(MS Trần Mạnh Hùng)
Hôm nay chúng ta cùng học về chủ đề SỰ TÀN PHÁ CỦA LÒNG GHEN GHÉT. Dường như chủ đề ngược với câu nói được Đức Thánh Linh xức dầu qua Phao-lô: “Sự tin kính và sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn.”
Sức mạnh của lòng ghen ghét tàn phá con người, tàn phá chính bản thân người ghen ghét, tàn phá mối quan hệ của người đó với những người xung quanh, tàn phá tương lai của người đó và tàn hại đến nước Trời và danh của Ngài.
Châm ngôn 14:30 “Lòng bình tịnh là sự sống của thân thể còn sự ghen ghét là đồ mục của xương cốt.”
Có nghĩa là thân thể chúng ta sẽ khỏe mạnh, sẽ sống lâu, sẽ vui vẻ khi chúng ta có một tấm lòng bên trong bình tịnh. Còn sự ghen ghét làm mục nát trong xương cốt. Từ mục nát làm chúng ta liên tưởng đến a-xít. A-xít là một chất tàn phá, ăn mòn sắt thép, a-xít bào mòn hết thảy mọi kim loại. Sức mạnh của lòng ghen ghét cũng vậy, nó có thể tàn phá làm mục nát xương, thân thể của bạn. Không chỉ tàn phá xương, lòng ghen ghét còn tàn phá tâm hồn và phá hoại tâm linh của bạn nữa. Chính vì vậy mà chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu về tác hại của lòng ghen ghét.
Lòng ghen ghét là đứa con đầu lòng của tính kiêu ngạo. Sự ghen ghét mang tới bệnh tật trong thân thể, hủy hoại mối quan hệ giữa chúng ta với người khác, tiêu diệt tài năng, tiêu diệt tương lai cá nhân người đó, tiêu diệt dòng dõi người đó.
Tục ngữ Việt Nam có các câu bộc lộ lòng ghen ghét như: “Con gà tức nhau tiếng gáy; Trâu buộc ghét trâu ăn; Không ăn thì đạp đổ; Chọc gậy bánh xe; Ghen ăn tức ở…”
Bạn ơi! Tính kiêu ngạo không dè chừng bất kỳ một ai, chúng ta phải cẩn thận và nhận biết nó từ xa. Hãy nhớ, đừng nhìn vào người lân cận mà nói “Chỉ có anh có sự ghen tỵ còn tôi thì không có.” Nếu chúng ta là con cháu của A-dam và Ê-va thì bên trong chúng ta đã có hạt giống của sự kiêu ngạo, và từ hạt giống kiêu ngạo đó sinh ra lòng ghen ghét. Chúng ta phải thừa nhận rằng mình có tính ghen ghét này. Cần phải diệt trừ nó, hạn chế nó cách tối đa.
Khi nhìn thấy một người được ơn, bạn thường có hai sự lựa chọn: Hoặc là bạn ngưỡng mộ tôn trọng họ, hoặc là bạn ghen tỵ với họ.
Ngưỡng mộ và tôn trọng giống như Phao-lô nói: “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đấng Christ”. Sự ngưỡng mộ, mong muốn bắt chước để trở thành như ai đó tạo nên động cơ để bạn học tập, vươn lên. Giống như Ê-li-sê nói với thầy của mình: “Thầy ơi, hãy cho con được sự xức dầu gấp bội.”
Hoặc là bạn lựa chọn sự ganh tỵ. Ganh tỵ mang tới sự ganh ghét, ganh ghét mang tới sự chống phá, chống phá mang tới việc tìm cách hãm hại người được xức dầu. Hãm hại người được xức dầu không đồng nghĩa rằng bạn sẽ được sự xức dầu gấp đôi. Không có chuyện bạn dập tắt ngọn nến của người khác thì ngọn nến của bạn sẽ sáng hơn. Bạn muốn ngọn nến chính mình sáng hơn thì hãy thắp sáng ngọn nến của người khác nữa. Hãy giúp cho ước mơ của người khác được thành thì ước mơ của bạn sẽ được thành.
