Ghi nhớ việc Chúa làm

Kinh Thánh: Ê-xơ-tê 9:18-29 – “Lại người ta phải nhớ lại hai ngày ấy, và mỗi gia tộc trong mỗi tỉnh mỗi thành phải giữ nó trải qua các đời; chẳng được bỏ bê ngày Phu-rim này khỏi giữa dân Giu-đa, và kỷ niệm nó chớ hề mất khỏi dòng dõi họ”. (câu 28)
Ai là người khởi xướng giữ kỷ niệm ngày lễ Phu-rim này? Người dân Giu-đa làm những gì trong ngày lễ đó? Ngày lễ này có ý nghĩa quan trọng gì với dân Giu-đa và với chúng ta?


Ngày lễ Phu-rim được khởi xướng từ ông Mạc-đô-chê, và được tán đồng bởi Hoàng hậu Ê-xơ-tê, là hai nhân vật đã trải qua biết bao thăng trầm trong câu chuyện lịch sử ly kỳ của dân Y-sơ-ra-ên. Hơn ai hết, họ biết tận tường mọi điều mà Chúa đã sắm sẵn và mở đường khi đối diện với nguy nan. Họ biết chắc nếu không có sự can thiệp đặc biệt đến từ Đức Chúa Trời thì không một ai trong dân Giu-đa có thể sống sót trong ngày mười ba tháng A-đa. Đó là lý do mà ông Mạc-đô-chê ra lệnh mọi người dân Giu-đa phải giữ lấy ngày lễ Phu-rim từ đời này sang đời kia. Bởi đây là ngày để tưởng nhớ đến sự cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho dân tộc Giu-đa sinh sống ở xứ sở Ba Tư tránh khỏi nạn diệt chủng do ông Ha-man lập mưu bày kế. Có thể nói đây là một trong những ngày lễ rất quan trọng đối với dân Giu-đa. Thế nên, trong dịp lễ này người ta sẽ đem sách Ê-xơ-tê ra tuyên đọc giữa nhà hội, và hễ khi nào nghe đọc đến tên ông Ha-man, thì mọi người liền dậm chân la lên: “Hãy xóa tên hắn đi.” Bởi tên của ông Ha-man gắn liền với hình ảnh kẻ ác độc cố tình muốn tuyệt diệt dân Giu-đa, và đó là phản ứng của họ khi nghe đến tên ông Ha-man. Bên cạnh đó, mọi người dân sẽ cùng nhau mở yến tiệc ăn mừng, cùng gửi phần ăn cho nhau và trao quà tặng cho người nghèo khó.
Chúng ta thấy một trong những cách giáo dục con cái của người Y-sơ-ra-ên là kể cho con cháu họ nghe những câu chuyện lịch sử của dân tộc họ. Nếu như người Y-sơ-ra-ên có lịch sử của riêng họ, thì người Tin Lành Việt Nam cũng có những câu chuyện lịch sử riêng của chúng ta. Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta hiện nay là, chúng ta am hiểu bao nhiêu về lịch sử của giáo hội mình? Nếu nhìn về hơn 100 năm qua, kể từ ngày Tin Lành truyền đến Việt Nam, hoặc ngay cả nhìn về lịch sử của Hội Thánh mình đang nhóm lại, chúng ta sẽ thấy được vô vàn những phép lạ Chúa đã làm trên Hội Thánh Ngài. Đây là những câu chuyện sống động giúp chúng ta cảm nhận được thể nào Chúa đã đồng hành với Hội Thánh Chúa trong từng chặng đường khác nhau của lịch sử. Thế nên, hãy dành thời gian tìm hiểu về lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, và tại Chi Hội mình đang tham dự. Hãy kể lại cho con cháu nghe để nung nấu lòng biết ơn Chúa của gia đình mình.
Câu chuyện nào trong lịch sử của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam khiến bạn cảm động nhất?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì những điều Ngài đã làm trên dân tộc con. Xin giúp con luôn ghi nhớ những điều đó, và kể lại cho thế hệ sau của con để cùng nhau ghi nhớ ơn Ngài.
(Sưu tầm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.