Hãy Gắng Sức Vào Cửa Hẹp (Luca 13: 22-30) Lớp KT tối thứ Tư 7/6/23
ĐỀ TÀI: HÃY GẮNG SỨC VÀO CỬA HẸP
KINH THÁNH: LUCA 13:22-30
(HƯỚNG DẪN: CÔ HỒNG DIỄM)
I. BỐI CẢNH
1. Trên đường đi đến thành Giê-ru-sa-lem trải qua các thành và làng, có người đã đặt câu hỏi với Chúa Jesus rằng liệu sẽ có nhiều người được cứu chăng? Nhưng Ngài không trả lời trực tiếp câu hỏi. Thay vào đó là một ẩn dụ về cửa hẹp.
2. Chúa Jesus đã nói trước về sự khó khăn để vào nước Thiên Đàng thông qua cửa hẹp bởi người đời có khuynh hướng chọn đường dễ đi hơn.
3. Có thể tìm thấy câu chuyện này được Ma-thi-ơ 7:13-14; 21-23 mô tả rõ hơn (có nói con đường hẹp và rộng) như sau:
13 Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. 14 Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.
21 Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. 22 Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? 23 Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!
4. Trong câu chuyện chép ở Lu-ca 13 tác giả đã lồng vào hình ảnh rõ nét hơn câu chuyện cùng chủ đề chép ở Ma-thi-ơ 17 về những người khi đã nhận ra sự thật về “cửa hẹp” thì cửa đã đóng. Và ngay cả những điều tốt mà họ đã làm trước đây cũng không được tính!
5. Chúa Jesus có nêu hình ảnh cánh cửa đóng: cơ hội không còn khi Chúa Jesus trở lại (c.25)
II. BÀI HỌC
1. Người hướng dẫn phần Kinh Thánh cho rằng câu hỏi mà người ta hỏi Chúa (c.23) là của những người Pha-ri-si (kẻ hay thường hỏi và chất vấn) Ngài không trả lời họ nhưng Chúa muốn họ biết họ có được cứu chưa? Có làm theo lời Chúa chưa? Ü Ngày nay chúng ta cũng cần xem lại động lực theo Chúa của mình? Có bao giờ bạn tự hỏi mình đang ở tiến trính nào của sự theo Chúa? Hay dừng lại rồi? hay đang… thối lui. Đời sống cầu nguyện của chúng ta thế nào để qua đó chúng ta biết mức độ thuộc linh của mình. Sứ giả phấn hưng D.L Moody cầu nguyện “Lạy Chúa xin hãy cứu những kẻ được chọn, và chọn thêm nhiều người để được cứu.”
2. Lý do của sự trì hoãn vào cửa hẹp đối với người Do thái, các thầy thông giáo, Pha-ri-si tự hào và ỷ lại rằng người Y-sơ-ra-ên nghiễm nhiên được cứu. Họ bị hư mất bởi sự kiêu ngạo thuộc linh. Ngày nay thế hệ con cháu của họ vẫn còn cứng lòng.
– Lý do của sự trì hoãn nhân loại ngày nay: bận làm ăn, buôn bán, xây dựng cuộc sống (Chúa không cấm cản điều này) tuy nhiên họ bỏ qua sự tìm kiếm Chúa, đến với sự cứu rỗi của Chúa cho đến khi cánh cửa cứu rỗi bị đóng lại.
3. Hình ảnh của những người đứng ngoài cửa hẹp vì đã trễ: thật đã quá trễ khi họ nhận biết cửa hẹp nhưng không kịp vào đó. Vậy chúng ta phải làm gì để tránh điều này?
– Gắng sức vào cửa hẹp!
– Chú ý
4. Bài học thêm:
– Cửa hẹp: sự từ bỏ những điều ở trần gian trái nghịch với ý muốn Đức Chúa Trời. Cửa hẹp cũng là những gì Chúa muốn chúng ta trải qua như thử thách, bắt bớ mà người thế gian hay yêu mến thế gian không thể chịu được.
– Có một sự thật đang ứng nghiệm được chép trong Ma-thi-ơ 7:14 ‘. 14 Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít. Khi tình trạng sa sút về đức tin, đạo đức đang diễn ra trong xã hội hàng ngày bởi những kẻ theo tư tưởng cấp tiến và trí huệ giáo hiện đại.
– So sánh “Ta nói cùng các ngươi, không biết các ngươi đến từ đâu; hết thảy những kẻ làm dữ kia, hãy lui ra khỏi ta! (Luca 13:27) và “23 Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 17:23)
Chúa có nguyên tắc như thế nào? Ngài không tính những việc trước đây của chúng ta. Như đã chép trong Ê-xê-chi-ên 18:24 “24 Nhưng nếu kẻ công bình xây bỏ sự công bình của mình, nếu nó phạm sự gian ác, nếu nó bắt chước mọi sự gớm ghiếc mà kẻ dữ tự làm, thì nó sẽ sống không? Không có một việc công bình nào nó đã làm sẽ được nhớ lại; vì cớ sự phạm pháp mà nó đã làm, và tội lỗi nó đã phạm, nên nó sẽ chết trong đó.”
III. SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN
1. Vì sao đôi lúc Chúa không trả lời câu hỏi của chúng ta mà thay thế vào đó là những điều khác xảy đến liên tiếp? có phải chăng nếu chăm chú vào đó chúng ta sẽ thấy một bài học lớn với câu trả lời rõ ràng hơn? Bạn nghĩ thế nào về điều này?
2. Đối chiếu Luca 13 và Ma-thi-ơ 17 có điểm tương đồng về sự từ chối của Chúa Jesus đối với những người đến trễ khi cánh cửa ân điển đã đóng. Bạn nghĩ sao về việc Chúa từ chối luôn cả những công đức và việc làm của những người đã từng theo Chúa nhưng bỏ Ngài, hay không làm theo ý muốn Chúa? “Ta nói cùng các ngươi, không biết các ngươi đến từ đâu; hết thảy những kẻ làm dữ kia, hãy lui ra khỏi ta!” (Luca 13:27)
(Chúa nhân từ nhưng nghiêm khắc; Chúng ta phải bước theo Chúa cách trung tín; Phải vâng lời Chúa)
3. Xin Chúa cho chúng ta biết trân trọng về những gì Chúa đã ban cho chúng ta trong sự cứu rỗi. Chúng ta biết ưu tiên thời giờ thờ phượng Chúa, tìm kiếm Chúa, bước theo Chúa.