Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ. — I Các Vua 19:12
Nhiều năm trước, hiệu trưởng của một trường đại học đề nghị các sinh viên cùng bà tham gia “tắt nguồn” trong một buổi tối. Dù các sinh viên đồng ý, nhưng đó là điều rất miễn cưỡng vì họ phải bỏ điện thoại sang một bên và bước vào phòng nhóm. Trong giờ tiếp theo, họ ngồi yên lặng trong buổi nhóm với âm nhạc và sự cầu nguyện. Về sau, một người tham dự đã mô tả kinh nghiệm đó là “cơ hội tuyệt vời để tĩnh lặng… một nơi chỉ để tắt hết mọi tiếng ồn dư thừa.”
Đôi khi thật khó để thoát khỏi “tiếng ồn”. Có thể tiếng ồn của thế giới bên ngoài lẫn bên trong chúng ta đang vang lên inh ỏi. Nhưng khi sẵn lòng “tắt nguồn”, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được lời nhắc nhở của tác giả Thi Thiên về sự cần thiết phải yên lặng để chúng ta có thể biết Chúa (Thi-thiên 46:10). Trong I Các Vua 19, chúng ta cũng khám phá ra rằng khi tiên tri Ê-li tìm kiếm Chúa, ông không thấy Ngài trong cơn gió dữ dội hay cơn động đất hay đám lửa (c.9-13). Thay vào đó, Ê-li nghe thấy tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của Chúa.
Tiếng ồn là điều chắc chắn phải có trong những dịp ăn mừng. Khi gia đình và bạn bè sum họp, có thể đó là thời gian của những cuộc trò chuyện sôi nổi, thức ăn dư dật, tiếng cười giòn giã, và những cử chỉ yêu thương ngọt ngào. Nhưng khi mở lòng mình trong yên lặng, chúng ta nhận thấy rằng thời gian với Chúa thậm chí còn ngọt ngào hơn. Giống như Ê-li, chúng ta sẽ gặp Chúa trong sự tĩnh lặng. Và đôi khi, nếu lắng tai, chúng ta cũng sẽ nghe được tiếng êm dịu nhỏ nhẹ đó.
Điều gì sẽ giúp bạn đến gần với Chúa trong chốn riêng tư và tĩnh lặng? Làm thế nào để bạn thường xuyên “tắt nguồn” cả những thiết bị lẫn tâm trí bận rộn của mình?
Chính trong sự tĩnh lặng mà chúng ta nghe thấy tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của Chúa.