Phấn Hưng Đến Từ Đức Chúa Trời

Trong chiến dịch phấn hưng Hội Thánh tại Los Angeles năm 1949, ông Billy Graham nói: “Los Angeles là một thành phố hung ác và đầy tội lỗi, cả thế giới đều biết những việc làm tội lỗi, những hành vi trộm cướp, giết người, và cách ăn ở vô luân tại đó. Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ phải đổ sự đoán phạt xuống thành phố, trừ phi dân chúng hạ mình, ăn năn, và trở lại, trừ phi Đức Chúa Trời sai Thánh Linh thức tỉnh Hội Thánh như Ngài đã từng làm.” (1)


Ông Billy Graham nêu lên một số nguyên do khác: nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh nguyên tử; hoạt động lan tràn của các tiên tri giả và của các hội Sa-tan; sự suy đồi của đời sống tin kính tại Los Angeles. (2)


Thời của Finney, ông nhận diện những dấu hiệu sau đây trong đời sống con cái Chúa: thiếu tình thương anh em và thiếu sự tin tưởng lẫn nhau; có sự chia rẽ, ganh tị, và nói hành trong Hội Thánh; tinh thần yêu mến thế gian len lỏi vào Hội Thánh; một hành vi tội lỗi đáng xấu hổ đã tạo dịp cho kẻ chống nghịch nói lời phạm thượng cùng Chúa; tinh thần chống đối, miệng lưỡi gièm chê, nhạo báng trong Hội Thánh; sự thờ ơ lãnh đạm và cứng lòng điên rồ của con cái Chúa. Khi một trong những dấu hiệu này xuất hiện thấy rõ, thì ấy là lúc cần có một cơn phấn hưng. (3)


Đó là những vấn đề của ngày xưa. Điều đó không có nghĩa là hôm nay chúng ta không còn gặp nữa. Chắc chắn rằng khi một trong các vấn đề vừa nêu xảy ra, nhu cầu về một cơn thức tỉnh là cần kíp. Thế giới xung quanh thay đổi và mỗi thế hệ có nan đề riêng của mình. Phần chúng ta là định bịnh sao cho đúng. Tình hình của Hội Thánh cách đây 100 hay 200 năm rơi vào tình trạng con cái Chúa lãnh đạm. “Họ dường như ngủ quên, tuy nhiên không có chối bỏ lẽ thật như người tin Chúa khắp nơi hiện nay. Họ biết lẽ thật nhưng không làm theo; họ có tín lý nhưng không sống theo điều mình tin. Đối với họ, chỉ cần đánh thức họ dậy.” (4)


Còn con cái Chúa hôm nay thì sao?


“Tình trạng hôm nay không chỉ là thờ ơ hoặc thiếu quan tâm, mà còn thiếu hiểu biết và từ chối sự sống thuộc linh, từ chối việc làm của tay Đức Chúa Trời. Xưa, người ta nghĩ đến làm điều thiện và tránh điều ác; nay, người ta gọi lành là dữ, gọi dữ là lành… Thêm nữa, người ta chối quyền tối thượng của Kinh Thánh; người ta xem Kinh Thánh như là một quyển tiểu thuyết.” (5) — đọc cũng được, không đọc cũng được.


Paul RANC nói về “truyền thống chết”, nghĩa là “con cái Chúa không làm theo lẽ thật nữa; do mất lòng kính mến ban đầu, dẫn đến lòng mê của cải đời nầy, rồi sống theo sự công bình riêng hoặc lăng xăng trong công việc tôn giáo.” (6)


Gần đây, ta thấy có một sự trở lại về niềm tin. Nhưng than ôi! Không phải trở lại với Chân Thần! Tôn giáo đông phương gia bội, thậm chí người tây phương cũng tìm đến. Một sự trộn lộn về tín ngưỡng như nước lụt đã tràn ngập các nước vốn theo Cơ đốc giáo: những tà giáo xuất hiện như Tân Thời Đại (New Age), các nhóm tà thuyết khác, vân vân… Người ta không còn hỏi, “Đức Chúa Trời có thật không?”, mà là, “Ai là Đức Chúa Trời?”, “Đâu là Chân Thần?”.
Ông M.F. Van Dijk, một giáo sư môn Biện Giáo, cho biết ngày 30 tháng 04, 1996, môn đồ của Sa-tan ở Vương Quốc Bỉ tụ tập hội đồng để cầu nguyện xin chúa quỷ hủy phá công việc của Đức Chúa Jêsus Christ trong xứ.


Một nữ giáo sĩ người Bỉ trở về từ xứ Nepal cho biết bà cảm nhận không phận tại quê nhà tương tựa như tại Nepal, nghĩa là bị khống chế bởi quyền lực tối tăm…


Làm sao đây?
Phấn hưng đến từ Đức Chúa Trời. Và Ngài làm việc qua một người, cho một ai đó.


~~~ Lạy Cha, con cúi xin Thánh Linh Ngài ngự trị lòng con cách hiển oai, đặt tội vào thập giá đóng ngay, luôn tâm tánh xác thịt con đây, để tâm linh được sạch sẽ hoài. Lạy Chúa, con đóng đinh rồi, nguyền lòng được sự sống Chúa thôi; xin lấy hơi linh đầy năng lực, bứt đứt dây muôn tội trói buộc. Lạy Chúa, xin hằng ngày Ngài ấn chứng cho con, bàn tay Ngài nâng hồn thân con, để hưởng ơn thiên đàng đầy trọn. Nhơn Danh Đức Chúa Jêsus Christ, a-men. (Cầu nguyện theo lời trong Thánh ca “Thánh Linh Ngự Vào Lòng”).


(Mục sư Cương Võ, Toronto, Ontario)

————————————–

(1) Van Kampen Pres, Revival In Our Time, The Story Of The Billy Graham Evangelistic Campaigns (Wheaton: Van Kampen Press, 1954), p.70.

(2) Ibid., p.73.

(3) WEBER M., Les Réveils Religieux, Discours de Charles-G Finney (Haute-Savoie: Editeur M.WEBER, 6è édition, 1951), pp. 12, 13.

(4) LLOYD-JONES D. Martyn, Revival (Vietnamese translation 1992 by The Vietnamese Theological College Westminster, California, USA), p. 14.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.