Ước Vọng Hòa Bình

Bàn chân nhỏ của em vượt bao dặm đường, bằng xe lửa, đi bộ, một mình. Em là Hassan, cậu bé Ukraine 11 tuổi, là anh hùng tí hon của một đất nước anh hùng. Chiến sự khốc liệt đã đến tận ngôi làng nhỏ yên bình của em.

Với lò nguyên tử cạnh bên đang bị quân Nga lăm le tấn công, sự an toàn chỉ là số không. Mẹ, một góa phụ. Bà Ngoại, già yếu không tự di chuyển được. Một em bé 11 tuổi. Họ phải làm sao để lánh nạn? Bà Ngoại không di tản nổi. Mẹ không thể bỏ Bà. Ga tàu chật kín người. Những gương mặt lo âu. Đôi mắt đăm chiêu. Vì sự sống, vì tương lai của con, người mẹ nhét vội vài thứ vào một túi ni-lông, đưa hộ chiếu dặn con giữ kỹ, viết nguệch ngoạc số điện thoại của người thân ở Slovakia lên bàn tay con, một cái ôm siết, nụ hôn từ biệt, rồi mạnh dạn đẩy đứa con trai nhỏ của mình lên toa tàu, thầm nguyện xin Chúa gìn giữ con được an toàn. Với hành trang đó: 1 túi ni-lông, 1 hộ chiếu, 1 số điện thoại viết trên tay, bao la tình yêu của Mẹ và dày cộm sự kiên cường bản thân, Hassan đã vượt 1000 cây số đến biên giới bình an.
     Lần cuối cùng bạn khóc là khi nào? Lần cuối cùng bạn khóc vì người khác là khi nào? Lần cuối cùng bạn khóc khi xem tin tức thời sự là khi nào? Từ ngày 24 tháng 2, năm 2022, ngày nước Nga bất ngờ tấn công nước Ukraine, nhiều người đã khóc. Thế giới đổ nước mắt với Ukraine.
     Lịch sử nhân loại là lịch sử của chiến tranh. Trải qua nhiều thời đại, các cường quốc luôn ôm mộng thôn tính những quốc gia yếu thế cạnh bên. Babylon (Iraq ngày nay) là đế quốc đầu tiên với triều đại hoàng kim của Vua Nebuchadnezzar II vào khoảng 600 năm TCN. Vua này chiếm lĩnh Ai Cập, bán đảo Ả-rập, tới vùng Sy-ri, Tiểu Á Tế Á, vùng Palestine, Ty-rơ, nói chung là thế giới được họ biết đến thời bấy giờ. Vị vua này được nhắc đến khá nhiều trong Kinh Thánh vì là người khiến vương quốc Giu-đa sụp đổ vào năm 586 TCN, lưu đày người Do Thái sang Babylon, như Lời Chúa đã báo trước.
     Kế đến là đế quốc Ba Tư (Iran ngày nay) được thành lập năm 550 TCN dưới triều đại của Vua Cyrus, thống lãnh một đế quốc rộng lớn kéo dài từ Đông sang Tây. Cyrus là vị vua ra chiếu chỉ cho phép người Do Thái trở về lập quốc sau 70 năm lưu đày. Đây cũng là sự kiện được ghi chép trong Kinh Thánh.
     Đế quốc thứ ba là Hy Lạp dưới sự cầm quyền của Alexander Đại đế, là vị vua dũng mãnh hàng đầu trong lịch sử các vị vua. Vua Alexander lên ngôi lúc 20 tuổi. Đến 30 tuổi, ông cai trị một lãnh thổ rộng lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử con người. Nhưng ông đột ngột qua đời ở tuổi 32 sau một cơn bạo bệnh. Ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp vẫn còn đến ngày nay. Điểm nhấn đặc biệt là Kinh Thánh Tân Ước được trứ tác bằng tiếng Hy Lạp, nên ngôn ngữ này trở thành nguồn truyền cảm hấp dẫn cho những người muốn nghiên cứu bản thánh văn tuyệt tác này.
     La Mã là đế quốc thứ tư. Dù La Mã đã bị giải tán vào năm 476 SCN, nhưng dư âm của nó vẫn còn tồn tại qua các nước Âu châu, lẫn Hoa Kỳ, là xứ sở của di dân Âu châu. Tiếng Latin vẫn còn được sử dụng ngày nay và là nguồn gốc quan trọng của các ngôn ngữ Âu châu. Chữ Quốc ngữ của Việt Nam được các giáo sĩ Dòng Tên ký tự bằng mẫu tự Latin vào đầu thế kỷ thứ 17.
     Chúng ta có ngạc nhiên chăng, khi thấy các đế quốc từ thời cổ đại đến giờ, chúng ta đều biết qua, và chúng vẫn còn liên quan ít nhiều đến cuộc sống ngày nay. Điều thích thú hơn hết, là cả bốn đế quốc này đều được nhắc đến trong Kinh Thánh.