Giô-sép khi chạy theo ước mơ riêng của mình thì hoạn nạn, tai họa ập đến nhưng khi ông dẹp ước mơ riêng của mình để giúp cho giấc mơ của Pha-ra-ôn được thành thì giấc mơ của Giô-sép cũng được thành.
BÀI HỌC TỪ CHÚA JESUS
Trong thời kỳ Chúa Jesus bước vào chức vụ thì rất nhiều con người cũng nổi lên và quảng cáo bản thân. Ngày Chúa ở trong đồng vắng thì ma quỷ đã thử thách Ngài thế nào?
Ma-thi-ơ 4:5-7 “Ma quỉ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ, 6 và nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, Thì các Đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, Kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng. 7 Đức Chúa Jêsus phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.”
Ma quỷ chỉ trích một câu trong Thi-thiên 91 để thổi, để thử thách để khiến Chúa Jesus bước vào sự quảng cáo bản thân. Thử thách Chúa có nghĩa là sử dụng Lời hứa của Ngài để thực hiện ý muốn riêng của bản thân.
Ma-thi-ơ 4:8-10 “8 Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; 9 mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy. 10 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.”
Đây là cách chúng ta học từ Chúa để xử lý tính ganh tỵ: Ma quỷ thổi vào bạn sự ganh tỵ để mình muốn hơn người khác, để mình vinh hiển hơn, quyền năng hơn để so sánh với người khác chứ không phải mở mang nước Trời và làm vinh hiển danh Chúa. Cảm ơn Chúa, đây chính là điều giúp chúng ta xử lý tính ganh tỵ và kiêu ngạo của mình: “Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời và hầu việc một mình Ngài mà thôi”. Hãy xây dựng vương quốc của Ngài chứ không phải vương quốc cho chúng ta.
Ma-thi-ơ 4:11 “Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài.”
Khi bạn chiến thắng sự ganh tỵ thì bạn không bị giảm ơn mà được thêm ơn. Nếu bạn ganh tỵ thì điều đó sẽ làm cho thân thể bạn bị mục nát, tâm hồn của bạn cay đắng, tâm thần của bạn mất sự tương giao với Đức Chúa Trời.
BÀI HỌC TỪ MÔI-SE
Dân số ký 11: 26-30 “26 Có hai người ở lại trong trại quân; một người tên là Ên-đát, một người tên là Mê-đát, được Thần cảm động, nói tiên tri tại trại quân. Hai người nầy thuộc về bọn được biên tên, nhưng không có đến hội mạc. 27 Một đứa trai trẻ chạy thuật lại cùng Môi-se rằng: Ên-đát và Mê-đát nói tiên tri trong trại quân. 28 Giô-suê, con trai của Nun, là người hầu việc Môi-se, đáp lại mà rằng: Hỡi Môi-se, chúa tôi, hãy cấm chúng nó! 29 Môi-se đáp rằng: Ngươi ganh cho ta chăng? Ôi! chớ chi cả dân sự của Đức Giê-hô-va đều là người tiên tri, và chớ chi Đức Giê-hô-va ban Thần của Ngài cho họ! 30 Môi-se và mấy người trưởng lão đều lui vào trại quân.”
Hội thánh sẽ có nhiều người hay mách lẻo để kích động sự kiêu ngạo, sự ganh tỵ. Cảm ơn Chúa vì Môi-se đã để lại cho chúng ta một bài học về tấm lòng thắng sự ganh tỵ. Hãy nhìn vào chương trình của Chúa. Hãy nhìn vào bàn tay của Ngài. Tất cả từ Ngài, bởi Ngài, hướng về Ngài. Nếu lòng của những người hầu việc Chúa hiểu được nguyên tắc này thì chúng ta sẽ chiến thắng sự ganh tỵ từ xa.
Qua Môi-se chúng ta biết được cách làm sao để thắng sự ganh ghét:
CÁCH ĐỂ THẮNG SỰ GANH GHÉT
- Phải luôn luôn ở trong sự hiện diện của Ngài và Lời của Ngài.
Nếu bạn ở trong sự hiện diện của Chúa và Lời Ngài ở trong lòng của bạn thì bất cứ điều gì xảy ra bạn sẽ phân biệt được: Điều gì đến từ Ngài, điều gì không đến từ Ngài kể cả những suy nghĩ ở bên trong tâm trí, bên trong xác thịt của bạn.
