Winn Collier
Đọc: Lu-ca 23:32–43
Lạy Cha, xin tha cho họ. — Lu-ca 23:34
Lính giải phóng tìm thấy tờ giấy bị vò nát giữa những tàn tích ở trại tập trung Ravensbruck, nơi Đức quốc xã giết gần 50.000 phụ nữ, tờ giấy ấy ghi lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhớ đến những người thiện tâm và cả những người ác tâm, nhưng đừng nhớ sự đau khổ họ gây ra cho chúng con. Xin nhớ đến kết quả chúng con có nhờ sự chịu khổ này: tình bạn, lòng trung thành, khiêm tốn, can đảm, rộng lượng, sự cao thượng của tấm lòng tăng trưởng từ hoàn cảnh này. Và trong ngày họ chịu phán xét, xin để tất cả những kết quả mà chúng con có được làm sự tha thứ cho họ.
Tôi không thể hình dung nổi sự sợ hãi và đau đớn giáng trên người phụ nữ đầy kinh hãi đã viết lời cầu nguyện này. Tôi không thể tưởng tượng lòng khoan dung lạ lùng nào đã thúc đẩy cô viết ra những lời đó. Cô đã làm điều không tưởng: xin Chúa tha thứ cho những kẻ áp bức mình.
Lời cầu nguyện này khiến chúng ta nhớ tới lời cầu nguyện của Đấng Christ. Sau khi bị buộc tội cách bất công, bị chế giễu, đánh đập và sỉ nhục trước dân chúng, Chúa Jêsus bị “đóng đinh… vào thập tự giá cùng với hai tên tội phạm” (Lu. 23:33). Bị treo trên cây thập tự thô ráp, với thân thể đầy lằn roi và hơi thở yếu ớt, tôi nghĩ Chúa Jêsus sẽ phán xét những kẻ hành hạ Ngài, để trừng phạt họ hoặc thực thi công lý thiên thượng. Nhưng Chúa Jêsus đã thốt ra lời cầu nguyện trái ngược với bản năng tự nhiên của con người: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì” (c.34).
Sự tha thứ mà Ngài ban dường như là điều không thể, nhưng Chúa Jêsus đã ban cho chúng ta. Trong ân điển thiên thượng, Chúa ban sự tha thứ dư dật.
Sự tha thứ diệu kỳ của Chúa đã thay đổi bạn thế nào? Chúng ta có thể làm gì để giúp người khác kinh nghiệm sự tha thứ thật trong Ngài?
Lạy Chúa, sự tha thứ của Ngài thật diệu kỳ và vượt quá sức tưởng tượng. Trong lúc đau đớn, con thật khó tưởng tượng mình có thể tha thứ như vậy. Xin giúp con và dạy con về tình yêu của Ngài.