     Người Việt không xa lạ với chiến tranh. Lịch sử 4000 năm là lịch sử của những trận chiến. Năm 40 SCN, hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán. Năm 938, Vua Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán ở trận Bạch Đằng. Năm 1258, 1285, và 1288, ba lần nhà Trần khiến nhà Nguyên của đế quốc Mông Cổ phải bỏ mộng xâm lăng nước Đại Việt, trong đó chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vang danh sử sách. Năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Vua Lê Lợi với đại thắng Chi Lăng năm 1427 khiến quân Minh mất vía. Năm 1789, trận Ngọc Hồi—Đống Đa của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là chiến công oanh liệt, đánh đuổi Tướng Tôn Sĩ Nghị của nhà Mãn Thanh bỏ chạy thất kinh.
     Nói đến chiến tranh là nói đến xung khắc và đổ máu. Những đế quốc bành trướng lãnh thổ bằng gươm giáo, những cuộc chiến chống xâm lăng liệt kê ở trên là sự thật lịch sử. Bên cạnh thực tế đó, có một cuộc xung khắc đổ máu khác mà nhiều người trong chúng ta không nhận biết. Đó là cuộc xung khắc giữa Thiện và Ác, Lành và Dữ, Công chính và Tội Lỗi. Hãy nhìn thế giới chung quanh, bạn sẽ thấy sự tranh đấu này xảy ra trên từng tấc đất, từng tâm hồn. Để thắng điều ác, con người phải làm điều thiện. Để tránh điều dữ, con người phải mến sự lành. Để lìa xa tội lỗi, con người phải sống công chính. Đây là những điều con người không làm được. Tuyệt đối không. Tin tức tiêu cực này nghe thật buồn, nhưng chính xác, vì trên thế gian, không một người nào hoàn toàn không có điều ác, không có điều dữ và không có tội lỗi. Tất cả con người đều là tội nhân và phải chịu hình phạt cho tội lỗi của mình.
     Trận chiến của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là trận chiến khốc liệt để giải quyết xung đột giữa Thiện và Ác bằng máu. Tại sao máu của Chúa Giê-xu có thể giải quyết được mâu thuẫn này? Vì con người chúng ta bất lực trước tội lỗi. Chúng ta không sống tốt được. Chúng ta mang bản chất tội nhân. Tội nhân phải nhận hình phạt. Chúa không muốn chúng ta bị hình phạt, nên Ngài sẵn lòng nhận lấy hình phạt thay chúng ta. Ai bằng lòng nhận lấy món quà này, sẽ được sống.
     Nếu có người chịu chết thay mình, thì mình không phải chết nữa. Bạn có tin điều đó không? Điều tuyệt vời hơn nữa là, không những Chúa Giê-xu chịu chết thay tôi và bạn, mà Ngài không chết luôn như con người. Sau ba ngày trong hầm mộ đá, Chúa đã sống lại. Chúa phục sinh để bảo đảm sự cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu cho người tin Ngài. Nếu Chúa không sống lại, thì chúng ta chỉ cám ơn Chúa đã chết thay chúng ta, nhưng không chắc chúng ta sẽ được sống lại. Chúa Giê-xu đã sống lại, nên người tin Ngài biết chắc rằng mình cũng sẽ sống lại. Đó là tâm điểm của Lễ Phục Sinh.
     Năm 1979, ban nhạc ABBA phát hành ca khúc nổi tiếng, “Người thắng sẽ được tất cả—The winner takes it all” nói về niềm đau khi một mối quan hệ bị tan vỡ. Bài hát mở đầu như sau: “Tôi không muốn nói về những gì đã xảy ra. Dù đau đớn, nó đã là quá khứ. Tôi đã chơi tất cả quân bài của mình, anh cũng vậy, không còn gì để nói, không còn con ách nào nữa để chơi. Người thắng sẽ được tất cả. Người thua cúi đầu chịu bại. Đó là số phận.” Lời bài hát thâm thúy, nhưng không đúng với thực tế. Tác giả và ca sĩ của bài hát này cũng thừa nhận vậy. Khi một mối quan hệ đổ vỡ, cả hai đều đau khổ. Trong chiến tranh, người thắng kẻ thua đều tổn thất nặng nề. Nhìn nước Nga và nước Ukraine ngày nay, chúng ta thấy được điều đó.
     Chỉ có cuộc chiến trên thập tự giá, khi Chúa Giê-xu chịu chết thay nhân loại và phục sinh khải hoàn, Ngài mới là người chiến thắng hoàn toàn. Dòng máu Chúa đổ ra là máu của Tình Yêu, Ân Sủng, Tha Thứ, và Hy Vọng. Các đế quốc hưng thịnh, rồi suy vong. Duy Chúa Giê-xu, chiến thắng trên đồi Gô-gô-tha là chiến thắng trường tồn. Một ngày kia, Chúa Giê-xu sẽ trở lại để thiết lập vương quốc hòa bình vĩnh cửu của Ngài.
     Ai cũng có ước vọng hòa bình, nhưng hòa bình thật sự chỉ đến khi Chúa, là Vua Hòa Bình, cai trị. Ước mong trong ngày đó, bạn sẽ là công dân hạnh phúc trong vương quốc của Vua Hòa Bình.
Bình Minh

www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.