Có lẽ nhiều người sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình ở đâu đó trong câu chuyện này.
Có một cô gái ăn mặc rất thời thượng, dừng chân ở bên đường. Cô bước xuống từ một chiếc xe đắt tiền và cất lời hỏi một cụ già đang ngồi bán trứng: “Bao nhiêu tiền một chục vậy?”.
Thấy có người hỏi, cụ già ngẩng lên mừng rỡ: “Chỉ 1 đô cho 10 quả trứng thôi, cô gái”.
“Đắt quá, 1 đô cho 15 quả nhé. Ông có bán không?”, cô gái mặc cả.
Cụ già tỏ vẻ lưỡng lự, nhưng rồi cụ tặc lưỡi và nói: “Lẽ ra không được, nhưng hôm nay tôi chưa bán được quả nào cả, vậy bán rẻ cho cô nhé”.
Cô gái nghe nói vậy, vui vẻ cầm chiếc túi có 15 quả trứng mà cụ già cẩn thận để vào, trả tiền rồi lên xe, phóng thẳng đi, trong lòng thầm nghĩ mình quả là người nội trợ xuất sắc, biết trả giá chứ không phải kẻ ngốc nghếch, người ta bán thế nào cũng đồng ý.
Mải suy nghĩ, chẳng bao lâu cô gái đã dừng chân trước một nhà hàng sang trọng. Hóa ra, cô có hẹn với một người bạn ở đây.
Họ gặp nhau, gọi một bàn đầy đồ ăn, còn gọi thêm cả rượu và vui vẻ trò chuyện. Cuối bữa ăn, hầu như món nào họ cũng bỏ lại rất nhiều, song cô gái đã đi đến chỗ quầy thanh toán. Tất cả hết 140 đô, song cô gái hào phóng đưa cho người chủ nhà hàng 150 đô, còn nói: “Không cần trả lại đâu” rồi quay người bước ra khỏi nhà hàng.
Việc bo tiền của cô gái đối với ông chủ nhà hàng mà nói là khá bình thường, không có gì đáng chú ý. Ông ta kinh doanh cả nhà hàng, hoàn toàn không túng thiếu, có hay không có 10 đô với ông ta cũng chẳng có gì quan trọng.
Cô gái bo tiền cho ông, không phải vì muốn giúp đỡ ông ta, mà chẳng qua chủ yếu là để thỏa mãn tính hư vinh của bản thân, ngầm khẳng định mình trước mặt người khác, là một người giàu có, thành công và phóng khoáng.
Trong khi đó, 1 đô la đối với người bán trứng lại vô cùng quý giá, phải bán được 10 quả trứng mới có 1 đô, thậm chí với 1 vị khách kỳ kèo, còn phải bán 15 quả mới có được 1 đô. Kiếm được đồng tiền, thật chẳng dễ!
Có người từng kể với tôi rằng: “Bố tôi thường hay mua mấy đồ linh tinh lặt vặt của những người nghèo đi bán hàng rong trên phố. Lúc thì ông mua giúp họ gói tăm, lúc thì lại là vài gói kẹo cao su, hay cái móc chìa khóa, dù nhiều khi ông chẳng cần đến chúng, nhưng thậm chí ông còn cho họ thêm tiền. Khi còn nhỏ, có lúc tôi hỏi bố tại sao lại làm vậy, rồi bố nói đó là cách bố giúp người khó khăn nhưng vẫn không làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Lời nói của bố, đến cuối đời tôi cũng không quên được”.
Quả là trên thế giới này, có rất nhiều kiểu người với nhiều cách nghĩ khác nhau, song tôi cũng trộm nghĩ rằng, một trong những sai lầm lớn nhất của đời người là vung tiền cho những thứ không cần thiết, và keo kiệt với những người lẽ ra không nên keo kiệt.
Đồng tiền chân chính chẳng bao giờ dễ kiếm, chính vì thế, bạn hãy biết sử dụng chúng cho thật khôn ngoan nhé.
Theo Elite Reader