Sài Gòn, Thương Từ Trong Hẻm Thương Ra

SÀI GÒN, THƯƠNG TỪ TRONG HẺM THƯƠNG RA

Có một điều lạ là mỗi khi nghĩ đến Sài Gòn, trong đầu tôi không phải là những cửa hiệu xa hoa lấp lánh ánh đèn, những tòa nhà chọc trời cao vút, hay xe cộ nối đuôi nhau trên đường mà là những con hẻm nhỏ vòng vèo sâu hun hút bên trong.



Tôi hình dung những con hẻm này như những mạch máu trong cơ thể người mẹ. Mạch máu đó có chỗ phình to, chỗ co thắt lại. Chỗ to bằng cả cái sân đủ để người dân chiều chiều ra hóng mát. Chỗ bé lại ngột ngạt chỉ vừa đủ chiếc xe máy chui qua.

Sẽ rất khó để tìm thấy nơi đâu trên dải đất hình chữ S có nhiều hẻm nhỏ như Sài Gòn, mà ở đó dân Bắc – Trung- Nam thậm chí Tây- Tàu sống cùng một hẻm.

Nếu Sài Gòn không bao dung, Sài Gòn không cưu mang thì liệu rằng người ta có muốn đến và sống cùng nhau như vậy hay không?

Có lần bạn tôi, một đứa có gần hai mươi năm bươn chải ở đất Sài Gòn buông một câu trong cuộc trà dư tửu hậu: “Muốn thấy Sài Gòn dung chứa bao nhiêu con người thì gần cuối năm ra bến xe mà đứng ngóng. Còn muốn hiểu rõ Sài Gòn thì cứ nhằm hẻm nhỏ xông pha”.
Tôi cười. Nó nói cũng không sai.

Sài Gòn ngày cuối năm, nhìn những chuyến xe tấp nập rời bến, mới thấy Sài Gòn đã cưu mang dân xứ khác nhiều biết chừng nào.

Còn hẻm thì chỉ thiếu điều tôi chưa buột miệng thốt lên: “Sáu năm ăn nằm nơi phố thị, tao lạ gì mấy con hẻm nữa đâu”

Năm đầu lên trọ học ở Sài Gòn, tôi được gởi gắm ở cùng một anh khóa trước trong con hẻm nằm trên đường Quang Trung ( quận Gò Vấp).
Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo với không biết bao nhiêu là ngách, là xuyệt mà ước chừng như đi hết cũng bằng chiều dài từ quận 8 đến quận 3.
Nhiều khi đi học về, tôi không nhớ nổi nhà trọ nằm ở ngóc ngách nào, đành phải hỏi chú xe ôm đầu hẻm. Chú cười: “Mày ở riết rồi cũng quen. Hồi xưa chú cũng như mày, cũng nhờ người khác chỉ dùm thôi”.

Thì ra sự thân thiện, nhiệt tình của người Sài Gòn bắt nguồn từ người đi trước và tiếp bước người đi sau. Ở lâu, không biết mình có phải dân Sài Gòn hay không nhưng cái nhiệt tình, thân thiện cũng nhiễm dần dần. Nhớ có lần đi ngang chợ Phú Nhuận, tôi bị quẹt xe té xuống đường. Chưa kịp để mình lên tiếng thì một vài người từ trong hẻm gần đó đã lao ra hỏi han, đưa sang đầu hẻm băng bó vết thương.

Tôi nhìn lên bờ tường thấy một tủ thuốc nằm ở đó, có ghi dòng chữ “Tủ thuốc từ thiện. Xin đừng phá em”.
Nếu không đau chắc hẳn tôi cũng bật cười. Đến cách làm từ thiện, người Sài Gòn cũng có điều gì đó rất riêng, hóm hỉnh, dễ thương.
Sau này mới biết, hẻm nằm đối diện chợ Phú Nhuận đông người qua lại nên thường hay xảy ra tai nạn giao thông và người trong hẻm chung tay dựng nên tủ thuốc để lỡ ai đó cần thì có mà dùng.

Người nhiều bỏ nhiều, người ít bỏ ít, còn không có của thì góp công. Mà chưa hết đâu, ở con hẻm này còn có trà đá miễn phí, vá xe miễn phí, hòm từ thiện, thậm chí cả đội xe ôm tình nguyện chở người già, tàn tật, cô đơn,… khi có việc cần bất kể nắng mưa mà chẳng hề công cán.

Người trong hẻm đều là lao động chân tay, cuộc sống còn khó khăn nhưng cứ vì nhau, lá rách ít đùm lá rách nhiều để sống mà thương, để người qua đường phải gọi bằng cái tên vô cùng trìu mến, hẻm “ông tiên”.
Mà ở Sài Gòn đâu chỉ có một hẻm “ông tiên”, còn nhiều hẻm “ông tiên”, “bà tiên”, “cô tiên”,… như vậy lắm. Đâu phải tự nhiên mà mà người nghèo bỏ xứ rời quê cứ chọn con hẻm Sài Gòn làm nơi tá túc, mưu sinh. Sài Gòn cứ sống thiệt tình thì người khác sẽ thương, sẽ giúp.

Nếu hỏi người ta có thích sống trong hẻm hay không? Thì mấy ai trả lời là có. Ai muốn chui rúc vào một không gian bức bí, bẩn thỉu và thường xuyên ngập đó làm gì? Nếu không vì khó khăn, chưa giàu để dời đi chỗ khác.

Ở Sài Gòn, hẻm cứ chằng chịt như tơ nhện và nơi cưu mang tới bảy, tám mươi phần trăm dân số. Nên người nghèo, họ vẫn cứ thương nhau.
Nếu đã ví Sài Gòn như một người phụ nữ đẹp thì những thứ lấp lánh bên ngoài là trang sức, phụ kiện; còn các con hẻm bên trong như mạch máu chảy ngầm.

Bởi vậy Sài Gòn bao dung, thành phố nghĩa tình cũng bắt đầu từ trong những con hẻm nhỏ đi ra…

Quốc Việt (Tác giả )
Sưu tầm: www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.