Bởi Kirsten Holmberg
Đọc: Rô-ma 14:13-23
Vậy, chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại sự hòa thuận và xây dựng cho nhau. — Rô-ma 14:19
Bạn tôi kể lại việc một tín hữu, cũng là đồng nghiệp đã hỏi thẳng cô ấy thuộc đảng phái chính trị nào. Mục đích của anh ấy khi hỏi như vậy dường như để xem thử liệu anh có đồng ý với cô về bất kỳ vấn đề nào hiện đang chia rẽ cộng đồng của họ hay không.
Trong nỗ lực tìm kiếm điểm chung giữa họ, cô ấy trả lời: “Vì chúng ta đều là Cơ Đốc nhân, nên tôi muốn tập trung vào sự hiệp một của chúng ta trong Đấng Christ.”
Trong thời của Phao-lô cũng có sự chia rẽ, mặc dù vì những vấn đề khác nhau. Những chủ đề như những loại thực phẩm được phép ăn và những ngày được coi là thánh đã gây ra sự bất đồng giữa các Cơ Đốc nhân tại Rô-ma. Mặc dù họ “tin chắc ở trí mình” về bất kỳ lập trường nào mà họ đang ủng hộ, nhưng Phao-lô đã nhắc họ về một điểm chung: sống cho Chúa Jêsus (Rô. 14:5-9). Thay vì đoán xét lẫn nhau, ông khích lệ họ “theo đuổi những gì đem lại sự hòa thuận và xây dựng cho nhau” (c.19).
Trong thời đại mà nhiều quốc gia, hội thánh và cộng đồng bị chia rẽ bởi các vấn đề lớn nhỏ, chúng ta có thể hướng nhau đến với chân lý nhất quán về công tác của Đấng Christ trên thập tự giá để bảo đảm sự sống đời đời của chúng ta với Ngài. Lời nhắc nhở của Phao-lô là chúng ta không nên “hủy hoại công việc của Đức Chúa Trời” (c.20) bằng những lập trường cá nhân của mình, lời dạy này vẫn thích hợp cho ngày nay như cách đây 2000 năm. Thay vì đoán xét lẫn nhau, chúng ta có thể hành động trong yêu thương và sống theo cách tôn trọng anh chị em của mình.
Những khác biệt về quan điểm đã gây chia rẽ giữa bạn với các tín hữu khác thế nào? Bạn đã giải quyết những khác biệt đó ra sao?
Lạy Chúa Jêsus, cảm ơn Ngài đã cứu con. Xin tha thứ cho con vì nhiều lần con đã để cho những vấn đề kém quan trọng gây chia rẽ giữa con và các tín hữu khác. Xin giúp con đem lại sự hiệp một bằng cách tập chú vào Ngài. Amen
www.hoithanhvuonnhoaz.com