- Phải hiểu được tác hại của sự ganh tỵ.
Nếu như Môi-se dập tắt những con người vừa nói tiên tri đó thì ông đã đụng tới những người được xức dầu, ông sẽ dọa những người được xức dầu không còn dám hành động nữa.
- Biết tạ ơn Đức Chúa Trời cho những điều tốt đẹp mà người khác có.
Vì sao cần tạ ơn cho người khác? Bởi vì họ ở chung một cơ thể với chúng ta. Mỗi một chi thể trong cơ thể bạn khỏe thì cả thân thể của bạn được phước. Còn mỗi một chi thể trong cơ thể của bạn bị đau thì cả thân thể của bạn mất ăn, mất ngủ.
Nếu chúng ta nhìn vào những người khác ở trong cùng một thân thể, họ được phước, họ được thần của Ngài cảm động, họ được Chúa ban ơn cho thì hãy tạ ơn Chúa vì điều đó. Vì họ được phước thì bạn và tôi có lợi.
CÂU CHUYỆN NGƯỜI TRỒNG NGÔ
Có một lão nông dân trồng được ruộng ngô rất mẩy hạt. Mỗi lần thu hoạch xong, ông lại chọn những hạt giống tốt để đi biếu cho những người hàng xóm của mình. Có người lấy làm lạ về việc làm của ông, bèn hỏi: “Vì sao ông lại tốt như vậy?”
Ông nói rằng: “Việc tôi tặng hạt giống tốt cho mọi người là có lợi cho chính tôi. Bởi vì vườn ngô nhà tôi nằm ở giữa vườn ngô của mọi người. Nếu vườn ngô của mọi người lép thì hạt phấn ngô lép đấy sẽ bay sang vườn nhà tôi. Vì vậy, tôi tặng hạt giống tốt cho mọi người thì có lợi cho tôi vì vườn ngô của các ông các bà mẩy hạt thì vườn ngô của tôi cũng mẩy hạt.”
Hãy biến sự ganh ghét thành lời tạ ơn Chúa vì Ngài ban ơn cho người khác để chúng ta được phục vụ.
SỰ TÀN PHÁ CỦA LÒNG GANH GHÉT
- Có hại cho thân thể chúng ta.
Hỡi những ai đang ủ ấp sự ganh tỵ với người khác thì bạn cần cảnh tỉnh, mở mắt ra. Tôi đã rơi vào trầm cảm vì kiệt sức, tôi bị rách động mạch chủ bụng nằm chờ chết. Bạn biết điều này đến từ đâu không? Bởi vì sự không tha thứ, bởi vì sự đau buồn, bực tức: “Tại sao Chúa lại để điều này xảy ra với con?” Sự ganh tỵ đã khiến cho thân thể của tôi bị bệnh hoạn.
Y học đã chứng minh rằng hai trăm căn bệnh mà thân thể loài người phải chịu, nó đến từ bệnh trong cảm xúc từ tinh thần. Bảy mươi phần trăm những căn bệnh mà con người có trong thân thể đến từ bệnh của tinh thần. Sự tức giận, sự chán nản, sự buồn, sự sợ hãi, sự nghi ngờ, sự căm thù, sự không tha thứ… khiến cho bạn mất ăn mất ngủ. Nó khiến động mạch, tĩnh mạch, huyết áp, tim mạch, dạ dày của bạn bị đau.
Nếu như lòng chúng ta được bình tịnh, thắng được sự ganh ghét thì đó là một lợi lớn “Sự tin kính và sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn.” Ở đó không có chỗ cho sự ganh ghét, đó là một lợi lớn. Thân thể của bạn sẽ chiến thắng và vượt qua hơn hai trăm căn bệnh đến từ cảm xúc, tinh thần.
- Sự ganh ghét làm cho tâm hồn, tương lai, cái ơn của chúng ta bị phá hoại.
Chúng ta biết, sa-tan rất ganh ghét đối với Đức Chúa Trời. Nó muốn nâng mình lên bằng với Đức Chúa Trời. Chính vì vậy, Kinh Thánh chép rằng “Từ thiên sứ, sa-tan đã trở thành quỷ sứ.”
