Lời Cầu Nguyện Vô Ích

SỰ CẦU NGUYỆN CÓ Ý NGHĨA VỚI BẠN NHƯ THẾ NÀO?

Bài: Trevin Wax; dịch: Sarah Doan
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Lời cầu nguyện vô ích

Ngày nay, dường như những lời cầu nguyện tha thiết không còn nhiều ở nhà thờ nữa.

Chỉ cần hỏi các Mục sư về số người tham dự các buổi cầu nguyện Hội Thánh sẽ rõ. Ngay cả những buổi sáng Chúa nhật. Cầu nguyện giờ đây như một cơ hội để có sự thay đổi hoặc chuyển tiếp nhanh chóng, rằng mọi thứ sẽ thay đổi khi nhắm mắt lại. Như thể lời cầu nguyện trở thành vỏ bọc cho một điều gì khác, nó cần một chỗ dựa để làm cho nó hiệu quả và thiết thực hơn.

Nhiều người đang gặp khó khăn trong việc cầu nguyện riêng tư. Lời cầu nguyện dường như vô ích. Chúng ta không cảm thấy thật gần gũi với Chúa khi cầu nguyện. Không nhìn thấy “kết quả” – câu trả lời rõ ràng từ những lời cầu nguyện.

Vậy, vấn đề là gì? Tại sao phải dành thời gian quỳ gối để suy ngẫm, trò chuyện với Chúa, suy ngẫm Lời Ngài, khi chẳng có gì để được tỏ bày sau đó?

Sự vô ích của việc cầu nguyện liên tục

Bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng cầu nguyện là khoảng thời gian quý báu nếu bạn chỉ hướng đến sự cầu nguyện để tìm kiếm ích lợi. Đó là điểm khởi đầu sai lầm.

Để lời cầu nguyện có ý nghĩa, chúng ta phải thay đổi quan điểm của mình. John Starke nói : “Cầu nguyện là điều điên rồ nhất hoặc là tin tức tuyệt vời nhất”. Thật điên rồ nếu không có Chúa và chúng ta chỉ nói chuyện với những bức tường. Thật đáng kinh ngạc nếu cầu nguyện là sự hiệp thông thực sự với Đức Chúa Trời, nhân danh Cứu Chúa Jêsus Christ, và trong sự trợ giúp của Đức Thánh Linh.

Hướng vào bên trong

Điều gì đang xảy ra với chúng ta, bên trong, khi chúng ta cầu nguyện?

Một sự sắp xếp lại của tấm lòng. Đây là một sự thật phũ phàng: Nếu đời sống cầu nguyện của bạn có cảm giác hời hợt và nông cạn, thì đó thường là phản ánh sự hời hợt và nông cạn của những gì bên trong bạn. Lời cầu nguyện như một tấm gương soi cho chúng ta thấy tình trạng thảm hại của tấm lòng mình. Chúng ta chuyển từ yêu cầu này sang yêu cầu khác với những suy nghĩ mình muốn, trong khi đánh mất những ước muốn sâu sắc hơn mà Chúa muốn ban cho chúng ta.

Theo thời gian, lời cầu nguyện tác động lên chúng ta từ trong ra ngoài, mời gọi chúng ta hiệp thông với Cha, Đấng luôn vui lòng lắng nghe, ngay cả khi chúng ta nghe có vẻ trẻ con và non nớt. Chúng ta là con của Ngài, và Ngài yêu thương chúng ta, Ngài mỉm cười khi thấy chúng ta lớn lên trong đức tin trọn vẹn. Khi chúng ta lặp lại những lời của tác giả Thi Thiên, khi chúng ta hòa giọng với các vị thánh vĩ đại thời xưa, khi đắm mình trong Kinh thánh, chúng ta thấy lòng mình rộng mở hơn. Sự kiên trì trong cầu nguyện dẫn đến sự biến đổi những ước muốn của chúng ta.

