Trong một giờ học nọ, thầy giáo hỏi các học sinh của mình: “Tại sao khi người ta cãi nhau, giận dữ, con người thường ra sức nói thật to, thậm chí là gào thét lên trước mặt người khác?”
Tất cả các học sinh ngẫm nghĩ hồi lâu, một học sinh mới lên tiếng trả lời: “Bởi vì khi đó chúng ta đang đánh mất sự bình tĩnh, vì thế mới hét lên một cách mất kiểm soát.”
Thầy giáo lại hỏi: “Nhưng tại sao người khác đang ở ngay cạnh các em, các em vẫn phải hét lên làm gì? Tại sao lại không nói nhỏ bớt đi một chút mà cứ phải hét nói thật lớn, thật to lên?”
Các học sinh bắt đầu nhao nhao đưa ra câu trả lời song cuối cùng, chẳng có một đáp án nào khiến thầy giáo hài lòng.
Đến lúc này, thầy giáo mới giải thích: “Khi hai người đang giận dữ, đang khó chịu với nhau, khoảng cách giữa trái tim với trái tim tự nhiên trở nên rất xa. Để vượt qua được khoảng cách giữa hai trái tim đó, làm cho đối phương nghe lời mình nói, chúng ta thấy cần phải hét lên.
Nhưng, sự nóng nảy tỉ lệ thuận với tiếng hét của chúng ta, càng gào thét chúng ta càng giận dữ, càng giận dữ chúng ta lại càng xa nhau, khoảng cách càng xa, lại càng phải hét lớn hơn…”
Ngừng vài giây, thầy giáo lại tiếp tục nói: “Các em thấy khi hai người đang yêu nhau, họ sẽ giao tiếp với nhau như thế nào? Hoàn toàn trái ngược lại phải không? Không những không hét lên mà lời nói giữa họ hết sức nhỏ nhẹ, dịu dàng. Tại sao vậy?
Bởi vì khi đó trái tim họ đang ở rất gần nhau, hầu như không có khoảng cách, vì thế hai người đang yêu thường chỉ cần thì thầm đã quá đủ. Tình yêu trong tim họ cũng vì thế mà càng sâu sắc. Thậm chí khi gần gũi nhau hơn nữa, họ chỉ cần nhìn ánh mắt là đã có thể đoán biết ý của nhau…”
Khi hai người cãi nhau, không nên để khoảng trống giữa hai trái tim trở nên ngày một lớn, càng không nên nói những lời khiến cho khoảng trống ấy rộng thêm.
Mỗi người hãy kiềm chế một chút, đợi khoảng cách đó thu hẹp lại, gần hơn hãy nói chuyện với nhau, như thế, tất cả chúng ta sẽ không bị tổn thương.
Khi hai người đang giận nhau, hai trái tim tự nhiên giãn nhau ra rất xa, vì thế, hãy cố gắng duy trì sự bình tĩnh, chớ đưa ra bất cứ quyết định gì vào lúc đang nóng nảy kẻo phạm sai lầm đáng tiếc.
Mối quan hệ, giao tiếp giữa người với người không phải là sự giao tiếp giữa cơ thể với cơ thể mà là sự giao lưu về mặt tâm hồn, giữa trái tim với trái tim. Có những lúc, chúng ta đang ở sát bên nhau nhưng hai trái tim lại hướng về hai phía, cách xa ngàn dặm, khi đó, chúng ta cần phải tăng thêm âm lượng, đảm bảo rằng trái tim ở nơi xa kia có thể tiếp nhận được thông tin.
Dù thế nào mỗi chúng ta cũng cần đưa hai trái tim lại gần nhau, để mối quan hệ đó được phát triển từ trái tim, từ sự chân thành. Có như thế thì khoảng cách giữa người với người mới có thể càng gần nhau hơn.
Trong cuộc sống, không thiếu những lúc chúng ta cảm thấy khó chịu hay tức giận một ai đó rồi sẽ phán xét họ. Nếu chúng ta dùng tấm lòng khoan dung của mình để thấu hiểu và cảm thông người khác, sự việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực, mâu thuẫn, xung đột hay tranh cãi sẽ không xảy ra mà chỉ còn lại niềm vui và sự yên bình. Không chỉ có vậy, sự khoan dung và tha thứ cho người khác chính là cách giúp tâm hồn, tinh thần của bản thân trở nên nhẹ nhõm và đẹp đẽ. Chẳng ai cảm thấy thoải mái, dễ chịu nếu cứ hận thù và nghĩ tới lỗi lầm của người khác.
Trên hết mọi sự đó sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên cho Hội thánh tại thành Ê-phê-sô khi các tín hữu đối diện với sự xung đột và mâu thuẫn trong sự sinh hoạt niềm tin và cuộc sống vốn không thể tránh khỏi những trục trặc giữa những người lãnh đạo, dân sự Chúa. “Nhưng hãy đối xử với nhau cách nhân từ, thương xót nhau, và tha thứ nhau, như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Đấng Cứu-thế vậy.” (Thư Ê-phê-sô 4:32)
Nguyễn Nhung
(Sưu tầm)