BÀI HỌC TỪ CA-IN
Ca-in là con đầu lòng của A-dam và Ê-va, là trưởng nam đầu tiên của nhân loại. A-dam và Ê-va có nhiều con trai con gái, tuy nhiên có ba người con đại diện cho ba điều khác nhau: Thứ nhất là Ca-in, đại diện cho thế gian, đại diện cho những người ganh ghét, đại diện cho xác thịt; Thứ hai, A-bên đại diện cho người được Chúa ban ơn, không bởi tội gì, bị giết chết bởi vì được ơn và được Chúa yêu và người ta ghét. Đó là hình bóng của Chúa Jesus sau này; Thứ ba, Sết là hình bóng của nhóm người tìm kiếm Đức Chúa Trời và tìm cầu Ngài.
Ca-in, vì của lễ không được Chúa nhậm, ông đã không đặt câu hỏi vì sao để tìm kiếm câu trả lời nhưng lập tức đổ hết thảy mọi sự ganh ghét vào A-bên, em trai mình. Ca-in đã giết em trai của mình. Cuối cùng, ông bị mất quyền trưởng nam và bị đuổi ra khỏi gia đình yên ấm và bị đe dọa bởi sự chết.
Sáng thế ký 4:10-14 “10 Đức Giê-hô-va hỏi: Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta. 11 Bây giờ, ngươi sẽ bị đất rủa sả, là đất đã hả miệng chịu hút máu của em ngươi bởi chính tay ngươi làm đổ ra. 12 Khi ngươi trồng tỉa, đất chẳng sanh hoa lợi cho ngươi nữa; ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất. 13 Ca-in thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sự hình phạt tôi nặng quá mang không nổi. 14 Nầy, ngày nay, Chúa đã đuổi tôi ra khỏi đất nầy, tôi sẽ lánh mặt Chúa, sẽ đi lưu lạc trốn tránh trên đất; rồi, xảy có ai gặp tôi, họ sẽ giết đi.”
Hậu quả của sự ganh ghét mang tới việc giết người, máu vô tội đổ xuống dưới đất. Hậu quả của sự ganh ghét khiến Ca-in trở thành kẻ giết người. Đất đã bị rủa sả – người làm lụng vất vả nhưng đất không mang lại hoa lợi. Cả cuộc đời của Ca-in phải chạy trốn, luôn bị đe dọa. Đó là hậu quả kinh hoàng của sự ganh ghét.
BÀI HỌC TỪ SAU-LƠ, BỐ VỢ CỦA ĐA-VÍT
Sau-lơ là vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Y-sơ-ra-ên là tuyển dân của Chúa, được biệt riêng cho Ngài. Sau-lơ làm vua Y-sơ-ra-ên là đang hướng dẫn, quản trị dân sự của Chúa. Nhưng Sau-lơ cứ nghĩ đây là vương quốc của mình, không ai được quyền xâm phạm.
Chúa đã sai Đa-vít đến để giúp Sau-lơ chứ không phải giết Sau-lơ. Nhưng Sau-lơ lại nghĩ Đa-vít đến để giết ông cho nên ông tìm mọi cách hãm hại Đa-vít.
I Sa-mu-ên 18:6-9 “6 Khi Đa-vít đã giết được người Phi-li-tin, trở về cùng đạo binh, thì những người nữ của các thành Y-sơ-ra-ên đi ra đón Sau-lơ, hát múa, đánh trống cơm, gõ nhịp, và reo tiếng vui mừng. 7 Những người múa đối đáp nhau rằng: Sau-lơ giết hàng ngàn, Còn Đa-vít giết hàng vạn! 8 Sau-lơ lấy làm giận lắm, và các lời nầy không đẹp lòng người. Người nói: Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta hàng ngàn; chỉ còn thiếu cho nó ngôi nước mà thôi! 9 Kể từ ngày ấy, Sau-lơ thường ngó Đa-vít cách giận.”
