Lòng kiên nhẫn
Không có đường tắt để bày tỏ sự sâu nhiệm của Kinh Thánh. Phao-lô đã giảng dạy chủ động, trực tiếp và nhiều lần. Phao-lô không giảng thao thao bất tuyệt, mà thay vào đó ông luôn hướng dẫn – và các tín đồ Ê-phê-sô đã học được lẽ thật.
Điều này yêu cầu thời gian. Phao-lô rao truyền mọi điều lợi ích cho anh em, chẳng giữ lại điều gì, và dạy dỗ anh em nơi công chúng, hay từ nhà nầy sang nhà kia” trong ba năm, cả đêm lẫn ngày, khuyên nhủ mọi người ở Ê-phê-sô (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:20,31).
Tại sao Phao-lô ở Ê-phê-sô ba năm trong khi ông chỉ ở Tê-sa-lô-ni-ca ba tuần? Có thể Phao-lô sẽ ở lại các thành khác lâu như ở Ê-phê-sô nếu như ông không bị kẻ thù đánh đuổi. Ngay cả ở Ê-phê-sô, có thể Phao-lô cũng muốn ở lại lâu hơn, nhưng cuối cùng lại phải rời đi sau khi cuộc bạo động nổ ra.
Các nhà truyền giáo ngày nay thường cần một thời gian dài để học ngôn ngữ địa phương trước khi có thể giảng dạy như Phao-lô. Nên dự kiến chúng ta sẽ phải dành nhiều hơn ba năm ở một nơi. Vấn đề không phải là thời gian, mà là mục tiêu truyền đạt “toàn bộ mục đích của Đức Chúa Trời”.
Ngày nay, các phương pháp truyền giáo phổ biến lại truyền đạt điều ngược lại. Một số phương pháp gần như gạt bỏ tầm quan trọng của việc tiếp thu và dịch thuật ngôn ngữ. Một số cho rằng việc truyền giáo rất đơn giản; ngay cả tín đồ mới cũng có thể gây dựng Hội Thánh. Một số cho rằng không cần phải giảng dạy Kinh Thánh; Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ những gì cần thiết.
Những phương pháp sáng tạo này đều có mục đích tốt, nhằm tăng tốc độ truyền bá Phúc Âm khắp nơi. Thực tế, những phương pháp mới này đã lập nên hàng triệu Hội Thánh và hàng chục triệu Thánh Lễ Báp-têm tại những nơi chưa biết đến Tin Lành.
Nhưng đáng buồn thay, những con số này bị thổi phồng quá mức. Như Phao-lô đã nói, lúa mì mọc lên giữa đám cỏ lùng. Ngay cả những báo cáo chính xác cũng có khả năng sai lệch nếu không được theo dõi trong thời gian dài. Điều này không có nghĩa là tất cả những phương pháp truyền giáo ngày nay đều thất bại – chúng ta hãy tiếp tục cầu xin ân điển Đức Chúa Trời! Nhưng mọi Hội Thánh đều đang bị tấn công. Chúng ta chuẩn bị để chống lại bầy muông sói như thế nào?
Tái xác định mức độ cấp bách
Câu trả lời là tái xác định mức độ cấp bách ngày nay. Vào thời Phao-lô, dân số chỉ mới đạt một phần nhỏ thế giới. Trong khi Phao-lô cố gắng phát triển Hội Thánh về mặt số lượng, đây không phải là mối quan tâm duy nhất của ông. Thay vào đó, ông dành nhiều nỗ lực truyền giáo để giúp các Hội Thánh hiểu biết Lời Chúa và chống lại giáo lý sai lệch.
Nói cách khác, Phao-lô quan tâm đến an ninh của bầy chiên hơn là quy mô. Rốt cuộc, quy mô của bầy chiên chẳng còn quan trọng nếu cả bầy không được bảo vệ khi muông sói ập đến. Vì vậy, Phao-lô dạy dỗ các tín đồ Ê-phê-sô ngày đêm trong nhiều năm. Và khi buộc phải rời đi, ông đã trao lại trách nhiệm này cho các trưởng lão mà ông đã nuôi dưỡng. Ngay cả sau đó, Phao-lô vẫn tiếp tục tham gia vào Hội Thánh Ê-phê-sô. Ông viết thư cho Hội Thánh. Ông viếng thăm các trưởng lão, cảnh báo về các giáo lý sai lệch. Ông cũng đưa Ti-mô-thê đến để tiếp tục công việc giữa Hội Thánh, sửa chữa những lời dạy sai lầm và củng cố các nhà lãnh đạo.
Chúng ta nên bắt chước tính kiên nhẫn và bền chí của Phao-lô trong trách nhiệm giảng dạy truyền giáo này. Nhiều người vẫn chưa bao giờ được nghe đến Phúc Âm, và chúng ta phải cảm biết nhu cầu cấp bách của họ. Tuy nhiên, những người mới tin Chúa cũng đối diện với nhiều rủi ro. Nếu không cảm thấy cấp bách trong việc bảo vệ các tín đồ mới, công việc của chúng ta có thể chẳng ích lợi gì.
Bài: MATT RHODES; dịch: Nhạn Võ