14 Sự Thật Đáng Kinh Ngạc Về Mục Sư

14 SỰ THẬT ĐÁNG KINH NGẠC VỀ CÁC MỤC SƯ

Theo định nghĩa, mục sư là một người “chăn bầy”. Điều này có nghĩa là người người đó làm công tác giảng đạo, cử hành hôn lễ và có lẽ là sắp xếp những cuộc gặp tại văn phòng để giải thích một thắc mắc thần học nào đó; nhưng vai trò của người mục sư thực sự là như thế nào? Có một số sự thật phổ biến về các mục sư mà có thể bạn không hay biết.

Dưới đây là 14 sự thật đáng kinh ngạc về các mục sư mà có thể bạn không biết:

1. Ngày nào chúng tôi cũng phải cố gắng quân bình giữa làm đẹp lòng người ta và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chúng tôi làm điều mình đang làm vì chúng tôi yêu Đức Chúa Trời…và con người. Cố gắng làm vừa lòng cả hai là một lý do thường khiến các mục sư kiệt sức vì không phải lúc nào con người và Đức Chúa Trời cũng muốn cùng một điều. Đẹp lòng Chúa là trên hết, nhưng sống với sức ép làm đẹp lòng người ta có thể vắt kiệt chúng tôi.

2. Chúng tôi thường nghe thấy những góp ý tiêu cực hơn là tích cực. Dân sự mặc định rằng mục sư thường được khen vì những bài giảng hay. Không đúng. Một trong những sự thật đáng tiếc về các mục sư là chúng tôi thường và hay nghe thấy những lời phàn nàn hơn là những lời khen. Các mục sư lành mạnh có thể sống mà không cần đến nhiều lời khen (ít nhất thì họ cần phải như vậy) nhưng thực tế là chúng tôi nghe nhiều góp ý tiêu cực hơn là tích cực về sự giảng luận, buổi lễ thờ phượng, quan điểm thần học, v.v.

3. Chúng tôi nói “không” vì chúng tôi yêu bầy chiên mình. Người mục sư cũng có gia đình và cuộc sống của họ. Đôi khi chúng tôi phải nói “không” để làm một người cha tốt, một người chồng cạnh bên, một người bạn tốt hoặc để chăm sóc bản thân. Khi người mục sư nói “không” với một sự kiện trong hội thánh, đừng coi đó là dấu hiệu cho thấy người mục sư không yêu bầy chiên, mà là biện pháp bảo vệ cho lợi ích lớn hơn của thân thể hội thánh để người mục sư có thể tiếp tục phục vụ họ thật tốt.

4. Gia đình chúng tôi cảm thấy sức nặng trong sự kêu gọi của chúng tôi hơn là những gì họ từng kể. Tuy còn nhỏ nhưng đôi khi các con tôi cũng cảm thấy gánh nặng mà tôi mang về nhà. Vợ tôi cũng vậy. Gia đình người mục sư biết rõ những gì họ làm, ngay cả thành viên nhỏ tuổi nhất cũng sẽ thấy sức nặng của việc lãnh đạo một hội thánh. Hãy nhớ rằng các mục sư được kêu gọi phục vụ nhưng điều đó cũng ảnh hưởng đến gia đình họ – những người được kêu gọi để đồng hành với họ trong chức vụ đó.

5. Ăn ngon, tập thể dục điều độ và ngủ tốt là điều thật khó với chúng tôi. Các mục sư thường quên mình quá độ. Chúng tôi sẽ nhanh nhảu đi phục vụ người khác hơn là tập thể dục, đi ngủ hoặc ưu tiên chăm sóc bản thân. Mục sư quên mình và nghĩ cho người khác trước – nghe thì có vẻ hay nhưng lại cần học quân bình; nếu không sẽ chẳng tốt cho người mục sư hoặc người được phục vụ.

6. Nhiều người trong chúng tôi là “người hướng ngoại vì nghề nghiệp”. Người mục sư phải suy nghĩ và nghiên cứu rất nhiều. Chúng tôi quen với việc ở một mình và thực ra là chúng tôi yêu điều đó (hầu hết là vậy). Chúng tôi cũng thích ở với mọi người, nhưng chúng tôi thường là những “người hướng ngoại vì nghề nghiệp”, liên quan đến những đám đông và dẫn dắt mọi người bằng nhóm ân tứ thứ nhì của mình.

7. Chúng tôi biết mình có thể được trả lương hậu hĩnh hơn khi làm việc khác, nhưng chúng tôi không muốn thế. Chúng tôi có thể làm bất cứ việc gì khác…chúng tôi đã có thể làm như vậy…nhưng lại “không thể” vì đây là điều chúng tôi yêu thích nhất và được kêu gọi để làm. Chúng tôi vẫn ở lại dù không phải lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy như vậy. Sự kêu gọi không chỉ là cảm xúc – chúng tôi thường vật lộn với thực tại đó.

