Cảnh giới cho một nền giáo dục

Lãnh đạo chân thật trong Hội Thánh nên đọc bài này, các giáo viên trường Chúa Nhật và chuyên viên Cơ Đốc Giáo Dục cũng vậy nha.

Mục đích cao nhất, cảnh giới cao nhất của giáo dục ở các thời đại là gì? Phải chăng là để bồi dưỡng ra những nhân tài kiệt xuất, những kiến trúc sư giỏi, những bác sĩ giỏi hay những nhà kinh doanh tài ba tạo ra nhiều tiền của, vật chất cho xã hội. Kỳ thực, hết thảy những điều này đều không phải cảnh giới cao nhất của giáo dục!

Trước đây, một vị giáo sư người Mỹ đã kể câu chuyện: Vào một buổi sáng sớm sau khi cơn bão đi qua, có một người đàn ông đi tản bộ trên bờ biển. Ông ta nhìn thấy rất nhiều vũng nước to nhỏ, trong đó có những con cá nhỏ bị bão táp đêm qua cuốn lên và mắc cạn ở đó. Những con cá nhỏ bị mắc cạn ở đó có lẽ lên tới mấy trăm con, thậm chí cả ngàn con. Người đàn ông biết rằng chẳng bao lâu nữa, mặt trời lên và nước sẽ bị cát hút khô, những con cá ấy sẽ bị khô cạn mà chết hết.

Đang suy nghĩ như vậy, ông ta nhìn thấy trên bờ biển có một cậu bé không ngừng nhặt những con cá nhỏ từ trong các vũng nước lên và ném chúng xuống biển. Người đàn ông tiến lại gần đứa trẻ và nói: “Này cậu bé, trong những vũng nước này có hàng trăm, ngàn con cá, cháu cứu không nổi đâu!”

“Cháu biết điều đó!” Cậu bé không ngừng nhặt cá và trả lời.

Người đàn ông nói tiếp: “Ồ! Vậy cháu vẫn tiếp tục ném những con cá này xuống biển sao? Có ai quan tâm đâu?”

Cậu bé vẫn không ngừng nhặt cá và nói: “Nhưng những con cá nhỏ này quan tâm!”

Quả thực, câu chuyện nhỏ này rất tương ứng với một câu nói của nhà thơ vĩ đại Tagore: “Mục đích của giáo dục là phải truyền tải được hơi thở của mạng sống cho con người”. Bởi vậy, “giáo dục” là bắt đầu từ việc tôn trọng sinh mệnh, khiến nhân tính hướng thiện, khiến con người có tấm lòng rộng mở, và càng phải khơi dậy được “thiện căn” tốt đẹp của con người.

Trước đây, có một nạn nhân sống sót tại trại tập trung của Đức Quốc xã từng trở thành hiệu trưởng của một trường trung học ở Mỹ.

Mỗi khi có một giáo viên mới đến trường, ông đều gửi cho người đó một bức thư, trong đó viết rằng: “Thầy/cô giáo thân mến! Tôi đã từng tận mắt chứng kiến những tình cảnh mà nhân loại không nên thấy, những phòng khí độc do các chuyên gia là kiến trúc sư kiến tạo ra, những trẻ em bị các bác sĩ uyên bác hạ độc, những trẻ sơ sinh bị các hộ sĩ được huấn luyện sát hại. Chứng kiến hết thảy những chuyện này, tôi tự hỏi: Giáo dục rốt cuộc là vì điều gì?

Tôi thỉnh cầu các bạn, hãy trợ giúp học trò của mình trở thành những con người có nhân tính. Chỉ khi học trò của các bạn trở thành những người có nhân tính thì các năng lực đọc, viết, tính toán của các em mới có giá trị”.

Một điều rất hiển nhiên rằng, con người có một mặt là Thú tính và một mặt là Thiên sứ. Mục đích của giáo dục là khiến linh hồn của con người được tôi luyện, vượt qua thú tính mà chuyển hóa về mặt Thiên sứ.

Giáo dục là giáo dục linh hồn con người, chứ không chỉ đơn thuần là nhồi nhét các nhận thức và tri thức lý trí. Mục đích cuối cùng của giáo dục lâu dài và vĩ đại. Nếu không, tri thức của bạn càng nhiều, thì chỉ càng nguy hại đối với nhân loại và đối với sinh mệnh.

Hiện nay, việc giáo dục trong trường học của chúng ta thường không coi trọng việc giáo dưỡng nhân cách cơ bản, đạo đức cơ bản, tình cảm cơ bản của học sinh. Điều đó khiến cho một bộ phận không nhỏ học sinh thờ ơ, lãnh đạm với mạng sống của người khác, thờ ơ với thế sự, đến mức lạnh lùng cay nghiệt.

Trình độ giáo dục của một dân tộc có thể được đánh giá qua thái độ của con người trên đường phố.

Vậy nên, một vị chuyên gia giáo dục Nhật Bản đã nói một câu như thế này: “Chúng ta cần bồi dưỡng cho học trò đối mặt với một khóm cúc dại mà cảm xúc dâng trào, trống ngực đập thình thịch” . Loại tình cảm này cũng chính là cảm xúc của cậu bé trước những con cá bị mắc cạn trên bờ biển ở câu chuyện trên.

Nếu như nhìn thấy một con cá hoặc cây cỏ đều không thấy có giá trị gì, sẵn sàng chà đạp, thì cho dù điểm số các môn học ở trường đạt rất cao, cũng đã mất đi giá trị nhân sinh đáng quý trong đời.

Tôn trọng con người, tôn kính vũ trụ, chính là tôn trọng sự tồn tại của sinh mệnh, biết được sinh mệnh là vô cùng trân quý. Con người không được tự dưng cướp đoạt sinh mệnh, cho dù đó là những sinh mệnh cấp thấp thế nào đi nữa.

Là một người mà đối với sinh vật hoặc động vật cấp thấp đều không hề có tình cảm yêu mến, thì có thể hy vọng người đó tôn trọng với sinh mệnh cao cấp hơn hay không? Trái lại, là một người mà trong lòng luôn tràn ngập tình yêu thương, quan tâm tới cây cỏ, hay dù là một con cá nhỏ, thì đối với sinh mệnh cao cấp hơn, đối với tính mạng con người, người đó chắc chắn cũng sẽ tôn trọng.

Cổ nhân nói: “Không gì bi thương hơn những ai có trái tim đã chết”. Một người mà lạnh lùng vô cảm đối với thế giới bên ngoài thì chính là một người không còn hy vọng. Một dân tộc thờ ơ coi thường mạng sống của người dân là một dân tộc không có tương lai.

Trong giáo dục, có lẽ có rất nhiều công việc cụ thể phải làm, có rất nhiều việc cụ thể phải nắm bắt. Nhưng việc bồi dưỡng học trò tốt nhất chính là bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng những giá trị nhân văn, trong đó căn bản nhất, quan trọng nhất chính là đánh thức lương tri biết trân quý, tôn trọng sinh mệnh của học trò.

An Hòa (dịch theo sự cho phép của tác giả)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.