Bạn không thể cấm người khác hát, nhưng bạn có thể cấm những tư tưởng ganh ghét xuất hiện trong lòng bạn. Chúng ta không thể thay đổi xung quanh, chúng ta chỉ có thể thay đổi những gì thuộc về mình mà thôi. Những người nữ ra đón Sau-lơ nhưng lại ca ngợi Đa-vít. Chúng ta không tránh khỏi cám dỗ nhưng chúng ta có thể xử lý những tình huống đó.
Đa-vít được sai đến để giúp Sau-lơ nhưng sự thành công của Đa-vít lại là mối đe dọa cho Sau-lơ. Lời khen của những người nữ mang tới sự ganh tỵ cho Sau-lơ và từ đó Sau-lơ nhìn Đa-vít cách giận.
Sau-lơ từng có lần phi đao vào Đa-vít nhưng Chúa đã đỡ mũi đao ấy. Đa-vít tìm hỏi ý Chúa và chọn vâng theo Ngài. Qua bài học này, chúng ta cần lưu ý: Hãy cẩn thận với sự trung thành, đừng mù quáng trung thành với kẻ ghen ghét mình vì chúng ta có thể bị hại. Đa-vít đã rời khỏi Sau-lơ, kẻ ganh tỵ. Sau-lơ bắt đầu những cuộc truy sát Đa-vít.
Đa-vít từng có cơ hội để giết Sau-lơ nhưng Đa-vít quyết định không đụng vào người được Chúa xức dầu, ông nhường phần xét xử cho Chúa.
I Sa-mu-ên 24:17-23 “17 Khi Đa-vít nói xong các lời nầy, thì Sau-lơ đáp rằng: Hỡi Đa-vít, con ta, có phải tiếng con chăng? Sau-lơ cất tiếng lên khóc, 18 nói cùng Đa-vít rằng: Con thật công bình hơn cha; vì con có lấy điều thiện mà báo điều ác cha đã làm cho con. 19 Ngày nay, con đã tỏ ra con lấy điều thiện đối cùng cha; vì Đức Giê-hô-va đã phó cha vào tay con, song con không có giết cha. 20 Khi người nào gặp kẻ thù nghịch mình, há để cho nó đi bình yên vô sự sao? Nguyện Đức Giê-hô-va lấy điều thiện báo cho con về sự con đã làm cho cha ngày nay! 21 Quả hẳn ta biết rằng con sẽ làm vua, và nước Y-sơ-ra-ên sẽ bền lâu ở trong tay con. 22 Vậy bây giờ, hãy nhân danh Đức Giê-hô-va thề cùng ta rằng con sẽ chẳng diệt dòng dõi ta, và chẳng hủy danh ta khỏi nhà tổ phụ ta. 23 Đa-vít lập lời thề cùng Sau-lơ. Sau-lơ bèn trở về nhà mình; còn Đa-vít và các kẻ theo người trở lên nơi đồn.”
Sau-lơ coi Đa-vít là kẻ thù nhưng Đa-vít không coi Sau-lơ là kẻ thù. Đa-vít coi Sau-lơ là người được Chúa xức dầu. Sau-lơ biết Chúa chọn Đa-vít làm vua nhưng vẫn cố hại Đa-vít nghĩa là Sau-lơ đang chống lại Đức Chúa Trời.
Đa-vít lập giao ước với Sau-lơ nhưng tiếp theo Sau-lơ vẫn đuổi giết Đa-vít. Kết thúc của những kẻ ganh ghét, chống nghịch ý muốn của Đức Chúa Trời, dùng xác thịt của mình để xử lý là sự chết. Ganh tỵ đúng là con đẻ của sự kiêu ngạo, chối bỏ Đức Chúa Trời, chối bỏ mình là tạo vật phụ thuộc vào Ngài, tự xưng mình là Đức Chúa Trời. Mình được quyền phán xét người khác, được quyền nhấc, được quyền loại người này người kia mà không cần qua ý kiến của Đức Chúa Trời.
