Nhật Ký Của Bố

Năm công ty kim loại màu của bố mẹ làm ăn thua lỗ phải giải thể, cả gia đình chúng tôi trở về quê nội với một chút vốn liếng ít ỏi đủ để xây nên một căn nhà nho nhỏ và mở một cửa hàng tạp hóa kiếm chút đồng ra đồng vào. Chị em tôi còn nhỏ nên không biết nỗi lo toan của bố mẹ, chỉ biết rằng ngày đó, lúc nào bố cũng thức đêm suy nghĩ, tìm một công việc mới để ổn định cuộc sống.


Bố mẹ thoát ly đi làm công nhân đã lâu nên việc đồng áng giờ cũng không còn quen tay và nhanh nhẹn như trước. Cuối cùng, sau bao ngày suy nghĩ, bố tôi quyết định theo bác họ đi làm phụ hồ. Bố bảo công việc tuy vất vả tí nhưng dễ học, bố chỉ cần đi theo bác họ mấy hôm là thành thạo công việc.
Vậy là bố tôi làm phụ hồ từ ngày đó. Sáng sáng, bố phải dậy sớm để kịp cùng tổ thợ đi làm, rồi cứ tối tối bố lại trở về nhà trên chiếc xe cà tàng quen thuộc. Mấy ngày đầu đi làm về, chưa quen công việc nên lúc nào bố cũng đau lưng, đôi chân bố bị xi măng ăn bong tróc cả lớp da ngoài nhìn thật thương. Những lúc đó hai chị em tôi lại chạy quanh bố tranh nhau kể chuyện trường lớp, học tập cho bố nghe. Những lúc như vậy, bố rất vui và đôi khi lại thưởng cho chị em tôi vài viên kẹo mút hay cái bánh đa.
Tuổi thơ chị em tôi lớn lên từ những ngày lao động vất vả miệt mài của mẹ, trong những vòng xe vẫn quay đều ngày ngày của bố. Bố mẹ luôn cố gắng để chị em tôi sống vui vẻ và đủ đầy. Chúng tôi cứ thế vô tâm lớn lên mà không hay màu tóc bố đã khô bạc bởi nắng gió, vôi vữa của công trình, đôi vai bố gầy hơn lại thêm nặng gánh gia đình khi chị em tôi dần lớn.
Cứ thế mười năm trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, tôi từ một cô bé học sinh tiểu học đã trở thành cô sinh viên năm nhất với nhiều hoài bão, ước mơ. Bố tôi vẫn vậy, vẫn đều đặn cần mẫn làm việc nuôi chị em tôi khôn lớn. Rồi tôi rời xa vòng tay gia đình, ra Hà Nội học và viết tiếp giấc mơ đại học vẫn còn dang dở của bố.
Một hôm đang ngồi học, tôi chợt nhận được điện thoại nhà. Ở đầu dây bên kia giọng cô tôi nức nở,nói ngắt quãng: “Bố con bị bệnh… đang ở bệnh viện… con về ngay đi”. Tôi sững người lại rồi òa khóc, tin này đến với tôi quá bất ngờ, tôi không dám tin đó là sự thật. Tôi bắt ngay chuyến tàu muộn ngày hôm ấy về quê.
Ở bệnh viện, trên giường bệnh, bố tôi nằm nhắm nghiền mắt, thân hình gầy gò như lọt thỏm trên chiếc giường bệnh. Nhìn thấy tôi, bố khẽ mỉm cười, tôi lại òa khóc nức nở, ôm chầm lấy bố mà không nói nên lời. Bệnh tình của bố tôi đã lâu rồi nhưng bố bảo mẹ và em trai giấu tôi. Bố bảo sợ tôi đi học xa nhà đã bao nhiêu nỗi lo, bố không muốn tôi bận tâm về sức khỏe của bố. Mấy ngày qua, bệnh bố nặng lên nhiều, cô tôi đã giấu bố lén gọi điện cho tôi.
