Bài học từ tai họa rắn lửa và Đại Dịch Coronavirus

Coronavirus đang làm cho cả thế giới đảo lộn trong mọi lãnh vực, từ kinh tế, xã hội, cho đến sinh hoạt tôn giáo. Coronavirus không chỉ làm chết người mà còn gây hoảng loạn tâm lý, hủy hoại kinh tế, tổn thương xã hội. Coronavirus vượt qua mọi ranh giới, nhanh chóng xâm nhập vào mọi quốc gia, đe dọa mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, hay thành phần xã hội. Cho đến bây giờ vẫn chưa có loại thuốc nào hiệu nghiệm để ngăn ngừa và chữa trị dịch bệnh Coronavirus. Người ta chỉ có thể tìm cách làm chậm sự lây lan của dịch bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang, và đặc biệt là cách ly xã hội. Nhưng nếu việc cách ly xã hội càng kéo dài sẽ càng gây thiệt hại cho kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều phương diện khác của cuộc sống.


Dịch bệnh Coronavirus làm chúng ta liên tưởng đến câu chuyện rắn lửa ngày xưa được Kinh Thánh ghi lại (Dân Số Ký 21:4-9). Sau gần 40 năm hành trình trong đồng vắng, người Ít-ra-ên đã đến gần đất hứa. Dân chúng vui mừng vì sắp bước vào miền đất đượm sữa và mật mà họ đã từ lâu mong chờ. Tưởng mọi việc sẽ dễ dàng và suôn sẻ, họ không ngờ các dân tộc bản địa mang vũ khí ra ngăn cản và bắt một số người làm tù binh. Thế là cả đoàn dân lại phải quay ngược về hướng Biển Đỏ, đi vòng quanh để tránh đối mặt với quân thù. Dân chúng mất kiên nhẫn, họ bắt đầu xúc phạm đến Chúa và cay đắng với Lãnh tụ Môi-se. Họ nổi loạn với người lãnh đạo và tỏ thái độ vô ơn với Chúa là Đấng đã dẫn dắt, nuôi sống, và bảo vệ họ trong suốt gần 40 năm. Vì thế Chúa can thiệp để dạy cho họ một bài học nhằm kéo họ quay lại thuận phục Ngài. Chúa để cho rắn lửa xuất hiện, tràn lan khắp nơi và càng ngày càng nhiều người bị cắn chết.
Chắc hẳn dân chúng đã phải cùng hợp lực tìm mọi cách để đẩy lùi và tiêu diệt rắn độc. Nhưng càng ngày họ càng thấy bất lực vì rắn bùng phát càng lúc càng nhiều. Họ không thể mang theo gậy hay búa để tự vệ khi thấy rắn. Họ không thể luyện đôi chân hay tập những thế võ để khi thấy rắn thì chạy thật nhanh hay nhảy lên để tránh. Họ không thể mặc quần áo phủ kín từ đầu đến chân để che thân khỏi rắn cắn. Họ không thể trốn mãi trong nhà, cư trú tại chỗ để không gặp rắn. Họ không thể chế được thứ vắc-xin nào để ngừa nọc độc. hay loại thuốc nào để giải độc. Càng bất lực trong việc đối phó với rắn độc, dân chúng càng kinh hãi và hoảng loạn. Không còn cách nào khác, đoàn dân ương ngạnh phải “xuống nước” đến xin ông Môi-se cầu nguyện để Chúa cho rắn độc lìa xa. Khi thấy mình bất lực thì con người phải cần đến bàn tay can thiệp của Đức Chúa Trời.
Ông Môi-se là nhà lãnh đạo luôn biết cầu nguyện. Ông thay mặt dân chúng cầu xin Chúa đuổi rắn lìa xa. Nhưng Chúa không đuổi rắn lìa xa, cũng không tiêu diệt rắn. Chúa vẫn để cho rắn lan tràn khắp nơi. Dân chúng vẫn phải tiếp tục đối diện với rắn mỗi ngày. Họ vẫn bị rắn cắn, vẫn bị nhiễm nọc độc, nhưng Chúa đã có cách chữa lành cho họ. Chúa không bảo họ rằng khi bị rắn cắn thì chạy ngay vào đền thờ thực hành một nghi thức tôn giáo để được chữa lành. Nhưng Chúa đưa ra một phương cách xem ra kỳ lạ và chưa từng có tiền lệ. Chúa bảo ông Môi-se làm một con rắn bằng đồng treo lên cây sào, dựng giữa đồng trống, để khi người nào bị rắn cắn nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được sống. Đây là giải pháp nhiệm mầu, không giải thích được bằng khoa học hay lý trí con người. Không ai có thể tự cứu sống bằng một phương pháp nào khác ngoài phương pháp mà Chúa cung ứng. Phương pháp thật đơn giản, ai cũng có thể làm được. Ông Môi-se vâng lời Chúa làm con rắn đồng treo lên cây sào, còn dân chúng thì vâng lời nhìn lên con rắn đồng mỗi khi bị rắn cắn. Nhìn lên con rắn đồng là cái nhìn đức tin.
Khi Chúa Giê-xu đàm đạo với một người tri thức tên là Ni-cô-đem, Ngài đã nhắc lại sự kiện lịch sử này. Ngài nói với ông Ni-cô-đem: “Xưa Môi-se treo con rắn lên trên đồng vắng thể nào, thì Con Người cũng bị treo lên như thế, hầu cho hễ ai tin thì được sự sống đời đời.” Nếu ngày xưa con rắn treo trên cây sào là giải pháp nhiệm mầu và duy nhất cho những người Do Thái bị rắn cắn thì ngày nay Chúa Giê-xu chịu treo thân trên thập tự giá cũng là giải pháp nhiệm màu và duy nhất cho căn bệnh tội lỗi của toàn thể nhân loại.
