Lu-ca 15:11–13; 17–24
[Họ] phàn nàn rằng: “Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi và ăn uống với chúng!” — Lu-ca 15:2
Tác giả Henri Nouwen nhớ lại chuyến thăm bảo tàng ở St. Petersburg, nước Nga, nơi ông đã dành hàng giờ để ngẫm nghĩ về bức chân dung người con trai hoang đàng của Rembrandt. Ngày trôi qua, sự thay đổi ánh sáng tự nhiên từ khung cửa sổ gần đó khiến Nouwen có ấn tượng rằng ông đang nhìn thấy nhiều bức tranh khác nhau khi ánh sáng thay đổi. Mỗi bức tranh dường như cho thấy hình ảnh khác về tình yêu của người cha dành cho đứa con lầm lỗi.
Nouwen mô tả rằng ông không biết làm thế nào mà vào khoảng bốn giờ chiều, ba nhân vật trong bức tranh lại có vẻ như đang “tiến về phía trước”. Một người là con trai cả nổi giận với cha vì “trải thảm đỏ” đón đứa em hoang đàng trở về. Chẳng phải nó đã phung phí quá nhiều tiền của, khiến cả nhà đau khổ và bối rối suốt một thời gian sao? (Lu. 15:28-30).
Hai nhân vật khác nhắc Nouwen nhớ về các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người có mặt khi Chúa Jêsus kể ẩn dụ. Họ là những người phàn nàn về những kẻ tội lỗi đang đến với Chúa Jêsus (c.1-2).
Nouwen thấy chính mình trong tất cả những người đó – trong cuộc sống lãng phí của con trai út, trong sự lên án của người anh cả và các nhà lãnh đạo tôn giáo, và trong tấm lòng đầy bao dung của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả mọi người.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta thấy mình ở đâu trong bức tranh của Rembrandt? Dù thế nào đi nữa thì mọi câu chuyện Chúa Jêsus kể đều nói về chúng ta.
Hãy dành thời gian suy ngẫm lại câu chuyện Chúa Jêsus kể. Bạn thấy mình ở đâu trong câu chuyện đó?
Lạy Cha Thiên Thượng, xin giúp con nhìn thấy chính mình không chỉ trong tình trạng của con, mà nhận biết rằng Ngài yêu thương tất cả chúng con rất nhiều.
(Mart DeHaan)