KẾT CỤC CỦA KẺ GANH TỴ
I Sa-mu-ên 31:7-10 “7 Những người Y-sơ-ra-ên ở bên kia trũng và bên kia sông Giô-đanh, thấy đạo binh Y-sơ-ra-ên chạy trốn, Sau-lơ và ba con trai người đã chết, thì bỏ các thành mình mà trốn đi; nên nỗi dân Phi-li-tin đến ở đó. 8 Ngày sau, dân Phi-li-tin đến lục soát những kẻ chết, thấy Sau-lơ và ba con trai người nằm sải trên núi Ghinh-bô-a. 9 Chúng cắt đầu Sau-lơ, lột lấy binh khí người, và sai báo tin tốt nầy cho khắp xứ dân Phi-li-tin, trong các đền thờ của thần tượng họ và trong cả dân sự. 10 Chúng để binh khí của Sau-lơ tại trong đền thờ Át-tạt-tê, và treo xác người vào tường thành Bết-san.”
Kết cục của kẻ ganh ghét, Sau-lơ làm ô danh Chúa, ông bị giết, con trai của ông bị giết, dân chúng chạy trốn và dân ngoại chiếm thành.
Kết thúc của sự ganh tỵ là sự chết, dòng dõi mất phước, không còn.
Xin Chúa thương xót, giúp chúng ta đừng rơi trong thảm cảnh như vậy.
VÌ SAO NGƯỜI TA GANH TỴ?
Bởi vì sự kiêu ngạo, bởi vì người ta chỉ biết Chúa qua lý thuyết mà không thấy rằng Ngài là Đấng sống, thấy mọi sự; Ngài là Đấng lạ lùng, Ngài có thể biến mọi sự trở thành điều tốt lành; Ngài là Đấng diệu kỳ, mọi sự Chúa khiến có ích cho những kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.
Vì sao người ta ganh tỵ? Bởi vì họ không có thứ mà người kia có. Tại sao chúng ta không chạy đến với Chúa mà cầu xin Ngài?
Vì sao họ ganh tỵ? Bởi vì họ nghĩ rằng tôi xứng đáng hơn kẻ kia, tôi giá trị hơn. Họ chỉ nhìn với sự hiểu biết nông cạn. Họ nhìn vào thành công của người khác, họ đứng núi này trông núi kia.
Vì sao chúng ta ganh tỵ? Bởi vì chúng ta ghét những người giỏi hơn mình, được ơn hơn mình. Bởi vì chúng ta không muốn thua kém người khác. Chúng ta hạ thấp, bôi xấu kẻ khác và nghĩ rằng làm như vậy thì mình sẽ tốt hơn, mình sẽ sáng hơn, mình sẽ được ơn hơn.
Đa-vít đã chiến thắng sự ganh tỵ, không đụng tới người được xức dầu của Chúa.
Phi-e-rơ đã được Chúa dạy một bài học: Đừng ganh tỵ với Giăng.
NGUYÊN TẮC CHIẾN THẮNG SỰ GANH TỴ
Thi-thiên 16: “5 Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi: Ngài gìn giữ phần sản tôi. 6 Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành; Phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ. 7 Tôi sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va, là Đấng khuyên bảo tôi; Ban đêm lòng tôi cũng dạy dỗ tôi. 8 Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi. 9 Bởi cớ ấy lòng tôi vui vẻ, linh hồn tôi nức mừng rỡ; Xác tôi cũng sẽ nghỉ yên ổn; 10 Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, Cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát. 11 Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.”
Hãy chạy đến với Chúa thì bạn sẽ thấy chính Chúa là phần cơ nghiệp của bạn. Chúa gìn giữ sản nghiệp cho bạn. Nếu chúng ta luôn ở trong sự hiện diện của Ngài và Lời của Ngài thì sự ganh tỵ không có đất sống.
Khi chúng ta hằng để Chúa trước mặt mình thì chúng ta không rúng động, lòng sẽ vui vẻ, linh hồn mừng rỡ, thân thể được nghỉ ổn.
Thi-thiên 16 được tập hợp lại thành câu nói được xức dầu của Phao-lô “Sự tin kính và sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn.”
Tin kính là thực hiện tiêu chuẩn của Thánh Kinh, kính sợ Chúa. Thỏa lòng là luôn có Chúa trong đời sống.
Nếu bạn và tôi nhận biết tác hại của sự ganh tỵ, muốn biết cách thắng sự ganh tỵ thì hãy đọc kĩ Thi-thiên 16.
Nguyện Chúa ban phước cho bạn.