Mấy ngày về quê, ngày nào tôi cũng ở bệnh viện bón cháo, đọc báo rồi cùng bố đi dạo ở công viên cạnh bệnh viện. Các bác sĩ bảo bệnh tình bố tôi tiến triển rất khả quan, tâm lý cũng rất tốt, chỉ cần bố đủ điều kiện sức khỏe là sẽ tiến hành phẫu thuật, tôi mừng đến phát khóc. Những ngày ở bệnh viện, tôi luôn cảm nhận được ý chí mạnh mẽ cùng sự lạc quan của bố. Đôi khi những cơn đau làm khuôn mặt bố tái lại, thế nhưng bố vẫn cười nói: “Bố không sao đâu, con gái”.
Rồi ngày bố phẫu thuật cũng tới, cả gia đình tôi thấp thỏm lo âu xen lẫn những niềm hy vọng. Bác sĩ bảo còn thiếu một số giấy tờ cần bổ sung để tiến hành mổ cho bố. Tôi chạy như bay về nhà, mở hòm cá nhân của bố để tìm. Rất ngạc nhiên, tôi thấy rất nhiều quyển sổ được xếp chồng ngay ngắn. Tò mò, tôi mở một quyển ra xem. Ngay trang đầu tiên là nét chữ rất đẹp của bố: “Sổ chấm công-2012”. Trong đó là những con số ghi ngày, tháng, tên những chú bác cùng làm việc với bố, những dấu nhân đánh dấu những ngày tháng lao động vất vả của bố. Ở hàng tên bố hầu như không sót một dấu nhân nào. Đôi chỗ nét chữ của bố đã mờ đi vì thời gian đã lâu. Cứ thế tôi lật giở từng trang sổ của bố, ở đó không chỉ là những dấu nhân đánh dấu những ngày lao động vất vả của bố mà còn có cả những dòng tâm trạng của bố, những ngày kỷ niệm như sinh nhật tôi và em trai, ngày tôi đi thi học sinh giỏi… Tôi bất giác mỉm cười khi đọc đến dòng chữ bố đã viết khá lâu: “Có sự khóc, rất nhớ Quỳnh”. Đó là lúc tôi xa nhà mấy ngày để đi thi học sinh giỏi mà bố bận công việc không đi được. Lời văn của bố thật dung dị, giản đơn và giàu tình cảm như chính con người bố vậy.
Cả mười mấy quyển sổ chấm công của bố không chỉ là những dấu nhân chấm công mà là cả tình cảm yêu thương lo lắng bố dành cho chị em tôi, cho mẹ, cho cả gia đình nhỏ bé này. Tình yêu thương của bố thật thầm lặng, không bao giờ bố thể hiện qua lời nói mà nếu như không đọc những quyển sổ này, có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết hết được.
Tôi lại chạy nhanh đến bệnh viện, lại òa khóc nhưng là giọt nước mắt của hạnh phúc. Bố lại là người lau những giọt nước mắt của tôi và cười: “Đừng bi quan con, bố sẽ khỏe lại mà”. Tôi cũng cười: “Bố yên tâm, bố lạc quan thì con không có lý do gì để bi quan cả”. Chiếc giường đẩy đưa bố vào phòng phẫu thuật, tôi, mẹ và em trai nắm chặt tay nhau cùng chờ đợi, chờ đợi giây phút bố phẫu thuật thành công – sẽ là bố khỏe mạnh, vui tính của chị em tôi ngày nào.
Tình cảm gia đình thật thiêng liêng và kì lạ, đôi khi là những yêu thương không nói thành lời, những yêu thương ẩn sâu trong quyển sổ nhỏ bé, trong những công việc tận tụy của bố mẹ, tất cả vì tương lai chị em tôi. Chỉ cần nghĩ đến đó, tôi thấy mình thật hạnh phúc và yêu gia đình thật nhiều. Tôi biết có nhiều điều tôi sẽ nói với bố, và kể cho bố nghe những gì tôi cảm nhận được từ “sổ chấm công” của bố, mà giờ tôi sẽ gọi là “nhật ký của bố”…
(Sưu tầm)
www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.