Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 12:7-11 – “Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt?” (Câu 7)
Sự sửa phạt của Chúa dành cho chúng ta bày tỏ điều gì? Đem đến ích lợi gì? Thế nào là hành động yêu thương thật? Chúng ta nên có thái độ nào khi anh chị em mình sai phạm?
Tình yêu phải được bày tỏ qua hành động. Đức Chúa Trời yêu chúng ta khi tình yêu trong “lòng” Ngài được “bày tỏ ra” bằng hành động “sai Con Một Ngài đến thế gian” (I Giăng 4:9). Tuy nhiên, không phải mọi hành động đều xuất phát từ tình yêu. Nhiều người đã sai lầm khi cho rằng những hành động yêu thương là hành động không đem đến sự tổn thương, đau đớn, hay buồn phiền, mà phải đáp ứng mọi điều mong muốn của người khác. Vì thế, nhiều người không dám chỉ ra những sai trật, hay sửa phạt những lầm lỗi của những người quanh mình.
Ngày nay, nhiều cha mẹ nuông chiều, bênh vực con ngay cả khi con sai phạm. Nhiều người giữ sự im lặng trước những lối sống sai trật của anh chị em mình như: gian dâm, ô uế, luông tuồng, bè đảng, say sưa, mê ăn uống v.v… (Ga-la-ti 5:19-20), nhưng Kinh Thánh dạy vì Chúa yêu chúng ta như con cái Ngài nên sửa phạt chúng ta. Sự sửa phạt đó nghiêm khắc đến nỗi “lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng”, nhưng vì muốn chúng ta trưởng thành và “về sau sanh ra bông trái công bình và bình an” (câu 7-8, 11-12). Hành động yêu thương thật không phải là làm điều người khác muốn, nhưng là làm điều tốt cho người mình yêu thương. Nếu chúng ta thật sự yêu thương một người thì hãy giúp người ấy nhận ra những sai phạm và sửa chữa, nếu cần thì cũng phải sửa dạy hay kỷ luật họ nữa.
Theo gương Đức Chúa Trời, sự sửa dạy của chúng ta không nhằm chứng tỏ uy quyền hay là vì giận dữ, nhưng sự sửa phạt trước hết phải được thực hiện trong tình yêu thương như người cha sửa phạt con mình. Một người yêu thương người khác sẽ không vui khi thấy họ gặp thất bại, cũng không hả hê khi sửa phạt họ. Sự sửa phạt hay kỷ luật trong sự yêu thương là để “được” anh chị em mình (Ma-thi-ơ 18:15) chứ không phải để loại trừ hay vùi dập họ. Sứ đồ Phao-lô khuyên khi thấy anh em mình phạm lỗi thì phải “lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại.” Người sửa dạy cũng phải khiêm nhường và “phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng” (Ga-la-ti 6:1).
Ngày nay, nhiều cha mẹ sửa phạt con cái vì muốn chúng làm theo ý mình, vâng phục mình tuyệt đối nhưng lại không giúp chúng sống đúng theo Lời Chúa dạy. Đức Chúa Trời “vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài” (câu 10). Chúng ta sửa phạt người khác cũng phải với mục đích giúp họ ngày càng thánh khiết và giống Chúa hơn. Vậy chúng ta hãy sống với nhau cách chân thật, yêu thương và gây dựng nhau trong đời sống đức tin.
Bạn có im lặng trước những sai trái của anh chị em mình không?
Lạy Chúa, xin giúp con sống với nhau cách khiêm nhường, sẵn sàng sửa phạt và nhận sự sửa phạt để giúp nhau ngày càng sống thánh khiết đẹp lòng Chúa hơn.
(Sưu tầm)