Sài gòn – “bi nhiêu thì bi”

“Bi nhiêu thì bi”, câu này không phải chữ chánh thống, nó gốc là chữ “bao nhiêu cũng được”.
Chuyện là hồi xưa dân địa phương đi chợ ít ai trả giá, bởi người bán có nói thách đâu mà trả, nói năm đồng thì đưa năm đồng, nói mười đồng thì đưa mười đồng. Mua một chục trái cây, người bán lúc nào cũng đếm thành mười hai, mười bốn trái, một lít gạo thành ra lít mốt lít hai, mua mớ thịt còn gói thêm cho vài miếng xương, mua quả bầu quả bí còn dúi thêm nắm hành ngò…, người bán người ta cư xử vậy, mình người mua nỡ nào trả giá, coi sao được! Cư xử vậy cho nên bán mua rất được, hỏi giá chỉ để biết, hỏi cái này giá bao nhiêu, tiếng miền Nam nói nhanh nói trại: “Nè, cá lóc bán bi nhiêu đây!”, “Dạ, chị Hai lấy đi, cá đồng mới giăng câu hồi hôm, lấy về kho tiêu cho sắp nhỏ là hết xẩy luôn! Bi nhiêu cũng được mà, bi nhiêu thì bi!”…


Lâu rồi thành cửa miệng, giới bình dân dùng nhiều, giờ hầu như lan ra khắp hang cùng ngõ hẻm, đi đâu cũng nghe, đại ý là kêu người ta cứ thoải mái đi, sao cũng được mà, đừng so đo, đừng tính toán, cái gì cũng vậy, chủ yếu cho được việc, cho vui vẻ thôi, trước sao sau vậy. Mọi thứ trên đời đều có giá của nó, nhưng cái tình nghĩa người ta với nhau, nó vô giá lắm, đem tiền bạc vật chất ra so đo, thiệt nhỏ mọn quá. Bởi vậy nên cái câu “bi nhiêu thì bi” ngày nay không ai dùng trong chuyện mua bán nữa, mà dùng nó như một lối hành xử, của người Sài thành nói riêng và người Nam Bộ nói chung.
Nhiều người so sánh câu “Bi nhiêu thì bi!” của Tp.HCM với câu “Vô tư đi!” của Hà Nội. Thực ra là cũng khác nhau chút ít. “Bi nhiêu thì bi” có chất thoáng đãng nhưng không phải là không có giới hạn. “Bi nhiêu thì bi” khẳng định một chất riêng có của người Nam Bộ, sự hảo sảng. Mà cái sự hào sảng này không đến từ ai cả, nó là của mọi người, khi người ta tin nhau, khi người ta tôn trọng một thứ luật lệ ngầm được qui định từ xa xưa, từ thời mới mở cõi, thời đất trời hoang vu. Thứ luật ngầm ấy là niềm tin và sự phúc đáp tử tế, hào hiệp với nhau, người ta đối đãi mình “bi nhiêu thì bi” thì mình cũng “bi nhiêu thì bi” với người khác, vậy mới đặng!Câu “bi nhiêu thì bi” giờ nói ra không phải giải nghĩa nữa, nói là hiểu, nói là để khẳng định một phong cách sống, của Sài thành, bởi tánh hào hiệp, không hơn thua, không so đo, không chỉ trích. “Bi nhiêu thì bi”, cùng với “để mơi tính”, “xả láng”, “tới bến”…. nói lên lối sống hết mình với người khác, với cuộc đời của người Sài thành. “Bi nhiêu thì bi” có thể còn là một sự thách thức số phận, không tính toán mà vẫn đủ đầy, tin mà không bị gạt, chung tình mà không bị phụ, mà rủi có thì cũng bỏ qua, rồi lại “bi nhiêu thì bi”…
ĐÀM HÀ PHÚ
www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.