Khi về già, những bậc cha mẹ “giống như một đứa trẻ”. Họ sợ cô đơn, sợ bị con cái bỏ quên, sợ sự chậm chạp của mình làm phiền con.
Bố người bạn tôi hay tin con sang thành phố khác làm việc, sợ điện thoại con hết pin dọc đường nên ông âm thầm cắm điện thoại của con vào cục sạc dự phòng. Khi con trai phát hiện ra điều này, anh đã bật khóc. Hóa ra đó không phải là cục sạc dự phòng mà là một ổ cứng di động.
Còn có một cậu con trai ở Hồ Nam, vì giúp một người bạn đi đón dâu nên trên xe được dán rất nhiều chữ hỷ. Khi bóc chữ ra, còn dính lại nhiều vết keo trên mặt kính. Người cha thấy vậy, lẳng lặng đi lau sạch vết bẩn, tiết kiệm 50 tệ tiền rửa xe cho con. Ông không dùng khăn mà sử dụng búi cọ xoong nồi. Khi con trai phát hiện ra, kính xe đã bị biến thành “bầu trời đầy sao”, nếu sửa sẽ mất khoảng 30.000 tệ. Tuy nhiên người con quyết giữ lại tấm kính như một kỷ niệm.
Khi còn nhỏ chúng ta luôn cư xử tốt trước mặt bố mẹ, luôn mong họ khen ngợi và yêu thương mình nhiều hơn. Theo thời gian, “vị trí” của con cái với cha mẹ dường như đã đảo ngược. Những đứa con trở thành người lớn và bố mẹ lại trở thành những “đứa trẻ” thận trọng.
Mạng xã hội hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu (tương tự Quora) từng có câu hỏi: “Vào thời điểm nào bạn cảm thấy bố mẹ yêu mình nhất?”. Một người cho biết, sau khi sinh con, cô mệt mỏi rời khỏi phòng sinh. Đói và mệt nên cô lấy những chiếc bánh từ trong tủ lạnh và nhét vào miệng. Người mẹ ngăn lại và nói rằng cô không biết trân trọng bản thân. Kể từ hôm đó, bà làm đủ mọi đồ ăn ngon rồi chạy xe hàng chục cây số mang đến cho con gái. “Dù mệt mỏi đến đâu hễ mở tủ lạnh ra là tôi lại thấy tình yêu của mẹ tràn ngập trong đó. Không nhiều lời nhưng luôn ấm áp và cảm động”, cô gái nói.
Tôi đã từng xem một bộ phim ngắn có tên “Người cha lạc hậu”. Nhân vật chính trong phim là một người đàn ông “gà trống nuôi con”. Khi thấy trời mưa, ông đã bắt một chiếc xe bus đến tận công ty con chỉ để đưa cho cô chiếc ô, nhưng con gái đã gọi một chiếc taxi trở về nhà trước đó. Người cha bí mật đến nhà con gái và muốn nấu cho cô một bữa ăn ngon nhưng cô gái nói: “Con không còn là một đứa trẻ nữa, con có thể tự lo được”, người cha ngượng ngùng ra về.
Sau này người cha đến công ty con gái xin làm bảo vệ, với mong muốn được nhìn thấy con nhiều hơn. Ông nói không muốn bị thời gian bỏ rơi, cũng không muốn gây rắc rối cho con gái mình. “Nhìn đứa con trai nhà hàng xóm luôn làm phiền bố mẹ, tôi thấy ghen tị lắm, vì con gái đã lâu không làm phiền tôi. Mỗi lần tôi muốn giúp con làm điều gì đó trong khả năng của mình, con bé luôn nói để nó tự làm. Con đã lớn rồi và không cần tôi nữa”.
Sau khi cha mẹ về già, điều lo lắng nhất không phải là bị xã hội bỏ quên, mà dần trở thành ông bà già cô đơn, con cháu không cần đến. Đôi khi họ thực sự vụng về và không biết cách thể hiện tình yêu, nhưng chưa bao giờ ngừng yêu thương con cái. Họ đứng tại chỗ, nhìn từ xa mong có thể làm được điều gì đó giúp đỡ các con và mong nhận được thêm chút tình yêu từ những đứa con từng mang nặng đẻ đau.
Tôi thấy trên mạng có câu này: “Con cái cả đời chờ cha mẹ xin lỗi, nhưng khi cha mẹ thực sự xin lỗi thì chúng ta chỉ biết ứa nước mắt“.
Nhà văn Mã Gia Huy của Trung Quốc kể câu chuyện về cha mình. Máy tính của người cha bị hỏng cần người sửa chữa. Sợ bố bị lừa, Mã nói rằng sau khi sửa xong, ông sẽ thanh toán hóa đơn cho chiếc máy hỏng đó. Quên mất lời con trai dặn, người bố tự thanh toán hóa đơn. Mã biết chuyện đã trách mắng bố vài câu. Nhà văn nghĩ rằng, người cha sẽ nổi khùng mà quát lại mình, nhưng không, sau một hồi im lặng, ông nói: “Bố xin lỗi, sẽ không có lần sau”. Ngay lúc đó, nhà văn đã bật khóc. Ông bất ngờ nhận ra, mối quan hệ cha con đã bị đảo ngược.
Mẹ một người bạn gái của tôi đã qua đời, cô ấy đưa bố đi du lịch để thư giãn. Cô nói nhiều năm rồi chưa có cơ hội ở một mình với bố, lần này phát hiện ông đã thực sự già đi nhiều. Từ một người đàn ông trung niên thân hình cường tráng trở thành một ông già đi lại chậm chạp. Trên đường, người cha luôn theo sát con gái, như sợ cô rời xa. Mỗi lần cô dùng điện thoại quét mã QR để thanh toán dọc đường, ông đều kinh ngạc nhìn theo. Người cha đồng ý với con gái cách sắp xếp hành trình, như sợ một câu nói nữa sẽ khiến con gặp rắc rối. Ngay cả khi đi vệ sinh, ông cũng nhỏ giọng: “Bố có thể dừng lại và đi vệ sinh không?”
Khi còn là một đứa trẻ, cô từng mong muốn cha mình có thể dịu dàng hơn với con gái, nhưng khi ngày này đến, cô lại không vui chút nào. Cô từng ước nếu có thể mẹ cô vẫn còn đó và người cha vẫn cao lớn, nghiêm nghị như thuở nào. Tuy nhiên ngày đó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại.
Thời gian là tàn nhẫn nhất. Cái gọi là mối quan hệ cha mẹ và con cái là một định mệnh khó phai mờ. Thời điểm chúng ta nhận thức được sự già đi của cha mẹ là lúc con cái phải nhìn nhận và thay đổi nội tâm. Trong khoảng thời gian có hạn, con cái nên đồng hành và quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn, giống như khi họ còn trẻ và quan tâm tới con cái.
Đừng để bố mẹ nếm trải những thăng trầm và già đi một mình.
* Bài viết của nhà văn Miêu Đại (Trung Quốc).
Hải Hiền
(xem thêm bài viết tại trang www.hoithanhvuonnhoaz.com)