Bởi Winn Collier
Đọc: Thi Thiên 107:23–36
Bấy giờ, trong cơn gian truân, họ kêu cầu Đức Giê-hô-va, và Ngài giải cứu họ khỏi cảnh hoạn nạn. — Thi Thiên 107:28
Vào năm 1982, mục sư Christian Führer bắt đầu các buổi nhóm cầu nguyện thứ Hai hàng tuần tại Nhà thờ St. Nicholas ở Leipzig. Trong nhiều năm, một số ít người đã nhóm lại để cầu xin Chúa ban sự bình an giữa tình hình bạo lực toàn cầu và chế độ Đông Đức áp bức. Mặc dù chính quyền vẫn theo dõi chặt chẽ các nhà thờ, nhưng họ không quan tâm cho đến khi lượng người tham dự ngày càng đông và bắt đầu tràn ra bên ngoài cổng nhà thờ. Vào ngày 9 tháng 10 năm 1989, bảy mươi nghìn người đã tập trung biểu tình một cách ôn hòa. Sáu nghìn cảnh sát Đông Đức sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào. Tuy nhiên, đám đông vẫn ôn hòa và các sử gia xem ngày này là một bước ngoặt. Một tháng sau, Bức tường Berlin sụp đổ. Sự thay đổi lớn này bắt đầu chỉ bằng một buổi nhóm cầu nguyện.
Khi chúng ta hướng về Chúa và bắt đầu trông cậy vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài, thì mọi thứ thường bắt đầu thay đổi. Giống như Y-sơ-ra-ên, khi chúng ta kêu cầu “Đức Giê-hô-va trong cơn gian truân [của mình]”, chúng ta khám phá ra Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có khả năng thay đổi hoàn toàn, ngay cả những tình thế khốc liệt nhất và giải đáp những câu hỏi khó nhất của chúng ta (Thi. 107:28). Chúa khiến “ba đào lặng yên” và biến “hoang mạc thành ao hồ” (c.29, 35). Đấng mà chúng ta kêu cầu mang lại hy vọng từ nơi tuyệt vọng và vẻ đẹp từ đống đổ nát.
Nhưng chính Đức Chúa Trời là Đấng thực hiện sự biến đổi (vào thời điểm của Ngài—chứ không phải của chúng ta). Cầu nguyện là cách chúng ta tham gia vào công tác biến đổi mà Ngài đang làm.
Bạn đã từng chứng kiến sự biến đổi của Chúa như thế nào? Có mối liên hệ nào giữa sự hành động của Ngài và lời cầu nguyện của chúng ta?
Lạy Chúa, con cần công tác biến đổi của Ngài. Xin hãy thay đổi những điều mà chỉ một mình Ngài mới có thể thay đổi.