Phàm là con người thì rất sợ bị kẻ khác xem thường. Bởi vậy khi cảm thấy bản thân thua thiệt, thấp kém hơn, liền nảy sinh tâm lý chê bai, hạ thấp người khác. Có thể gọi đó gọi là một loại “mặc cảm bồi thường”.
Chê bai, hạ thấp ai đó, người ta sẽ cảm thấy như mình ưu việt hơn người kia, vừa hay lại bù đắp được những tổn thương tâm lý cho mình. Vì sao nhiều người thích nói xấu người khác? Là bởi mỗi khi phê bình, chỉ trích ai, người ta cảm thấy dường như mình “cao hơn” người khác một tầng. Nó cũng giống như là bơm hơi vào bánh xe cho căng phồng lên vậy. Khi đang chỉ ra những khuyết điểm, tội lỗi của người khác, chính là ta đang tự bơm mình lên, tự đề cao chính mình.
Vì sao người ta thích nổi nóng? Cũng lại vì tính tự ti. Nóng giận có thể giúp họ che giấu đi việc mình không có năng lực. Chỉ cần nổi nóng, nổi đóa, xù lông lên, còn ai dám đụng vào bạn nữa đây? Chỉ cần giơ nắm đấm lên và đập mạnh xuống bàn thì còn ai dám hoài nghi năng lực của bạn?
Rất nhiều người lấy sự tức giận để lấp liếm đi sai lầm của mình, trước sau nhất định không bao giờ nhận lỗi. Phải chăng là bởi dám nhận lỗi lầm trước mặt người khác là việc đòi hỏi phải có dũng khí lớn mà kẻ đang tức giận kia lại chẳng hề có đủ để làm.
Bởi vậy mới nói, tự cao chỉ là thể hiện bên ngoài, tự tin thực sự phải đến từ một nội tâm mạnh mẽ. Kẻ kiêu ngạo, nổi nóng, tự cao tự đại, bề ngoài nhìn có vẻ như cái gì cũng biết, cái gì cũng không sợ nhưng thực ra bên trong là “thùng rỗng kêu to”, vô cùng yếu đuối. Người càng tự ti thì càng muốn khoa trương vẻ bề ngoài của mình để lấp đầy khoảng trống bên trong.
Có một câu chuyện rất vui như thế này về những cái “thùng rỗng”:
Khỉ và lợn rừng nhịn đói đã mấy ngày, trong bụng rỗng không, cảm thấy sắp kiệt quệ đến nơi. Trên đường tìm thức ăn chúng phát hiện ra một hang động, bên trong có một lão đạo trưởng đang ngồi kiết già bên cạnh hai chiếc bình. Khỉ lại gần vị đạo sĩ van lơn: “Thưa lão đạo trưởng, chúng tôi đói bụng đã lâu ngày, đến giờ vẫn chưa có gì cho vào bụng, sắp chết đói cả. Xin lão đạo trưởng nhón tay làm phúc cứu giúp cho”.
Vị đạo trưởng vuốt râu, mỉm cười: “Ở đây ta có hai chiếc bình bên trong đựng đầy đồ ăn, một chiếc rỗng và một chiếc đầy. Các ngươi chỉ được quan sát từ xa và chọn một trong hai thôi”.
Khỉ ta nhanh nhẹn quay về phía hai chiếc bình nói: “Lão đạo trưởng nói sai rồi. Tôi khẳng định cả hai chiếc bình này đều rỗng không cả, làm gì có thức ăn cơ chứ!”.
Vừa dứt lời, một chiếc bình bèn vội vã mở miệng lên tiếng: “Không phải, tôi chính là chiếc bình đựng đầy thức ăn!”.
Khỉ nghe thoáng qua, liền tiến đến chọn ngay chiếc bình còn lại và mang đi. Khi vừa mở nắp, quả nhiên bên trong đầy ắp đồ ăn. Lợn rừng thắc mắc: “Làm sao mà anh biết được trong này có thức ăn?”. Khỉ cười khì khì: “Người trong lòng rỗng không sợ nhất là bị người ta nói rằng mình chính là cái bình rỗng, người trong lòng có của, ai có nói gì họ cũng chẳng bận tâm”.
Quả vậy, người có nội tâm mạnh mẽ thì chẳng bao giờ phải đi chứng minh với người khác rằng mình mạnh mẽ ra sao. Nếu là Mặt Trời thì cơ bản là không cần phải đốt thêm nhiều nến để tăng thêm ánh sáng.
Người có năng lực thực sự không cần phải tỏ ra cứng cỏi. Bạn đâu có nhìn thấy gió, phải không? Nhưng gió lại có thể thổi bật cả cây đại thụ. Thoạt nhìn, nước rất nhu nhược, yếu mềm nhưng lại có thể làm núi đá phải mòn.
Trên thực tế, những người có vẻ ngoài ôn nhu nhất lại chính là người mạnh mẽ nhất. Người thực sự có dũng khí thì mới có thể buông tâm, buông bỏ sĩ diện cá nhân. Chỉ có người tràn đầy tự tin, kiêu hãnh mới có thể khom lưng, nhún nhường, nhu nhẫn.
Ở đời, lùi kỳ thực chính là tiến, nhường kỳ thực chính là được phần hơn. Vĩnh viễn không có cách nào đánh bại được người vốn không hề muốn tranh đoạt, muốn thắng, muốn so tài cao thấp với bạn, hãy nhớ kỹ!
Nguyệt Hạ