Hướng ra bên ngoài

Nhưng tất nhiên, lời cầu nguyện không chỉ dành cho chúng ta. Chúng ta cầu nguyện vì lợi ích của người khác.

Bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện, chúng ta đang hòa vào một dàn đồng ca từ khắp nơi trên thế giới, những người đứng cùng chúng ta trước ngai ân điển. Ai đó, ở đâu đó cũng đang cùng bạn trong lời Cầu Nguyện Chung.

Cầu nguyện là sự rộng lượng, dành một chút quan tâm đến nhu cầu của người khác. Cầu nguyện cho ai đó, kết nối tấm lòng và tâm trí với ai đó trong lúc cần thiết. Cầu nguyện làm tan biến đi những nỗi cô đơn, trống trải.

Đã rất nhiều lần chúng ta nghĩ cầu nguyện là điều kiện tiên quyết cho chức vụ thực sự. Nhưng Oswald Chambers đã đúng: “Cầu nguyện không phải là chuẩn bị cho công việc; Cầu nguyện là công việc”. Công việc bên trong của lời cầu nguyện hướng chúng ta ra bên ngoài.

Hãy suy nghĩ về điều này. Vì Chúa ở ngoài thời gian nên Ngài có thể đáp lại lời cầu nguyện của con người không dựa trên thời gian. Bây giờ bạn có thể cầu nguyện cho điều gì đó mà bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy trong đời. Hãy coi những lời cầu nguyện của bạn giống như những vật thể bạn phóng vào không gian, tiếp tục trôi nổi và du hành trong vũ trụ cho đến khi Chúa thấy phù hợp để kéo chúng vào một quỹ đạo cụ thể và đưa chúng đến đích mong muốn một cách an toàn. Đức Chúa Trời có thể đáp lại lời cầu nguyện hôm nay, năm sau, hoặc một ngàn năm sau. “Những lời cầu nguyện là bất diệt”.

Hướng lên Cứu Chúa

Ngay cả khi có người hướng dẫn, tâm trí chúng ta vẫn dễ dàng lang thang để bước vào sự cầu nguyện. Thật khó để bạn luôn tập trung vào Chúa, ca ngợi những thần tính của Ngài và dâng lên Ngài nhu cầu của người khác.

Tại sao phải làm công việc khó khăn này? Đặc biệt là khi nó có vẻ không hữu ích?

Bởi vì Chúa lớn hơn chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không ở trong lĩnh vực kết quả và thống kê, “sự đánh đổi”, “số liệu” hay “cách thức”. Chúng ta không ở trong một thế giới của thành công và thất bại. Cầu nguyện là cách để chúng ta nhìn lên Chúa, điều răn đầu tiên và lớn nhất của Ngài là kêu gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa bằng cả tấm lòng, tâm trí và linh hồn. Bạn không thể đo lường hoặc định lượng mục tiêu đó. Bạn chỉ có thể hết lòng!

Tim Keller viết, lý do Thiên Chúa Ba Ngôi kêu gọi chúng ta trò chuyện với Ngài là “vì Ngài muốn chia sẻ niềm vui mà Ngài có. Cầu nguyện là cách chúng ta bước vào nguồn phước của chính Chúa”.

Niềm vui cầu nguyện

Yêu người phối ngẫu của bạn có hữu ích không? Dành thời gian cho con có hiệu quả không? Cuộc trò chuyện của bạn với một người bạn thân đem đến kết quả như thế nào? Những thuật ngữ như “hữu ích”, “hiệu quả” và “kết quả” thật ngớ ngẩn khi áp dụng cho các mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta. Ở đây, chúng ta không nói về bất cứ điều gì có vẻ thiết thực và hữu ích. Chúng ta đang ở trong vương quốc của tình yêu. Đây là về niềm vui.

Vì vậy, hãy mang lấy tấm lòng. Cầu nguyện không phải là một công cụ nhưng là một mục đích. Đỉnh điểm của lời cầu nguyện là sự gần gũi với Thiên Chúa và niềm vui đến từ sự hiện diện của Ngài.

www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.