Victor sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở nước Anh. Cha mẹ của cậu đều dựa vào làm thuê để sinh sống. Mặc dù họ sống trong nghèo khó, nhưng mọi thành viên đều không vì vậy mà đánh mất đi sự chính trực, lòng lương thiện và nhân ái. Khi còn bé, Victor đã từng gặp một ông lão ăn mày đáng thương gõ cửa xin ăn. Lúc ấy đang là giữa mùa đông, bên ngoài gió tuyết không ngừng thổi, ông lão ăn xin vừa đói vừa lạnh. Mẹ Victor trên tay chỉ còn vẻn vẹn mấy đồng tiền lẻ, nhưng đều đưa hết cho ông lão ăn mày. Victor nhìn mẹ cảm thấy thật khó hiểu.
Người mẹ nói với Victor :
“Chúng ta ăn ít đi một bữa thì có thể cứu sống được một mạng người.”
Victor lớn lên trong hoàn cảnh luôn chứng kiến những lời nói và việc làm mẫu mực của cha và mẹ.
Vài năm sau đó, Victor khi ấy đã trưởng thành. Trong một lần gặp gỡ bạn bè, anh quen được một cô gái có dung mạo xinh đẹp. Thế rồi rất nhanh, hai người họ đã yêu nhau.
Nhưng, cha của cô gái là một quan tòa, không muốn con gái mình lấy một người thanh niên nghèo chỉ có hai bàn tay trắng.
Vì vậy, ông nói :
“Khi nào cậu kiếm được đủ 10 ngàn bảng Anh thì mới nhắc tới hôn sự này.”
Mười ngàn bảng Anh, đối với một người trẻ tuổi vừa mới ra ngoài xã hội mà nói, thật sự là điều không thể nào thực hiện được..
Victor thất vọng đi tìm người bạn tốt của mình để tâm sự giải sầu.
Daniel, bạn của Victor, là một họa sĩ trẻ tuổi, đang ở nhà vẽ một bức chân dung về người ăn mày.
Anh ta mời một người ăn mày đến làm người mẫu. Người này ăn mặc quần áo cũ rách, khom người, một tay chống gậy, một tay cầm bát hướng về phía trước, trên trán còn hằn sâu vài nếp nhăn. Victor nhìn thấy vậy trong lòng xúc động vì nhớ đến người ăn mày năm xưa ở trước cửa nhà mình.
Trò chuyện một lúc, anh biết được người bạn của mình trả cho ông lão đó tiền công là 10 xu/1 giờ. Victor không khỏi xấu hổ vì sự keo kiệt của anh bạn.
Lúc này, người gác cổng trước nhà đến báo, Daniel có người tìm gặp vì thế anh vội đi và để Victor ngồi lại với ông lão ăn mày.
Victor nhìn thấy bộ dạng đáng thương của ông lão, tay không tự chủ được mà đưa vào túi quần, móc móc một lúc. Cuối cùng cũng móc ra được một đồng bảng Anh tiền xu. Thừa dịp Daniel còn chưa quay lại, Victor mau chóng nhét đồng bảng Anh tiền xu vào tay ông lão. Ông lão ăn mày ngẩng đầu lên nhìn Victor có chút kinh ngạc, rồi tiếp nhận mà không nói một lời nào.
Bẵng đi một thời gian, trong một lần tụ họp bạn bè, Victor gặp lại Daniel, anh liền hỏi thăm xem bức chân dung người ăn mày của Daniel đã hoàn thành chưa.
Daniel nói cho Victor biết, ông lão ăn mày kia vốn dĩ chính là nam tước Alfred Adler, một vị quý tộc. Sản nghiệp của ông ấy nhiều vô kể, hàng năm ông đều dành ra một phần tặng tiền từ thiện rất lớn cho các tổ chức và trường đại học.
Ông sở dĩ muốn để Daniel vẽ mình thành một lão ăn mày cũng bởi lòng hiếu kỳ, muốn biết xem khi mình là một tên ăn mày thì bộ dạng sẽ như thế nào.
Victor nghe xong tình huống này trong lòng cảm thấy xấu hổ vô cùng vì sự khinh suất lỗ mãng của mình khi đó:
“Người ta là phú ông tiền tỷ, còn ngươi chỉ có một đồng bảng Anh tiền xu mà dám bố thí sao? Thật là không biết lượng sức mình!”
Không lâu sau đó, Victor nhận được một bức thư do nam tước Alfred Adler gửi đến. Trong thư ông viết :
“Chàng trai trẻ, ta vì sự lương thiện, chính trực và tấm lòng nhân ái của cậu mà cảm thấy tự hào. Ta được Daniel kể cho nghe về câu chuyện tình yêu đẹp đẽ của cậu. Bức thư này có lẽ có thể giúp cậu biến câu chuyện tình yêu đẹp đẽ ấy thành sự thật.”
Trong bức thư còn kèm theo một tấm thiệp chúc mừng, bên trong có tấm chi phiếu 10 ngàn bảng Anh được viết như sau:
“Lễ vật thành hôn dành cho anh Victor cùng cô Alister! Một lão ăn mày kính tặng!”
(Sưu tầm)