻ bú vú da của ngoại ngày nào, còn luôn nghĩ ngoại không thể già đi, những bà ngoại già chỉ có trong truyện kể.
Nhưng rồi bà ngoại vẫn già. Không giống như cây vú sữa, cái cây ngày càng gân guốc, hùng vĩ, được ông của ngoại trồng lúc ngoại còn nhỏ xíu, lúc trước nhà chưa thành đường liên xóm. Lá vàng hết mùa thì thay lá khác. Hết mùa trái này lại ra mùa trái khác. Cái cây vụt khổng lồ, mà ngoại thì càng ngày càng nhỏ lại. Ngoại không còn thèm chải đầu tóc mượn, những bữa ngồi buồn hiu trước hàng ba nhìn ra sân, những sợi tóc bạc lòa xòa qua trán lơ thơ buồn. Mắt xa xăm nhưng không đọng lại bóng hình của ai trong đó, kể cả đứa cháu thiếu nữ, tóc dài chấm eo dù không bao giờ còn cơ hội tặng ngoại cái đuôi tóc như đã hứa.
Đâu có thứ gì mặc định, kể cả cái cây vú sữa cũng đã bị đốn mất lúc mở đường làng thành đường lộ. Đứa cháu gái xưa bước lên thềm nhà cũ, thấy hoang mang, không biết tuổi thơ của mình gói ở đâu được nữa.
Lúc lượm lại những sợi tóc rớt bên thềm nhà, vẫn cứ đinh ninh ngoại vẫn còn đâu đó. Thời gian có làm bạc màu người ở lại, như tóc kia không?
(Minh Phúc)