“Báu vật của ta...” được miêu tả lần đầu trong bộ sách Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn của Tolkien, hình ảnh sinh vật gầy gò Gollum trong nỗi ám ảnh điên cuồng với “quyền lực của chiếc nhẫn quý giá” đã trở thành biểu tượng của sự tham lam, ám ảnh, và thậm chí là điên rồ ngày nay.
Đây cũng là hình ảnh đáng lo ngại. Trong mối quan hệ yêu – ghét với chiếc nhẫn và với bản thân, lời của Gollum nói lên nỗi khao khát trong lòng chúng ta. Dù là nhắm vào một điều cụ thể hay chỉ là mong ước mơ hồ muốn có được “nhiều hơn”, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ hài lòng khi có được “báu vật” của riêng mình. Nhưng thay vào đó, những điều chúng ta nghĩ sẽ khiến mình trọn vẹn lại khiến chúng ta cảm thấy trống rỗng hơn trước.
Có một cách để sống tốt hơn. Như Đa-vít bày tỏ trong Thi Thiên 16, khi những khao khát trong lòng khiến chúng ta miệt mài tìm kiếm sự thỏa lòng trong vô vọng (c.4), chúng ta hãy nhớ đến Chúa và tìm sự nương náu nơi Ngài (c.1), nhắc nhở chính mình rằng ngoài Ngài ra, chúng ta chẳng có gì hết (c.2).
Và khi mắt chúng ta ngừng tìm kiếm sự thỏa mãn “ngoài kia” để nhìn vào vẻ đẹp của Chúa (c.8), chúng ta sẽ kinh nghiệm sự thỏa lòng thật sự – một cuộc đời tràn ngập vui mừng, “trước mặt Chúa có trọn niềm hoan lạc”, bước đi với Ngài trong từng khoảnh khắc trên “con đường sự sống” bây giờ và mãi mãi (c.11).
Khi không tập chú vào Chúa, bạn thường tìm đến điều gì để có được sự thỏa mãn? Bạn có thể tìm được sự yêu thương và vùa giúp nơi ai khi rơi vào cạm bẫy tham muốn có được “nhiều hơn”?
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì nghĩ rằng con có thể tìm thấy điều mình cần ngoài Ngài. Cảm tạ Ngài đã luôn ở cùng con ngay cả khi con quên tìm kiếm Ngài. Xin kéo con đến gần Ngài để con sống trong niềm vui bước đi với Ngài.