Bát mỳ thừa

Một người nhặt rác cao tuổi thỉnh thoảng lại liếc nhìn quán mỳ bốc khói nghi ngút, nuốt nước bọt, rõ ràng là ông đang rất đói. Một ông bố trẻ vừa dắt con gái vào quán, gọi hai tô mỳ. Lúc chuẩn bị ăn, anh vô tình đánh mắt ra ngoài.

Ngay sau đó, ông bố trẻ gọi người phục vụ mang tới một bát to, gắp ra hơn nửa bát mỳ.

Cô con gái nhỏ đang ăn mỳ, nghiêng đầu hỏi: “Bố không ăn hết ạ?”

Ông bố trẻ mỉm cười trả lời: “Hôm nay bố không đói.”

Ăn xong, hai cha con cùng rời đi, hơn nửa bát mỳ khi nãy vẫn ở đó, không ai tới dọn.

Ông cụ nhặt rác ngó đầu vào trong cửa hàng, nhẹ nhàng đi đến chỗ hai bố con vừa ngồi, ngồi xuống, nhấc đũa và ôm lấy bát mỳ, ăn nhanh như một cơn gió.

Ăn xong, ông cụ nhẹ nhàng thận trọng bước ra khỏi quán.

Lúc đó, ông chủ cặm cụi tính toán, thực khách cắm cúi dùng bữa. Nhân viên phục vụ nhẹ nhàng thu dọn chén đũa, như thể ông cụ chưa hề bước vào.

Một cậu thanh niên mới đến nhìn thấy vậy liền bốc vài cái quẩy, định đuổi theo ông cụ nhưng bị ông chủ dùng ánh mắt cản lại.

Ông chủ tiệm thì thầm: “Làm như vậy, ông lão sẽ cảm thấy mất mặt, không còn lòng tự tôn, sau này sẽ không dám tới nữa. Sáng mai, cậu ngồi đúng chỗ đó, tôi sẽ làm cho cậu bát mỳ gấp đôi.”

  • Có một kiểu lương thiện, không chút biểu cảm, không chút khoa trương nhưng lại vô cùng ấm áp.

Những người mang tấm lòng lương thiện thường thấu hiểu những khó khăn, đau khổ của người khác.

Họ tôn trọng người khác, thấu hiểu người khác, nói những lời thiện chí, sống có trước có sau, tôn trọng quy tắc, xử sự chừng mực, hết sức cảm thông, không soi mói mọi người.

Những người như thế không gây khó khăn, không tìm hiểu đời tư, không phơi bày yếu điểm của người khác, không làm khó mọi người, dùng trái tim ấm áp và tinh tế sưởi ấm thế giới của những người xung quanh.

(Khánh An)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.