Học cách đánh giá cao người khác cũng là một kiểu tu dưỡng nhân cách, một kiểu làm tăng khí chất của bản thân, giúp bạn dần dần trở nên hoàn hảo. Học cách đánh giá cao người khác mới biết bản thân mình không hoàn hảo, mới hiểu được câu nói: “Núi này cao, còn có núi khác cao hơn”.
Nhà văn nổi tiếng Đài Loan, Lâm Thanh Huyền khi còn là phóng viên đã từng viết một bài báo hết sức tinh tế về một tên trộm. Cuối bài viết ông đã cảm thán mà rằng: “Tên trộm hành sự cẩn thận, phương thức làm việc độc đáo, tinh tế. Thật tiếc là anh ta lại làm trộm, với khả năng ấy nếu làm bất cứ việc gì anh ta cũng có thể thành công”.
Không ngờ, bài báo đó thực sự đã thay đổi cuộc đời của một người, mở ra đường sống cho tay trộm nọ. Vài năm sau, tên trộm năm nào trở thành một ông chủ lớn ở Đài Loan! Trong một bài phỏng vấn, anh ta thẳng thắn chia sẻ: “Những lời của Lâm tiên sinh thực sự đã phá vỡ điểm mù trong suy nghĩ của tôi. Tôi nghĩ rằng tại sao mình không thử làm nghề khác thay vì suốt ngày trộm cắp vặt, tại sao không tìm một việc chân chính mà làm?” Với những phẩm chất thiện nghệ của mình, anh ta thực sự đã đổi đời. Nhưng nếu như không có Lâm Thanh Huyền năm đó “khen ngợi” thì có lẽ tay trộm vặt ấy mãi mãi chẳng bao giờ mơ có ngày đổi đời.
Xã hội ngày nay, ai cũng muốn được người khác khen ngợi, đánh giá cao để mình được thi thố tài năng nhiều hơn nữa. Vả lại, đánh giá cao lẫn nhau cũng chính là một dạng trao truyền năng lượng tích cực cho nhau. Học được cách đánh giá cao người khác cũng là một đức tính vô cùng tốt đẹp.
Dale Carnegie, một diễn giả nổi tiếng người Mỹ, tác giả cuốn “Đắc nhân tâm” từng nói: “Đánh giá cao người khác là cách dễ chịu nhất để giành được thiện chí của mọi người. Nên nhớ rằng, con người ai cũng thích được người khác đánh giá cao, như vậy họ mới có cảm giác khẳng định mình”.
Nếu muốn chỉ trích một ai đó, hãy thận trọng. Bởi vì bạn phải đối đãi chân thành, từ bi với tất cả mọi người xung quanh dù không phải ai cũng làm vừa ý bạn.
Núi cao trầm mặc, yên tĩnh là bởi thế đứng oai nghiêm và sức nặng. Nước lớn muôn trượng, sống động là bởi độ sâu. Đừng sợ người khác không đánh giá cao bạn, hãy nhẫn nại, nghiêm túc và chân thành, điều gì đến sẽ đến. Hãy bình tĩnh như núi, sâu sắc như biển, tử tế với người khác, bao dung ngay cả kẻ thù. Được vậy, còn lo gì thiếu người ngưỡng mộ, tôn trọng mình đây?
Trên đường đời, ta phải gặp rất nhiều kiểu người, có người thấy bản thân mang chút thành tích, được người khác công nhận đôi chút liền theo đó mà hiu hiu tự đắc. Khi chứng kiến người khác có tiến bộ, họ thường làm ngơ đi, thậm chí chế giễu, mỉa mai, ghen ghét, đố kỵ.
Bất tài thường sinh ra đố kỵ. Đã không có kỹ năng, nhân cách lại chẳng tròn đầy, thiện lương, thử hỏi ai sẽ ngưỡng mộ bạn đây? Cho nên tu dưỡng đạo đức cá nhân mới là điểm then chốt để một người có thể được đánh giá cao hay thấp.
Ngọc Linh