Ha-ba-cúc 1:12-2:4
Nếu nó chậm trễ, hãy chờ đợi. — Ha-ba-cúc 2:3
Một nhà hàng nổi tiếng ở Bangkok phục vụ món súp từ nước hầm xương được nấu trong bốn mươi lăm năm và được châm thêm một ít mỗi ngày. Cũng như một số “thức ăn thừa” có vị ngon hơn sau vài ngày, thời gian nấu ăn kéo dài giúp hòa quyện và tạo ra những hương vị độc đáo. Nhà hàng này đã thắng nhiều giải thưởng về nước hầm xương ngon nhất tại Thái Lan.
Những điều tốt đẹp thường cần thời gian, nhưng bản tính con người lại thấy khó kiên nhẫn. Câu hỏi “Cho đến chừng nào?” xuất hiện xuyên suốt Kinh Thánh. Một ví dụ chua xót đến từ tiên tri Ha-ba-cúc, người mở đầu sách của ông bằng câu hỏi: “Lạy Đức Giê-hô-va! Con kêu cứu mà Ngài không lắng nghe… cho đến chừng nào?” (Ha. 1:2). Ha-ba-cúc (nghĩa là “người được ôm ẵm”) đã nói tiên tri về sự đoán phạt của Chúa trên đất nước ông (là Giu-đa) qua sự xâm lược của đế quốc Ba-by-lôn bạo tàn, và ông đã vật lộn với câu hỏi làm sao Chúa lại để những con người bại hoại được thịnh vượng khi họ bóc lột người khác. Nhưng Chúa hứa ban niềm hy vọng và sự phục hồi trong thời điểm của Ngài: “Vì khải tượng [về sự cứu giúp của Chúa] còn phải chờ đến đúng thời điểm ứng nghiệm… Nếu nó chậm trễ, hãy chờ đợi; Vì nó chắc chắn sẽ đến, không trì hoãn” (2:3).
Cuộc lưu đày tại Ba-by-lôn kéo dài bảy mươi năm. Trong suy nghĩ của con người, đó là khoảng thời gian dài, nhưng Chúa luôn thành tín và chân thật với Lời Ngài.
Một số phước lành tuyệt vời nhất của Chúa có thể đến chậm. Nhưng dù cho chậm trễ, hãy cứ trông đợi Ngài! Ngài chuẩn bị mọi ơn phước bằng sự khôn ngoan và sự chăm sóc toàn hảo – và Ngài luôn xứng đáng để chúng ta chờ đợi.
Bạn đang đợi những ơn phước nào từ Chúa? Bạn dự định sẽ thờ phượng Ngài ra sao bất kể ơn phước được ban xuống lúc nào?
A-ba, Cha ơi, cảm tạ Ngài về sự nhân từ và thành tín của Ngài trong mỗi giai đoạn và mỗi ơn phước của cuộc đời. Xin giúp con luôn trông đợi Chúa trước nhất.
(James Banks)
www.hoithanhvuonnhoaz.com