Từ những năm 1950, nhà tâm lý học Leon Festinger đã xây dựng nên thuyết so sánh xã hội, theo đó, ta hay có xu hướng đánh giá bản thân thông qua việc so sánh mình với người khác. Ta thấy giá trị của mình được nâng lên khi người khác phạm sai lầm. Khi nhìn lên chúng ta thấy áp lực và mệt mỏi bởi những chuẩn mực cao hơn của người khác. Nhưng khi nhìn xuống thấy người khác không bằng mình thì chúng ta như được an ủi và thấy cuộc đời mình cũng không đến nỗi. Và cảm giác đó giống như giây phút đê mê của thuốc phiện, nó khiến ta nghiện và tìm cách thỏa mãn bằng việc tìm lỗi của người khác. Richard Smith, tác giả cuốn “Niềm vui từ nỗi đau” dùng thuật ngữ chuyên môn là “so sánh xuống” để giải thích cho hiện tượng tâm lý này và theo tác giả, nó đem lại một niềm vui khoái trá.
Tâm đố kỵ cũng là sản phẩm của những người tự ti vì sự kém ưu thế của họ. Nhà văn Pháp François de la Rochefoucauld đã từng viết: “Nếu bản thân chúng ta không có những khiếm khuyết thì chúng ta đã không khoái chí như vậy khi phát hiện ra những khiếm khuyết của người khác.”
Thậm chí trần trụi hơn, sự đố kỵ được miêu tả bằng một câu nói được cho là của nhà văn Somerset Maugham rằng: “Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ.”
Thường thì cảm xúc hả hê một cách độc địa được ngụy biện bởi việc ủng hộ lẽ phải và công lý. Nhưng trên thực tế, nó không liên quan gì hết. Hãy hình dung bố hay mẹ của bạn vi phạm pháp luật và chịu án tù. Bạn có thể vẫn đủ lý trí để thấy hình phạt là hợp lý, nhưng bạn sẽ không hả hê vì công lý đã được thực thi. Lúc đó, nhìn những người hả hê, bạn sẽ thấy sợ hãi.
Thời đại ngày nay, người ta tôn thờ sự bình đẳng, những học thuyết đầy sơ hở và sai lầm như lý thuyết cào bằng, thuyết tiến hóa thúc đẩy sự tranh đấu, khiến con người cảm thấy không có lý gì mình lại phải thua thiệt hơn người khác. Cùng với sự bùng nổ về truyền thông, người ta lại càng có cơ hội để so sánh bản thân mình với bất kỳ ai. Bên cạnh đó, những giá trị tâm linh, tín ngưỡng đề cao đạo đức dần bị quên lãng và lệch lạc, như loại bỏ đi một lực lượng đối kháng có thể làm dịu bớt ngọn lửa đố kỵ của con người.
Thay vì tin rằng cái gì là của mình thì sẽ là của mình, những gì không là của mình thì có cố gắng cũng không có được, người ta lại tin rằng mình có thể có được mọi thứ của người khác nữa. Người xưa tin vào số phận, vào nghiệp đức, nên ai có ưu thế hơn người khác là vì kiếp trước họ đã ăn ở tốt. “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, tức là trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Người ta từ đó sẽ giảm bớt sự đố kỵ, ghen ghét mà khuyên răn nhau làm việc tốt để được phúc báo.
Các tín ngưỡng cổ xưa đều hướng con người ta đến cái Thiện, mà một biểu hiện của Thiện chính là biết đặt mình vào vị trí người khác, nghĩ cho người khác. Thế nên, trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy đã viết:
“Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác.”
Người chỉ quan tâm đến thành quả của người khác thường sẽ bỏ qua câu chuyện đằng sau những thành tựu đó. Người đố kỵ với người khác không phát huy được điểm mạnh của mình mà chỉ sa lầy vào việc thỏa mãn trước điểm yếu của người khác. Họ cũng không học hỏi được gì từ sự thành công của người khác mà chỉ có mang lại sự trì trệ và thất vọng trong tâm. Nếu dành cả đời để đố kỵ, chúng ta sẽ không có thời gian và cơ hội nhận ra tiềm năng của mình, hoàn thiện bản thân một cách từ tốn, chắc chắn.
Trước thành công của người khác, chúng ta cũng phải tu dưỡng bản thân. Đầu tiên là từ thái độ nhìn nhận, thành tâm chúc phúc và cảm nhận được hạnh phúc của họ, điều đó chỉ mang lại cảm giác tích cực cho chúng ta mà thôi. Sau đó là đánh giá một cách toàn cảnh thành công của họ mà không để cảm xúc ghen tị che mắt, lúc đó chúng ta sẽ có cơ hội học hỏi. Đối với những thất bại của người khác cũng vậy, chúng tà hoàn toàn có thể rút được kinh nghiệm cho bản thân với sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Khi chúng ta không thể xót thương cho người khác dù là kẻ thù thì chúng ta đang mất đi nhân tính. Chúng ta sẽ mất niềm tin vào người khác bởi chính chúng ta cũng không thể bao dung. Khi đã mất niềm tin, nó lại là một vòng luẩn quẩn để tâm tật đố lộng hành và ăn mòn nhiệt huyết cũng như trí tuệ của chúng ta.
Thuần Dương