Chúng ta đang sống trong mùa đại dịch. Mọi người đều sợ hãi và né tránh Coronavirus. Coronavirus khiến chúng ta phải cách ly xã hội. Nhưng tội lỗi là thứ vi-rút còn đáng sợ hơn gấp bội vì không chỉ cách ly xã hội nhưng còn phân rẽ con người với Chúa và dẫn đến sự chết đời đời. Tội lỗi gây ra lòng thù hận, phá vỡ những mối tương quan. Rồi đây người ta sẽ tìm ra vắc-xin để ngăn ngừa và thuốc để chữa trị dịch bệnh, nhưng không thể có một giải pháp nào cho vấn đề tội lỗi vốn phân rẽ con người với Chúa và với nhau. Nỗ lực của con người chỉ làm giảm bớt nhưng không loại trừ được tội lỗi, vì tội lỗi nằm trong chính bản chất con người. Sự chết của Chúa Giê-xu trên trên thập tự giá là giải pháp triệt để cho căn bệnh tội lỗi.
Chúng ta đang kỷ niệm sự thống khổ và phục sinh của Chúa giữa mùa đại dịch. Bài học nào Chúa muốn nhắc nhở chúng ta giữa những lo âu và khủng hoảng mà chúng ta đang đối diện?
Chúa luôn yêu thương chúng ta Với cái chết trên thập tự giá, tình yêu của Chúa đạt đến cao điểm. Chúa là Đấng hằng sống và nguồn sống đã đi vào tận cái chết để kinh nghiệm cái chết như một thực tại kinh hoàng của thân phận con người. Nhìn Chúa Giê-xu quằn quại trên thập tự giá, chúng ta nhận ra rằng đó không đơn giản là một thanh niên 33 tuổi mà chính là Con Thiên Chúa đang bị hành hình đau đớn và sỉ nhục như một tội nhân. Ngài đã gánh hết tội lỗi của chúng ta. Thập tự giá dựng lên từ con tim của Đức Chúa Trời, Đấng yêu thương nhân loại. Liều thuốc ngăn ngừa và chữa trị dịch bệnh tội lỗi giá không hề rẻ. Chúa đã yêu thương chúng ta thì Ngài sẽ yêu cho đến cuối cùng (Giăng 13:1).
Chúa luôn có giải pháp cho mọi vấn đề của chúng ta Giữa những hậu quả khó lường của đại dịch, chúng ta hãy nghe lời dạy của Sứ đồ Phao-lô: “Đức Chúa Trời không tiếc chính Con Ngài mà ban Con ấy cho chúng ta, thì Ngài lại không ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32). Nếu Chúa yêu thương đến nỗi đã chịu chết trên thập tự giá để giải quyết vấn đề tội lỗi thì chắc chắn Ngài cũng sẽ có cách để giải quyết những nan đề của chúng ta.
Chúng ta không tôn thờ một Chúa Cứu Thế đã chết để rồi tuyệt vọng, nhưng chúng ta tôn thờ một Chúa Cứu Thế đã chết và đã sống lại để tìm thấy sự tha thứ và hy vọng. Sự chết và sự phục sinh của Chúa liên kết nhau làm cho giải pháp thập tự giá trở nên hiệu nghiệm, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng cho mọi vấn đề chúng ta đang đối diện. Giữa những bấp bênh của đời sống, chúng ta hãy bước vào sự tĩnh lặng và riêng tư với Chúa để nhìn biết rằng Chúa yêu thương luôn có giải pháp cho những nan đề của chúng ta. Không có việc gì xảy ra ngoài quyền kiểm soát của Chúa. Nếu Chúa yêu thương đã trả giá để giải quyết vấn đề tội lỗi và cứu vớt chúng ta thì chắc chắn Ngài cũng không tiếc gì mà không ban cho chúng ta những điều chúng ta đang cần và mong ước.
Chúa muốn chúng ta luôn ở gần bên Ngài Ngày xưa cũng như ngày nay, Chúa thường dùng những tai họa để kéo con dân Chúa lại gần với Ngài. Đại dịch làm chúng ta phải cách ly xã hội nhưng là cơ hội để chúng ta gần gũi với Chúa nhiều hơn. Chúa từng dạy con dân Ngài khi gặp tai họa: “Hỡi dân Ta, hãy đi vào phòng, và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến khi cơn thịnh nộ đã qua” (Ê-sai 26:20). Vào phòng. Đóng cửa lại. Ẩn mình một lát. Để làm gì? Để tại đó chúng ta ở riêng với Chúa trong sự tĩnh lặng. Tại đó chúng ta xét lòng ăn năn xin Chúa tha thứ, lắng nghe tiếng Chúa. Tại đó chúng ta khẩn thiết kêu xin Chúa thương xót chận đứng cơn đại dịch đang bủa vây trên toàn thế giới. Tại đó chúng ta tìm thấy bình an và hy vọng khi nhận biết rằng sau đêm tối và ánh sáng ban mai. Và tại đó, trong sự tĩnh lặng, chúng ta gần bên Chúa và nhận biết chính Ngài: “Hãy yên lặng và biết rằng chính Ta là Đức Chúa Trời. Ta sẽ được tán dương giữa các nước và được tôn cao trên đất” (Thi Thiên 46:10).
– Mục sư Lê Thiện Dũng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.