(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Nhiều lần, tôi cầu xin Chúa thay đổi nỗi đau. Tôi đã mất ngủ và đau bụng. Tôi đã nghiên cứu, tìm kiếm sự hướng dẫn, lập kế hoạch và theo đuổi các biện pháp tốt nhất. Tôi cầu nguyện hết lần này đến lần khác, cầu xin Chúa xóa tan cơn đau của tôi. Tôi muốn nó chấm dứt.
Tôi được khuyên dạy rằng, trong đau khổ và yếu đuối, tìm thấy niềm vui lớn lao sẽ được tìm thấy. Làm sao điều này có thể? Có điều gì tốt trong nỗi đau của chúng ta?
Và tôi nhận ra, chúng ta sẽ không bao giờ trải nghiệm được niềm vui này nếu không kinh nghiệm được sự hiện diện của Chúa, và rằng món quà tuyệt vời của Chúa sẽ đến giữa những khoảnh khắc khó khăn nhất của chúng ta.
Đức Chúa Trời kéo chúng ta lại gần
Vào ngày đẹp nhất, tràn ngập mọi phước lành đời sống tốt đẹp như tình bạn, tiệc tùng và ca hát, thật dễ khiến bạn quên Chúa. Chúng ta nuốt chửng những món quà của Ngài và sống với sự tự cung tự cấp. Đây là lý do tại sao C. S. Lewis đã viết, “Chúng ta có thể phớt lờ ngay cả niềm vui. Nhưng nỗi đau vẫn khăng khăng đòi được quan tâm. Chúa thì thầm trong niềm vui, nói trong lương tâm, nhưng hét lên trong nỗi đau của chúng ta”.
Chúng ta thường chỉ thấy những gì đau khổ lấy đi nhưng lại bỏ lỡ những gì Chúa ban tặng. Chịu khổ giống như cuộc xâm lược, kẻ xâm nhập cướp đi những gì chúng ta yêu mến và tận hưởng. Nhưng còn hơn cả xâm lược; đó là lời mời gọi cá nhân từ Chúa. Ngài hét lên giữa cơn bão để chúng ta đến và ở cùng Ngài.
Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài
Bạn kêu cầu Chúa thay đổi cuộc đời mình và Ngài không làm vậy. Phao-lô cũng đã trải qua tương tự. Ông đã cầu xin Chúa cất đi nỗi đau khổ mình, và Chúa đã trả lời Phao-lô như Ngài thường đáp lời chúng ta: “…Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối…” (2 Cô-rinh-tô 12:9). Chúa phán Ngài sẽ không ban cho Phao-lô món quà giải cứu, nhưng Ngài sẽ ban cho ông điều lớn hơn: ân điển biết được sự hiện diện và quyền năng của Ngài.
Chúng ta thường trút hết nỗi lòng với Chúa nhiều nhất không phải trong lúc vui vẻ; mà là khi lo lắng, cô đơn, bị phản bội và choáng ngợp.
Có những khía cạnh về phẩm tính và quyền năng của Chúa mà chúng ta sẽ không bao giờ biết nếu không trải nghiệm sự yếu đuối của mình trước. Tôi chỉ có thể cảm nhận sâu sắc tình yêu của Chúa Cha sau khi cha mẹ tôi ly hôn. Tôi sẽ không cảm thấy sự an ủi của Chúa như nơi ẩn náu nếu vợ tôi và tôi không phải đối mặt với tình trạng vô sinh và sảy thai nhiều lần.
Tôi sẽ không bao giờ biết được sự hiện diện thành tín của Chúa Jêsus như người bạn nếu tôi không di chuyển hàng ngàn dặm, bỏ lại tất cả bạn bè và gia đình phía sau. Tôi sẽ không biết được ý nghĩa của việc nghỉ ngơi trong sự công chính của Ngài nếu tôi không bị vu khống. Tôi sẽ không bao giờ biết rằng Chúa là Đấng chu cấp nếu tôi không phải vật lộn để trả các hóa đơn. Tôi sẽ không biết được ý nghĩa của việc Ngài biết tên tôi mà không có kinh nghiệm cảm thấy mình thấp kém. Tôi sẽ không biết được sự tự do của sự tha thứ nếu tôi không nhìn thấy tội lỗi chính mình.
Chúa muốn ban cho bạn nhiều hơn là chỉ hiểu biết về Ngài; Ngài muốn bạn trải nghiệm Ngài theo cách cá nhân. Bạn có thể biết được đời sống dồi dào của Đấng Chăn Chiên mà không biết trước trũng bóng chết (Thi Thiên 23:4) không? Bạn có biết được sức mạnh trọn vẹn của vầng đá trước khi những con sóng đập vào xung quanh không? Chúa sử dụng sự yếu đuối để khiến bạn tin cậy hơn vào quyền năng hoàn hảo của Ngài. Qua sự yếu đuối của bạn, Ngài dẫn dắt bạn trải nghiệm và tận hưởng tất cả Ngài.
Đức Chúa Trời thêm sức cho chúng ta
Phao-lô nói, “… Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi… Vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ.” (2 Cô-rinh-tô 12:9–10).
“Tự hào” ở đây nghĩa là tự tin và tin cậy vào Chúa bất chấp hoàn cảnh của một người. Tôi biết điều này thật khó. Những nỗi đau lớn nhất trong đời tôi là những lời cầu nguyện không được đáp lại. Tôi biết Chúa nói Ngài là Ai; Tôi tin. Nhưng tôi không thấy Ngài làm những gì tôi biết Ngài có thể làm. Tôi đã cầu nguyện, “Lạy Chúa, con biết Ngài quyền năng, vì vậy hãy hành động. Con biết Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của con, vì vậy xin hãy đáp lời. Con biết Ngài yêu con, vì vậy xin hãy thể hiện tình yêu Ngài. Con đã thấy Ngài đến trong quá khứ, trong Lời Ngài và vì những người khác. Vậy tại sao không phải bây giờ? Tại sao không phải vì con?”.
Qua sự yếu đuối của bạn, Chúa dẫn dắt bạn trải nghiệm và tận hưởng tất cả phẩm cách Ngài.
“Tự hào” nghĩa là chúng ta vẫn tin Chúa là tốt lành, khôn ngoan và không bỏ rơi chúng ta ngay cả khi chúng ta không hiểu, khi chúng ta mong muốn hoàn cảnh khác đi. Tự hào về Chúa làm chúng ta mạnh mẽ hơn vì chúng ta ngừng dựa vào chính mình và những hy vọng không thành, thay vào đó tìm thấy nguồn sức mạnh và niềm vui thực sự của mình trong Ngài.
Tất cả chúng ta đều sống chịu khổ. Tất cả đều trải qua sự biến mất của những gì mình yêu thương và hy vọng. Bạn có thể cảm thấy vô ích và thất bại này ngay bây giờ. Nhưng chịu khổ còn hơn cả một điều gì đó để “vượt qua”. Chúa đang làm một triệu điều trong nỗi đau khổ của bạn, giải quyết vô số chi tiết mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được. Chúng ta không biết hầu hết những gì Ngài đang làm, nhưng chúng ta biết rằng nếu chúng ta thuộc về Ngài, đau khổ là một món quà.
Sưu tầm
www.hoithanhvuonnhoaz.com