Kinh Thánh: Tít 2:1-10 – “Hãy dạy các điều đó, lấy quyền đầy đủ mà khuyên bảo quở trách. Chớ để ai khinh dể con”. (Tít 2:15)
Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh điều gì với ông Tít về việc giảng dạy? Để lời dạy có uy quyền của Chúa, người dạy dỗ phải có đời sống ra sao? Người dạy Lời Chúa có uy quyền từ đâu? Bạn đang dạy Lời Chúa trong uy quyền đó như thế nào?
Mở đầu những lời chỉ giáo gửi cho ông Tít, Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng ông Tít phải “dạy điều hiệp với đạo lành”, nghĩa là dạy những điều phù hợp với giáo lý chân chính (câu 1). Điều này rất quan trọng đối với người lãnh đạo Cơ Đốc là những người hướng dẫn con dân Chúa sống theo chân lý Kinh Thánh. Nếu những lời dạy không “hiệp với Lời Chúa” thì sẽ rất nguy hiểm vì lời dạy không có uy quyền của Chúa nên sẽ dẫn người nghe đến chỗ sai lạc.
Sứ đồ Phao-lô hướng dẫn cho ông Tít biết cách dạy dỗ mọi thành phần khác nhau trong Hội Thánh như lớp người lớn tuổi (cụ ông, cụ bà), lớp người trẻ, và cả những người đầy tớ (câu 2-10). Nhưng điều quan trọng nhất ông Tít cần phải chú ý, đó là nếp sống đạo và cách dạy dỗ của mình. Ông phải có nếp sống gương mẫu phù hợp với “đạo lành” ông đã dạy để người khác nhìn thấy những việc lành của ông mà bắt chước theo. Muốn cho lời dạy của ông có hiệu lực và không bị người khác chỉ trích, gièm chê thì ông phải luôn nói điều đúng đắn, trung thực và nghiêm trang khi dạy dỗ người khác (câu 7-8). Ông Tít không phải chỉ có trách nhiệm dạy người khác về Chúa Cứu Thế Giê-xu mà thôi, nhưng ông phải có một nếp sống bày tỏ chính Ngài nữa. Đó là điều mà người dạy đạo luôn phải nhớ và cẩn thận thực hành để lời dạy của mình càng thêm giá trị và có ảnh hưởng tốt đến người nghe.
Cuối cùng, Sứ đồ Phao-lô nhắc cho ông Tít nhớ rằng, với uy quyền của Chúa ông hãy khích lệ và khiển trách các tín hữu để họ không khinh dể ông (câu 15). Có thể ông Tít nhỏ tuổi hơn nhiều ông bà cụ khác trong Hội Thánh nên ít nhiều cũng gặp trở ngại trong việc dạy dỗ họ. Vì thế, ông cần phải dạy trong thẩm quyền Chúa ban, đó là uy quyền từ Lời Chúa, từ “đạo lành” ông rao giảng. Người dạy chân lý Lời Chúa luôn được Chúa ban cho uy quyền để rao giảng. Có thể nhiều tín hữu trong Hội Thánh lớn tuổi hơn, giàu có hơn, có thế lực hơn,… nhưng đó không phải là những yếu tố tạo nên uy quyền trong Chúa. Chỉ có Lời Chúa mới có thẩm quyền thuộc linh từ Đấng Chí Cao. “Vì Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Vì thế, người dạy đạo phải luôn dạy dỗ chân lý của Lời Chúa, của đạo lành để lời dạy có uy quyền Chúa ban.
Bạn có nhận uy quyền từ Lời Chúa để khuyên bảo, giúp đỡ, sửa dạy người khác không?
Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết uy quyền Chúa ban cho con trong công tác dạy Lời Ngài để lời dạy của con đủ năng quyền từ Chúa hầu giúp đỡ người khác sống đẹp lòng Chúa.
(Sưu tầm)