Chuyện Bố Tôi

Tôi còn nhớ năm ấy tôi học lớp hai. Trong lớp tôi có một bạn nhà nghèo, có tính tắt mắt, hay lấy đồ của các bạn trong lớp. Chính tôi cũng bị bạn ấy thó mất quyển tranh truyện bố mới mua cho tôi. Tối hôm đó tôi mách tội bạn ấy với bố, bố đã nói: “Bạn ấy nhà nghèo mà lại ham đọc sách, thế là rất quý.

Con đừng mách tội bạn ấy với cô giáo. Một người ăn trộm sách không phải là kẻ trộm quá xấu. Con cứ nói với bạn ấy rằng đọc xong trả lại, con sẽ cho bạn ấy mượn thêm những cuốn khác nữa ”. Quả nhiên bạn ấy đã trả lại tôi cuốn sách và còn được mượn thêm. Tôi và bạn ấy đã là bạn với nhau từ đó đến giờ.
Rồi có lần em trai tôi vì bênh vực ngưòi yêu mà có lời không được lễ phép lắm với cha mẹ. Bố đã bảo: “Khi người ta yêu, thì người yêu là nhất. Ai ngăn cản, tự nhiên sẽ trở thành kẻ thù. Ngày trước bố mẹ yêu nhau, ông bà nội con cũng không đồng ý. Có lúc bố hận ông bà và nghĩ sẽ bỏ nhà ra đi. Con người ta luôn hướng thiện. Sẽ có lúc em con nghĩ lại khi sóng tình đã dịu đi. Phải biết sống khoan dung con ạ”.
Những bài học của bố cứ ngấm sâu vào tôi một cách tự nhiên. Đến bây giờ tôi thấy mình cũng tốt bụng như bố. Thấy một người có tính kèn cựa, tôi đã nghĩ: “Người ta không được bằng người, nên mới cố gồng mình lên như thế. Kể cũng đáng thương”. Nhìn thấy một cô gái ăn mặc khác người, tôi cũng cảm thông rằng: “Cô ấy không còn cách nào chứng tỏ mình hơn, đành phải thể hiện mình bằng cách ấy”. Cứ như vậy tôi không khắt khe, không nghĩ ác về ai bao giờ. Cái được lớn nhất là được cho tôi, vì lòng tôi luôn thanh thản.
Khoan dung với người khác không phải là đức tính tự nhiên mà có. Nó là kết quả của sự vun đắp dài lâu thông qua sự làm gương và những lời chỉ bảo của cha mẹ từ những ngày con còn thơ bé.
Trần Văn Nông – Sưu tầm
www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.