Chịu Chết và Chôn

“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:4).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Giô-sép là ai?

Việc ông xin xác Chúa Giê-xu có thể dẫn ông đến những hậu quả nào? Vì sao ông quyết định hành động như vậy? Việc Chúa Giê-xu bị chôn mang ý nghĩa thuộc linh gì đối với chúng ta?
Ngày thứ Bảy Tuần Lễ Thánh như một dấu lặng để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng vào Chúa Nhật Phục Sinh. Chúng ta sẽ suy ngẫm về sự chôn Chúa Giê-xu, và về người được Đức Chúa Trời dùng cho sứ mệnh cao trọng này.
Theo luật Do Thái, và đặc biệt là ngày Lễ Vượt Qua, việc treo xác trên thập tự là không thể chấp nhận. Vì vậy, người Giu-đa xin cho đánh gãy ống chân các tử tội và cất xuống, nhưng do họ thấy Chúa Giê-xu đã chết rồi nên chúng không đánh (Giăng 19:31-33). Đức Chúa Trời đã sử dụng ông Giô-sép ở A-ri-ma-thê để chôn cất Chúa Giê-xu. Việc làm này đã ứng nghiệm lời tiên tri về sự chết của Chúa, “Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu” (Ê-sai 53:9a). Đức Chúa Trời đã chuẩn bị ông Giô-sép cho chương trình của Ngài và ông nhận biết đây là thời điểm mình được Chúa dùng.
Chôn Chúa vào thời điểm đó là cả một thách thức với ông Giô-sép vì ông sẽ bị ô uế, không được dự Lễ Vượt Qua (Dân Số Ký 19:11), và trở thành người chống đối với Tòa Công Luận. Nhưng sự chết của Chúa Giê-xu đã làm cho ông Giô-sép, một môn đệ kín giấu của Ngài (Giăng 19:38), mạnh mẽ công khai đức tin của mình. Hơn nữa, chính sự “trông đợi Nước Đức Chúa Trời” (câu 43) đã giúp ông Giô-sép đứng vững khi dường như điều ác đang thắng thế. Quả thật, “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời này mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết” (I Cô-rinh-tô 15:19).
Chúng ta thường nhấn mạnh đến sự chết và phục sinh của Chúa, nhưng bỏ qua vai trò quan trọng của việc Ngài bị chôn trong lẽ thật của Phúc Âm. Trong Rô-ma 6:3-5, Sứ đồ Phao-lô nói đến sự liên hiệp trọn vẹn của Cơ Đốc nhân với Đấng Christ qua sự chết, sự sống lại, và cả sự chôn của Ngài. Chôn một người là bằng chứng chắc chắn người đó đã chết, và nhấn mạnh sự hoàn tất, cuối cùng của sự chết. Chúa Giê-xu bị chôn là một bằng chứng xác thực Ngài đã thật sự chết. Và vì chúng ta liên hiệp với Đấng Christ, cho nên vì Chúa đã bị chôn, chúng ta cũng đã bị chôn. Đây là một lẽ thật rõ ràng! Không thể nói “con người cũ” của chúng ta đã bị chôn hoàn toàn nhưng lại chỉ chết một phần! Khi chúng ta tin Chúa, chúng ta đã thật sự chết, và chôn. Đó chính là bước khởi đầu cho sự đắc thắng của chúng ta khi liên hiệp với Đấng Christ qua sự sống lại của Ngài. Ha-lê-lu-gia!
Con người cũ của bạn đã bị chôn hoàn toàn với Chúa chưa?
Lạy Chúa, xin tình yêu của Chúa cảm thúc để con sống cuộc đời can đảm, làm chứng nhân cho Ngài ngay cả trong những lúc phải đối diện với những thách thức của đời sống.
(Văn Phẩm Nguồn Sống)
Sưu tầm: www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.