CÔNG TÁC CẤP BÁCH
Đó là lần cuối cùng Phao-lô gặp các trưởng lão Ê-phê-sô. Sứ điệp ông mang đến là một lời cảnh báo nghiêm nghị.
Phao-lô cho rằng Hội Thánh Ê-phê-sô sẽ bị tấn công. “Muông sói dữ tợn” sẽ xâm nhập từ bên ngoài, và những lời dạy sai lệch sẽ phát sinh từ bên trong (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:17–38).
Những mối nguy mà Phao-lô dự đoán xuất phát từ các vấn đề giáo lý (“những người giảng những điều sai lạc”). Vì vậy, chiến lược bảo vệ Hội Thánh của Phao-lô tập trung vào việc giảng dạy giáo lý đúng đắn.
Giống như Phao-lô đã trung thành công bố “toàn bộ mục đích của Đức Chúa Trời”, ông cũng mong đợi điều tương tự nơi các trưởng lão Ê-phê-sô, giao phó họ “cho Đức Chúa Trời và cho đạo ân điển của Ngài, là đạo có thể xây dựng và ban cơ nghiệp cho anh em”.
Phương pháp truyền giáo của Phao-lô tập trung vào việc giảng dạy Lời Đức Chúa Trời liên tục và trung thành, như một phương tiện gây dựng và bảo vệ Hội Thánh. Như các trưởng lão đã học theo quan điểm của Phao-lô, chúng ta cũng phải nhận biết tình thế cấp bách của việc giảng dạy Lời Chúa ngày nay.
Chiều rộng và chiều sâu Kinh Thánh
Các phương pháp truyền giáo phổ biến hiện nay không được xây dựng theo mô hình giảng dạy cặn kẽ như vậy. Thay vào đó, truyền giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân theo Lời Đức Chúa Trời, gây ra nhầm lẫn giữa việc biết lẽ thật và làm theo lẽ thật. Các nhà truyền giáo được dạy rằng “việc vâng theo Lời Đức Chúa Trời thay vì chỉ hiểu biết Lời Ngài là khuôn mẫu của công tác môn đồ hóa”. Nhưng việc vâng phục Lời Chúa bắt nguồn từ việc hiểu biết Đức Chúa Trời qua Lời Ngài.
Việc học Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là một bài tập nhận thức. Học Kinh Thánh phải ảnh hưởng và biến đổi đời sống, chứ không chỉ là học thuật khô khan. Qua Lời Chúa, chúng ta phải học biết Đức Chúa Trời cách cá nhân. Và những ai thực sự biết Ngài sẽ tin cậy Ngài. Sự vâng lời từ đó đến theo lẽ tự nhiên.
Học biết về Đức Chúa Trời và Lời Ngài không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Những lẽ thật lớn nhất trong Kinh Thánh rất đơn giản (“Đức Chúa Trời nhân lành” và “Đức Chúa Trời yêu thương tội nhân”). Nhưng chúng ta phải giữ đức tin đơn giản này giữa bộn bề cuộc sống thực. Các nhà truyền giáo cần có kiến thức tâm linh sâu rộng về mọi mặt của Kinh Thánh để đối phó với những cám dỗ xảo quyệt từ ma quỷ. Họ phải có khả năng trả lời hàng loạt câu hỏi khó của các môn đồ mới, chẳng hạn như: “Nếu Đức Chúa Trời nhân lành, tại sao cuộc sống lại đau khổ như vậy?” hoặc “Nếu Chúa yêu bạn, tại sao Ngài không cho phép bạn sống theo cách khiến bạn hạnh phúc?”
Để trả lời những câu hỏi đầy thách thức và cấp bách như vậy, các nhà truyền giáo phải dành nhiều năm nghiên cứu để thông thạo các ngôn ngữ địa phương và học biết văn hóa của những người chưa được biết đến Phúc Âm. Khi cần thiết, chúng ta phải chuyển ngữ Kinh Thánh. Chúng ta cũng phải dành nhiều năm để giảng dạy Kinh Thánh cách kỹ lưỡng và chủ động, như Phao-lô đã làm.
Bài: MATT RHODES; dịch: Nhạn Võ