(Nơi Tôi Thuộc Về)
Bởi Amy Boucher Pye
Đọc: Thi Thiên 133
Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau thật tốt đẹp biết bao! — Thi Thiên 133:1
Sau khi kết thúc bữa ăn Lễ Vượt Qua, một ngày lễ truyền thống của người Do Thái nhằm kỷ niệm sự giải cứu vĩ đại của Đức Chúa Trời, các tín hữu trong hội thánh đã bày tỏ niềm vui bằng cách đứng thành vòng tròn cùng nhau nhảy múa.
Barry đứng lùi lại và quan sát với nụ cười rất tươi. Anh nhận thấy rằng mình yêu thích những dịp này đến dường nào. Anh nói: “Bây giờ, đây là gia đình của tôi. Đây là cộng đồng của tôi. Tôi đã tìm thấy một nơi mà tôi biết mình có thể yêu và được yêu…, là nơi tôi thuộc về.”
Thời thơ ấu, Barry đã bị ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần, và điều đó đã cướp đi niềm vui trong anh. Nhưng hội thánh địa phương đã chào đón và giới thiệu cho anh biết về Chúa Jêsus. Khi chứng kiến sự hiệp một và vui mừng của họ, anh bắt đầu tin theo Chúa Jêsus và cảm thấy được yêu thương và chấp nhận.
Trong Thi Thiên 133, vua Đa-vít đã sử dụng những hình ảnh đầy sống động để minh họa cho ảnh hưởng to lớn mà sự hòa thuận “tốt đẹp” của con cái Chúa đem lại. Ông nói điều đó giống như một người được xức dầu quý giá, chảy xuống cổ áo họ (c.2). Việc xức dầu này rất phổ biến trong thời xưa, đôi khi như lời chào đón một người đến nhà. Đa-vít cũng so sánh sự hòa thuận này như sương móc sa xuống núi mang lại sự sống và phước hạnh (c.3).
Dầu tỏa ra hương thơm tràn ngập căn phòng và sương mang lại độ ẩm cho những nơi khô hạn. Sự hòa thuận cũng có những tác động tốt đẹp như chào đón những người cô đơn. Chúng ta hãy hiệp một với nhau trong Đấng Christ để Đức Chúa Trời mang lại điều tốt lành qua chúng ta.
Bạn từng chứng kiến sự hiệp nhất và hòa thuận trong cộng đồng đức tin của mình như thế nào? Bạn sẽ chủ động đến với một tín hữu trong hội thánh mà mình không quen biết ra sao?
Lạy Chúa Jêsus, xin giúp con bày tỏ tình yêu thương của Ngài, không chỉ với những người con thấy dễ chấp nhận mà còn với những người con cảm thấy khó chấp nhận nữa.