8. Trận chiến thuộc linh là một lối sống. Ma quỷ ghét mọi Cơ Đốc nhân. Tôi từng nói rằng không đời nào hắn “ghét” hoặc nhắm vào các mục sư hơn. Nhưng càng làm điều này, tôi càng nhận ra rằng người lãnh đạo sa ngã sẽ gây ra hậu quả rộng khắp, cho nên kẻ thù tự động lấy mục tiêu nhắm bắn là người mục sư. Trận chiến thuộc linh chỉ là một phần trong rủi ro nghề nghiệp của người mục sư.

9. Chúng tôi cũng luôn phải tranh chiến với tội lỗi của chính mình. Các mục sư đâu có hoàn hảo. Chúng tôi có những tội lỗi riêng mà chúng tôi luôn phải tranh chiến. Hãy kiên nhẫn với chúng tôi. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi.

10. Chúng tôi mất khoảng bảy ngày “mất kết nối” để có một kỳ nghỉ ý nghĩa và đích thực. THẬT SỰ rất khó để người mục sư mất kết nối. Khi đi nghỉ, có thể chúng tôi phải mất đến một tuần thư giãn rồi mới hoàn toàn quay trở lại. Mỗi năm, tôi cố gắng có một kỳ nghỉ kéo dài hai tuần để có được một tuần thực sự “mất kết nối”.

11. Chúng tôi khó có bạn bè. Người ta mặc định rằng chúng tôi có rất nhiều bạn bè. Hầu hết chúng tôi đều không như vậy. Hãy nghĩ đến điều đó: Hội thánh là nơi chúng tôi thờ phượng, nơi chúng tôi làm việc và là vòng bè bạn của chúng tôi; không phải ba bối cảnh khác nhau, mà là ba trong một. Vai trò lãnh đạo của “mục sư” không phải là một điều dễ dàng phớt lờ trong những bối cảnh đó. Điều đó khiến chúng tôi khó có bạn bè. Chúng tôi cũng phải vật lộn với những người coi mình là một người bạn mà không phải là “mục sư”. Không phải chúng tôi không thể có bạn bè, nhưng nó cần đến sự cố gắng và đôi khi những người bạn thân nhất của chúng tôi lại không thuộc hội thánh nơi chúng tôi phục vụ.

12. Chúng tôi làm việc hơn một ngày/tuần. (Gần như tuần nào) Người ta cũng đùa rằng tôi “chỉ làm việc có một ngày trong tuần thì có gì đâu!” Tôi biết là họ đang nói đùa nhưng rõ ràng là điều đó không đúng. Vì người ta mong đợi hầu hết các mục sư hiện đại phải giữ cả vai trò thuộc linh và hành chính nên hầu hết chúng tôi đều không có lấy một ngày NGHỈ trong tuần. Chúng tôi phải chủ động lắm mới nghỉ được hai ngày một tuần. Hãy cầu nguyện cho mục sư của bạn trong điều này và nếu có thể, hãy giúp họ có thời gian nghỉ ngơi. Họ cần đến điều đó.

13. Chúng tôi vui nhất là khi chiên của chúng tôi “hiểu ra”. Khi người ta hiểu điều chúng tôi đang kỷ luật họ, hoặc khi một người hiểu được sự cứu rỗi thì chúng tôi thích lắm. Đó là lý do khiến chúng tôi làm điều này. Chúng tôi muốn họ yêu Đấng Christ và chúng tôi rất thích khi họ “hiểu ra”.

14. Chúng tôi được ban thưởng vì được mời đến tất cả những thời khắc quan trọng của cuộc đời. Hãy nghĩ đến điều đó. Còn vai trò nào khác được dự phần vào sự chào đời, sự chết, lễ báp-tem, lễ cưới, sự cứu rỗi, những ngày lễ thánh, những tranh chiến và thắng lợi đây? Bác sĩ lo cho lúc chào đời và lìa đời. Tâm vấn viên lo cho những tranh chiến và thắng lợi. Người mục sư có vinh hạnh được mời đến mọi “thời khắc” trong cuộc sống của những người họ yêu và phục vụ. Đó là phần thưởng đáng trân trọng, và là một trong những món quà đặc biệt khiến mọi điều chúng tôi làm trở nên xứng đáng.

Tác giả bài viết, Josh Weidmann đã viết và diễn thuyết trong hội thánh từ khi còn niên thiếu. Ông đã phục vụ trong vai trò mục sư dạy dỗ, phụ tá và mục sư trưởng tại một số hội thánh khác nhau và hiện là Mục sư Trưởng của Grace Chapel tại Englewood, Colorado, Hoa Kỳ. Ông tự hào làm chồng của bà Molly, cũng là người bạn thân nhất của ông và làm cha của năm người con! Bạn thể tìm các cuốn sách, blog và chức vụ diễn thuyết của ông trên trang www.joshweidmann.com

(www.hoithanhvuonnhoaz.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.