[Góc nhìn đầy tích cực, sẽ mang lại hiệu ứng khác hẳn]
Một ngày kia, Akbar đại đế (một vị vua của Ấn Độ thời cổ xưa) có một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ đó, tự dưng ông bị rụng gần hết răng, chỉ còn sót lại 1 chiếc duy nhất. Có phần lo lắng, sáng hôm sau, ông cho gọi những nhà chiêm tinh học tới để mong họ giải mã giấc mơ cho ông.Nhà chiêm tinh học thứ nhất được mời tới đã trả lời nhà vua rằng, giấc mơ ấy có nghĩa là những người thân của nhà vua sẽ từng người từng người một chết trước nhà vua.
Nghe được đáp án này, nhà vua vô cùng tức giận và lo lắng, bèn đuổi anh ta ra về và gọi những nhà chiêm tinh học khác tới để hỏi về ý nghĩa của giấc mơ đêm qua. Tuy nhiên, tất cả những người đến sau cũng đều đưa ra đáp án giống hệt như vậy, khiến nhà vua rất buồn bã và thất vọng.Ông lần lượt cho họ ra về, không đánh cho một trận đã là may lắm, chứ đừng nói gì đến việc trọng thưởng.Vài ngày sau, nhà vua Akbar đã gặp mặt Tể tướng Birbal – một người có trí tuệ siêu việt, thông minh xuất chúng và kể lại câu chuyện cho Tể tướng Birbal nghe.Birbal suy nghĩ một hồi, sau đó nói với nhà vua: “Thưa bệ hạ, bệ hạ không cần phải lo lắng, giấc mơ đó có nghĩa là bệ hạ sẽ sống thọ và hưởng phúc phần nhiều nhất trong hoàng tộc này”.Akbar đại đế nghe xong, tinh thần trở nên phấn chấn và vui vẻ hẳn lên, sẵn đang có tâm trạng tốt, liền ban thưởng hậu hĩnh cho Tể tướng Birbal.Thực ra, câu nói của Tể tướng Birbal truyền tải cùng một thông điệp so với lời giải mã về giấc mơ của các nhà chiêm tinh học, thế nhưng, nó đã được diễn giải theo một góc nhìn đầy tích cực, và đã mang lại hiệu ứng khác hẳn.* Trong cuộc sống cũng vậy, cùng một lời nói, nhưng có người nói ra khiến ai cũng vui vẻ, thoải mái, trái lại, có người nói ra lại chỉ gây ra sự mất hòa khí, khiến người khác khó chịu, tất cả đều có thể do cách diễn đạt mà thôi.Theo Moral Stories